“Nước mắt” Cổng trời

16-01-2012 10:14 | Xã hội
google news

Mang Yang – trong tiếng Giơ Rai là “Cổng trời”. Trong quan niệm của bà con người đồng bào dân tộc thiểu số Giơ Rai - Ba Na thì “Cổng trời” rất linh thiêng. Đây là nơi các thần linh “trời, đất, núi, rừng, sông, suối…” đến trú ngụ.

Mang Yang – trong tiếng Giơ Rai là “Cổng trời”. Trong quan niệm của bà con người đồng bào dân tộc thiểu số Giơ Rai - Ba Na thì “Cổng trời” rất linh thiêng. Đây là nơi các thần linh “trời, đất, núi, rừng, sông, suối…” đến trú ngụ. Thế nhưng thời gian gần đây, Cổng trời đang bị hàng ngàn lượt người dân từ khắp nơi kéo đến băm nát chỉ vì những tin đồn “rất nhiều người trúng gốc huỳnh đàn cả trăm triệu đồng…”.

Cứu lấy Cổng trời của Tây Nguyên

Tây Nguyên, những cơn mưa cuối cùng của mùa mưa vẫn còn khá nặng hạt. Chúng tôi khăn gói cẩn thận để đến với Cổng trời (tiếp giáp địa bàn hai huyện Mang Yang và Đăk Pơ - Gia Lai, cách trung tâm TP. Pleiku chừng 50km, trên Quốc lộ 19 theo hướng Gia Lai - Bình Định). Từ trên đỉnh đèo, rất nhiều đoàn người (đa số là người dân tộc thiểu số) mang theo cuốc xẻng, dao rựa, xà beng và cơm nước… lần lượt kéo nhau đỗ xuống lưng chừng đèo, đến đoạn hai con đường tránh thuộc Tiểu khu 603, 605A (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê - Gia Lai) để tìm kiếm gốc huỳnh đàn.

 Những đoàn người chuẩn bị vào rừng đào bới tìm huỳnh đàn.
Khi đến điểm hẹn, chúng tôi xuống và giấu chiếc xe máy vào một bụi cây rậm bên đường, phía dưới chân đèo cũng có rất nhiều người đang tiến lên. Bên sườn đèo, tại khúc khuỷu tay từ trên xuống, chỉ cách mặt đường Quốc lộ 19 chừng 5m chi chít những hầm hố, đất đá bị người dân đào bới. Đưa máy bấm nhanh những bức ảnh này, chúng tôi tiếp tục đưa máy bấm cảnh những đoàn người kéo vào tàn phá Cổng trời.

Ba thanh niên trạc 30-35 tuổi, tóc tai bù xù, quần áo nhiều chỗ không còn nguyên vẹn - dấu tích của những ngày leo trèo, đào bới… tiến lại đưa tay che máy rồi nói như ra lệnh “Chụp ảnh để làm gì?”, “Ai cho phép?”… Để thuận lợi và thành công trong chuyến công tác, chúng tôi đành mềm dẻo “đi tìm hiểu, nếu có thì mua một ít gốc rễ huỳnh đàn… Chụp mấy kiểu ảnh giới thiệu với bạn hàng…”. Tin chúng tôi là những người đi mua hàng, nên họ ra đi chỉ để lại câu nói: “Nếu có tiền thì chiều rồi đến, bây giờ làm gì có, buôn bán gì mà dốt vậy”.

Tranh thủ lúc một nhóm người mới đến đang nghỉ chân chuẩn bị cho cuộc hành trình “đào bới, tìm kiếm”, chúng tôi tìm cách tiếp cận và hỏi chuyện. Chị Đinh Lập (34 tuổi) dân tộc Ba Na ở Hà Ra, Mang Yang (Gia Lai) cho biết: “Nghe bà con trong làng nói chuyện với nhau, có một người dân ở thị xã An Khê đi đào cây cảnh ở vùng đất này đã gặp một gốc cây huỳnh đàn khá to, về bán được gần 300 triệu đồng. Từ thông tin đó, nhiều người đến đây đào bới, tìm kiếm cũng gặp được nhiều gốc, rễ huỳnh đàn và cả gốc gỗ chắc. Ai gặp may, gặp thời Yang (thần linh) cho thì ngày cũng kiếm được 3-4 trăm ngàn, nhiều người chỉ được 5-7 chục ngàn đồng, có người chỉ nhặt được mấy mảnh đạn bán sắt vụn. Đang mùa giáp hạt khó khăn, kiếm được số tiền đó để mua gạo, thức ăn… với bà con mình cũng quý lắm rồi…”. Nói xong chị đứng dậy vác lên vai một gùi tre, trong đó có hai bầu nước, một hộp cơm và một cái cuốc chim trông rất sắc như vừa mới mài.

