1. Đặc điểm và công dụng của cây mùi tàu
Mùi tàu còn có tên gọi khác là mùi gai, ngò gai hoặc ngò tây, là loại rau thơm góp phần tạo nên món ăn hấp dẫn và nhiều hương vị. Bên cạnh đó, loại rau thơm này còn có công dụng chữa một số bệnh hiệu quả.
Mùi tàu có tên khoa học là Eryngium foetidum L. Họ: Hoa tán (Apiaceae).
Mùi tàu là cây thân thảo có chiều cao trung bình khoảng từ 15 đến 25cm. Lá rau hình mác và thuôn dài, ở hai bên mép lá có nhiều răng cưa. Lá rộng dần về phía ngọn, lá ở thân thường có răng cưa nhiều hơn. Các lá ở phía trên xẻ từ 3 - 7 thùy ở phía chóp và có nhiều gai.
Phần hoa có màu trắng lục, mọc ta từ trục thân với hình trụ hoặc hình bầu dục. Phần quả có hình cầu, hơi dẹt và bên trong có chứa nhiều hạt (để làm giống). Thông thường khi trưởng thành, hạt của cây sẽ tự rụng và phát tán mọc hoang, thấy nhiều ở những vùng đồi núi và đồng bằng.
Cây có tuổi thọ vài năm, cao khoảng 50 cm. Lá được mọc từ sát gốc và có phiến mỏng. Mép lá có răng cưa, hình mũi mác và thon hẹp.
Nhân dân nhiều địa phương đã trồng mùi tàu để làm thuốc, rau thơm trong ẩm thực hàng ngày.
Bộ phận dùng làm thuốc: Tất cả các bộ phận của cây mùi tàu đều được tận dụng để làm rau thơm cũng như vị thuốc, có thể dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.
Tính vị: Theo các tài liệu Đông y mùi tàu có vị the cay, hơi đắng, thơm và tính ấm. Toàn cây có tinh dầu, chính vì lá có vị thơm nên được dùng trong nhiều món ăn.
Thành phần: Các thành phần có trong mùi tàu như protid, glucid, cellulose, calcium, phosphor, sắt, vitamin B1 và vitamin C…
Tác dụng: Theo Đông y mùi tàu có tác dụng kiện tỳ, sơ phong thanh nhiệt; hành khí tiêu thũng, chỉ thống; thông khí, giải nhiệt, giải độc; kích thích tiêu hóa, khử mùi hôi.
Mùi tàu có công dụng chữa một số chứng, bệnh như: Cảm cúm, ho có đờm, hôi miệng, lở loét miệng, kiết lỵ, đái dầm ở trẻ, trị mụn nhọt, viêm kết mạc, tăng cholesterol máu…
2. Tác dụng của mùi tàu trong điều trị cảm cúm và long đờm
Trong thời gian vừa qua, bà con nhân dân có truyền nhau sử dụng cây mùi tàu để sắc uống cho long đờm ở bệnh nhân COVID-19 và hậu COVID-19.
Bài viết này xin giới thiệu tác dụng của mùi tàu trong điều trị bệnh cảm cúm và long đờm để đồng nghiệp và độc giả tham khảo.
2.1.Mùi tàu điều trị cảm cúm
Cảm cúm rất dễ xảy ra với những người có hệ thống miễn dịch kém, người cao tuổi, trên diện rộng, đặc biệt hay xảy ra khi thời tiết thay đổi.
Mùi tàu có tính ấm. Do đó, có thể dùng mùi tàu phối ngũ với một số vị thuốc nam khác để chữa cảm cúm với các triệu chứng như: Sốt, ho có đờm, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, đau mình mẩy…
Bài thuốc kinh nghiệm: Mùi tàu 30g, sinh khương 10g, ngải cứu 20g, mần trầu 15g, cúc tần 15g, cam thảo nam 15g. Các vị thuốc thái đoạn, sinh khương đập dập, cho 500 ml nước sắc lấy 100ml chia 2 lần uống sáng, chiều lúc thuốc còn ấm.
2.2. Tác dụng làm long đờm
Khi bệnh nhân bị ho có đờm do nhiều nguyên nhân bệnh khác nhau, đờm thường ứ đọng, bám dính trong đường hô hấp gây khó thở và khó chịu cho người bệnh. Theo kinh nghiện Đông y dùng mùi tàu để làm long đờm, tống phần đờm bám dính trong cổ họng ra.
Bài 1: Dùng lá mùi tàu tươi 40g thái nhỏ, cho 300 ml nước đun sôi, chia 2 lần uống lúc nước ấm.
Bài 2: Dùng lá mùi tàu tươi 20g thái nhỏ, cho 100g ngạnh mễ (gạo nếp), nước vừa đủ nấu cháo, ngày nấu ăn 02 lần.
Bài 3: Dùng lá mùi tàu tươi 20g thái nhỏ, cho 100g thịt bò tươi xào ăn nóng, ngày ăn 02 lần.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bộ Y tế đề xuất nhà thuốc được kê đơn bán thuốc Molnupiravir.