Hai Phiếm khóc thật sự khi thấy cây lộc vừng 9 gốc bên hồ Hoàn Kiếm bị gãy một gốc, phải cưa lưng chừng. Nước mắt người già về nỗi buồn chung nhìn thấy thảm quá. Nghĩ tôi chỉ còn cách an ủi ông bạn già:
- Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã kết thúc thắng lợi hoành tráng nhất, rực rỡ nhất với niềm tự hào của nhân dân cả nước. Ban tổ chức và nhiều lực lượng khác nhau đã chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng đem đến sự thành công của Đại lễ này.
- Vâng!... Trước Đại lễ, Hà Nội đã chỉnh trang phố phường, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, tươm tất, học sinh, sinh viên cũng tham gia hoạt động này.
- Nên vui vì điều đó chứ không lẽ một trong 9 gốc lộc vừng cổ thụ bên bờ hồ Hoàn Kiếm...
- Vấn đề không chỉ là cây lộc vừng cổ bị tàn phá mà là những hành vi biểu hiện văn minh, văn hóa của con người Việt Nam. Ai đời đi dự lễ ngàn năm mà nhiều người xả rác và tàn phá công trình, cây cảnh, biến những khu vực rất đẹp trở thành nhếch nhác, tan hoang. Nhiều nơi của Hà Nội chìm trong biển rác. Hồ Gươm linh thiêng vậy mà người ta vẫn nhẫn tâm vứt rác xuống. Sau đêm bế mạc, Mỹ Đình cũng trở thành một bãi rác khổng lồ.
- Vâng! Ý thức giữ gìn vệ sinh và bảo vệ các công trình công cộng của nhiều người còn rất thấp.
- Nhưng ý thức ấy từ đâu?
- Có lẽ bấy nay chúng ta chỉ quen tuyên truyền giáo dục về lòng tự hào, về tình yêu Thủ đô đất nước mà quên tuyên truyền giáo dục về nỗi nhục nhã, về lòng phẫn nộ trước những gì phá đi lòng tự hào và tình yêu đất nước.
- Xem ra rác xả rồi cây quý bị gãy đã là đau nhưng hành vi ứng xử trong xã hội bị nhuốm rác hoặc gãy đổ mới là tận cùng của mọi lo lắng bởi đấy trình độ văn minh của một đất nước, tầm cao dân trí của một quốc gia, sự trưởng thành về văn hóa của một dân tộc...