Chúng tôi tiếp cận và hỏi một anh cùng đi trong nhóm với chị Lập nhưng anh này đã từ chối “Mình không biết đâu. Chiều về có huỳnh đàn thì mình bán cho”. Họ trao đổi với nhau những câu gì đó bằng tiếng địa phương rồi tất cả đứng lên và đi riêng theo một hướng mới xuống phía chân đèo…

Trời vẫn tiếp tục mưa và những đoàn người vẫn tiếp tục kéo nhau đến. Đưa tay lau vội những giọt mưa bám dài trên khuôn mặt, anh Trịnh Văn Bá ở Tân Thành, thị xã An Khê thổ lộ: “Qua tìm hiểu, nhiều người dân địa phương ở đây, nhất là các cụ cao tuổi người Ba Na, Giơ Rai, thì vùng đất này ngày trước rất nhiều cây huỳnh đàn sinh sống, nhiều cây to, cao được bà con chặt về lấy gỗ làm sàn nhà, làm cửa nhà rông, thậm chí làm cả chuồng trâu, bò. Cây huỳnh đàn có đặc điểm khi bị chặt ngang gốc, hoặc cách mặt đất chừng trên dưới 1m là không lên cành, lên ngọn như những cây rừng khác. Gốc rễ của chúng ở dưới đất rất khó mục nát, phân hủy. Sau năm 1975, một số cây bị  bà con địa phương chặt làm gỗ, chặt làm nương rẫy, một số bị công nhân làm đường và trồng rừng san lấp. Đó cũng lý do mà bây giờ hằng ngày có rất nhiều người dân về đây đào bới tìm kiếm”.

Từ trên Quốc lộ 19, chúng tôi xuống bãi đất mà bà con đang triệt phá huỳnh đàn, hầm hố nối tiếp nhau, đất đá lởm chởm, nhiều cây rừng, cây thông trồng 3-4 năm tuổi bị chặt bỏ. Nhiều thảm hoa cúc quỳ với vẻ đẹp trời phú cho Cổng trời Mang Yang đã bị vùi lấp. Cổng trời đang ngày đêm bị những thợ săn huỳnh đàn băm nát, chỉ cần một trận mưa to thì chuyện sạt lở đèo, san lấp Quốc lộ 19 là điều không tránh khỏi. Cứu lấy Cổng trời Tây Nguyên là việc cần làm ngay bây giờ của chính quyền địa phương tỉnh Gia Lai.

Đào hố, đổ đá - Tính mạng mong manh!

Để mong tìm được một gốc huỳnh đàn, cả mấy trăm con người dầm mình trong mưa, trong đất, đá. Họ tích cực đào bới, san lấp những vạt rừng lưng chừng chân đèo, đứng xa nhìn như một công trường khai thác đất đá. Không có quy định, quy tắc, quy chế nào phân định, nhưng thực chất các nhóm khai thác gốc huỳnh đàn ở Cổng trời Mang Yang vẫn phân chia “lãnh địa”, họ tự khoanh các vùng để đào bới, tìm kiếm và tự lập “bất khả xâm phạm”. Theo anh Đinh Venh, một thợ “khai thác” người Ba Na đến từ Kon Dơn (Mang Yang) cho biết: “Do có nhiều nhóm đến săn tìm nên các vùng đất xung quanh Tiểu khu 603, 605A thuộc rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn đèo Mang Yang đã bị phân chia để đào bới. Đào bới, khai thác tự do không có ai quản lý nên “trật tự công cộng” liên tục bị vi phạm. Tuy chưa có các vụ án nghiêm trọng nhưng chuyện cãi vã, xô xát nhau đã xảy ra. Hiện nay các nhóm đang tranh thủ đào đất để tìm kiếm huỳnh đàn. Theo người dân địa phương, trời mưa đào nhẹ và dễ đào, chứ sang mùa khô đào được một hố đất ở đây không phải dễ…”.

Để khai thác nhanh, các nhóm chia nhau 3 người một hố, đào theo kiểu hàm ếch, trên nhỏ, dưới to, sâu chừng 1,5 - 2m, ăn vào xung quanh rồi cho sập xuống để tìm kiếm huỳnh đàn. Địa hình Cổng trời, thành phần đất được cấu thành từ 3 loại gồm “đất cát, bùn và đá nhỏ” nên rất dễ sập. Nếu không may một hố đào sập xuống thì hậu quả cho người đào bới thật khó lường. Hơn nữa đây là địa bàn “bom đạn” trong chiến tranh, nên chuyện đào trúng bom đạn không hiếm.

