Theo AP, đúng 10 năm trước, một trận động đất mạnh 9,3 độ richter đã xảy ra tại miền Tây Indonesia kéo theo một đợt sóng thần khổng lồ tràn qua 14 quốc gia, trong đó có Indonesia, Thái Lan, Sri Lanka và Somali khiến 220.000 người thiệt mạng.
Trong số các nạn nhân có hàng nghìn du khách nước ngoài đến các nước nói trên để dự lễ Giáng sinh và khiến thảm họa này trở thành thảm họa chung của toàn nhân loại.
Tại Indonesia, một dàn đồng ca đã đồng loạt hát vang bản quốc ca để khai mạc lễ tưởng niệm chính thức tại một công viên ở thành phố Banda Aceh, nơi gần tâm chấn của trận động đất nhất và đã từng phải hứng chịu những đợt rung lắc dữ dội kèm theo những con sóng khổng lồ cao đến 35m.
“Hàng nghìn xác người nằm ngổn ngang tại công viên này”, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla tuyên bố trước hàng nghìn người tham dự lễ tưởng niệm đang gạt nước mắt.
“Những giọt nước mắt khi đó đã rơi cùng cảm giác lo lắng, sốc, đau khổ, cam chịu và sợ hãi. Chúng ta đã cầu nguyện và khi chúng ta bắt đầu gượng dậy, chúng ta nhận được sự hỗ trợ tuyệt vời. Những sự hỗ trợ này đến từ Indonesia và cả người dân trên toàn thế giới. Tinh thần của chúng ta nhờ đó được phục hồi”, ông Kalla nói.
Ngoài ra, các Nhà thờ Hồi giáo tại tỉnh Aceh cũng tổ chức các lễ cầu nguyện vào sáng 26/12. Nhiều người dân Indonesia cũng đã đến viếng các ngôi mộ tập thể, nơi yên nghỉ của phần lớn trong số 170.000 người Indonesia bị thiệt mạng do sóng thần năm 2004.
“Tôi nhớ đến chúng hàng ngày”
Tại miền Nam Thái Lan, nơi khoảng một nửa trong số 5.300 người thiệt mạng là du khách nước ngoài, một nhóm các nhà tổ chức du lịch đã tập trung tại một khu tưởng niệm ở ngôi làng Ban Nam Khem, nơi cũng bị sóng thần xóa sổ.
Ngay khi buổi lễ bắt đầu, những người may mắn sống sót đã kể lại những điều kinh khủng đã xảy ra khi những đợt sóng lớn kèm theo các mảnh vụn đất đá tràn vào các khu nhà nghỉ cuốn trôi xe cộ, tàu thuyền và giết hại một nửa cư dân trong làng.
Ông Raymond Moor, một người Thụy Sỹ, cho biết, ông đã thấy điều gì đó bất thường khi thấy một vạch màu trắng xuất hiện ở đường chân trời và tiến nhanh về hướng bờ biển nơi ông và vợ mình đang ăn sáng.
“Tôi bảo vợ tôi phải chạy thật nhanh nếu muốn sống sót vì đó không phải là một con sóng mà là cả một mảng tường màu đen”, ông Moor nói và kể lại cảnh ông bị sóng bắt kịp sau đó như thể “bị quay tròn trong máy giặt”.
“Một phụ nữ Thái ở khách sạn đã cứu mạng tôi bằng cách kéo tôi lên ban công nhà nhưng cô ấy đã chết sau đó”, ông Moor kể trong nước mắt. Tuy nhiên, rất may, vợ của ông cũng sống sót.
Gần đó, bà Somjai Somboon, 40 tuổi, cho biết, bà vẫn chưa thể vượt qua được nỗi mất mát khi hai con trai của bà bị sóng cuốn ra khỏi nhà và thiệt mạng.
“Tôi nhớ đến chúng hàng ngày. Tôi sẽ luôn nhớ đến hai con trai mình”, bà Somboon chia sẻ.
Trong khi đó, tại Thụy Điển, nước có 543 người thiệt mạng do sóng thần, Hoàng gia nước này và những thân nhân của các nạn nhân sẽ dự lễ tưởng niệm tại Nhà thờ Uppsala vào chiều nay (26/12).
Những mạng người mất đi vô ích
Tại Sri Lanka, nơi có 31.000 người thiệt mạng, những người sống sót và thân nhân của khoảng 1.000 người trên một chiếc tàu hỏa bị sóng thần cuốn trôi năm 2004 đã cùng lên con tàu Ocean Queen Express vừa được phục hồi để đến Peraliya, nơi xảy ra vụ tai nạn.
Trước khi tàu rời bến, một nhân viên của tàu khẳng định, việc thiếu hiểu biết về sóng thần đã dẫn đến những cái chết vô ích.
“Chúng tôi có 15 phút để đưa hành khách đến nơi an toàn. Đáng nhẽ chúng tôi cần phải làm như vậy. Chúng tôi có thừa thời gian nhưng lại thiếu kiến thức”, ông Wanigaratne Karunatilleke, 58 tuổi, nói.
Các nỗ lực hồi sinh từ đống đổ nát
Sau tai nạn, một hệ thống cảnh báo sóng thần xuyên đại dương đã được thiết lập và các nước cũng đã đầu tư rất nhiều để sẵn sàng đối phó với thảm họa.
Ngoài ra, sau khi xảy ra thảm họa các nước trên thế giới cũng đã quyên góp số tiền lên đến 13,5 tỷ USD và đưa chuyên gia đến để giúp tái thiết các khu vực xảy ra sóng thần.
Trong số này, 7 tỷ USD đã được đầu tư xây dựng 140.000 ngôi nhà, hàng nghìn km đường, nhiều trường học và bệnh viện tại tỉnh Aceh.
Hơn thế nữa, thảm họa sóng thần năm 2004 cũng đã giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hàng thế kỷ giữa các nhóm đòi ly khai tại Aceh và chính quyền Indonesia dẫn đến một thỏa thuận hòa bình được hai bên thông qua một năm sau đó./.