Cũng theo anh Đinh Venh, chỉ cách đây 3 ngày, nhóm của anh đã đào trúng 2 quả đạn cối còn khá nguyên vẹn, nhưng may không nổ. Bỏ qua nơi khác làm, ngày sau vào thì 2 quả đạn đã bị “bay hơi”, có thể những người rà phế liệu đã nhặt. Biết là vất vả, nguy hiểm nhưng vì bát cơm manh áo của gia đình, vợ con nên phải làm thôi. Nói rồi Đinh Venh lại tiếp tục công việc…

Chính quyền địa phương chưa kiên quyết

Cùng ngồi trú mưa với chúng tôi dưới tán một cây rừng khá to bên đường, anh Đinh Nhưỡng, một tài xế xe thồ (dịch vụ ăn theo) người Ba Na ở Hà Ra cho biết, anh đã có mặt ở đây gần một tháng nay, kể từ ngày “đội quân” đào bới huỳnh đàn kéo đến đây khai phá. “Tôi chỉ đưa đi, đón về những người địa phương không có xe máy, nên công việc chỉ diễn ra vào buổi sáng và buổi chiều, thời gian còn lại chủ yếu là lang thang dạo chơi và chờ… nên mọi hoạt động diễn ra nơi đây tôi điều biết. Chuyện người dân tự do vào đào bới đất để tìm kiếm huỳnh đàn, chính quyền địa phương đã biết và triển khai cho công an, kiểm lâm đến kiểm tra, nhưng mọi chuyện đâu vẫn hoàn đó”… Nói rồi anh Nhưỡng chỉ tay về phía những bãi đào, những ta-luy sạt lở…

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Hữu Long, Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê (Gia Lai) cho biết: “Tình trạng người dân đổ xô đến đây đào bới đất đá tìm gỗ huỳnh đàn chúng tôi đã biết, vừa báo cáo cho chính quyền địa phương xin ý kiến chỉ đạo, chúng tôi vừa phối hợp với kiểm lâm, công an huyện và chính quyền xã kiểm tra, đuổi người đi đào gốc huỳnh đàn… Nhưng mình đến thì họ đi vào rừng, mình về họ lại đến nên rất khó xử lý”.

Cũng theo anh Nhưỡng, các cơ quan chức năng chỉ tuyên truyền và yêu cầu người dân ra khỏi rừng (số đứng hai bên đường lánh nạn), còn phần đông những người đi sớm đã vào rừng thì coi như họ không biết gì và ngày mai cứ thế… tiếp tục.

 Những bãi đất ở Cổng trời bị người dân đào bới tìm huỳnh đàn.
Đèo Mang Yang có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc và trong đời sống tâm linh của người dân địa phương ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Do vậy rất cần có phương án bảo vệ lâu dài và hiệu quả. Chính quyền địa phương, nhất là huyện Đăk Pơ cần có những giải pháp đồng bộ và kiên quyết như: tiếp tục trồng và bảo vệ rừng để phủ xanh đất trống, vừa chống xói mòn, sạt lở, vừa giữ sạch môi trường, đồng thời tạo cảnh quan đẹp thu hút du khách tham quan; bằng nhiều biện pháp kiên quyết ngăn chặn việc đào bới tìm kiếm gốc, rễ huỳnh đàn và các loại gỗ quý khác. Bên cạnh đó, giải pháp tốt nhất hiện nay là các ban, ngành phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền để cho người dân hiểu được việc làm sai trái của mình không tham gia tìm kiếm, đào bới đất đá làm sạt lở đèo ảnh hưởng đến Quốc lộ 19, huyết mạch giao thông giữa Tây Nguyên với đồng bằng.

… Trên đường trở về, chúng tôi nhớ mãi câu nói của già làng Kon Chãr: Cổng trời Mang Yang ngày một bị con người băm nát, tàn phá, cây rừng tả tơi, nếu chính quyền địa phương không nhanh chóng ngăn chặn thì nguy cơ sạt lở đèo và Quốc lộ 19 là không tránh khỏi. Cổng trời bị băm nát, các thần linh hết nơi trú ngụ đành lòng ra đi chỉ để lại những giọt “nước mắt” buồn phiền…

Bài và ảnh: Lê Quang Hồi


Ý kiến của bạn