1. Tác dụng của collagen đối với da và khớp
Collagen là một loại protein phong phú nhất, chiếm tới hơn 20% lượng protein trong cơ thể. Cấu trúc giống như sợi của nó được sử dụng để tạo mô liên kết, loại mô này kết nối các mô khác và là thành phần chính của xương, da, cơ, gân và sụn. Nó giúp làm cho các mô khỏe mạnh và đàn hồi, có khả năng chịu được sự kéo giãn.
Collagen có tác dụng tăng sự đàn hồi da, chống lão hóa da, nhanh lành sẹo, tăng cường hệ miễn dịch, giúp xương, tóc, móng, răng chắc khỏe, giảm biến chứng ở xương, sụn, phòng ngừa loãng xương và xốp xương…
Cơ thể dần dần tạo ra ít collagen hơn khi chúng ta già đi nhưng việc sản xuất collagen giảm nhanh nhất do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều, hút thuốc, uống quá nhiều rượu, thiếu ngủ và ít tập thể dục. Khi lão hóa, collagen ở các lớp da sâu thay đổi từ mạng lưới sợi được tổ chức chặt chẽ thành trở nên không chặt chẽ. Việc tiếp xúc với môi trường có thể làm hỏng các sợi collagen, làm giảm độ dày và độ bền của chúng, dẫn đến nếp nhăn trên bề mặt da.
Collagen bao gồm khoảng 60% sụn, một mô rất chắc chắn bao quanh xương và đệm chúng khỏi tác động của các chuyển động có tác động mạnh. Vì vậy sự phân hủy collagen có thể dẫn đến mất sụn và các vấn đề về khớp.
Hầu hết các nghiên cứu về bổ sung collagen đều liên quan đến sức khỏe khớp và da. Một số thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng đã phát hiện ra rằng bổ sung collagen giúp cải thiện độ đàn hồi của da và cải thiện khả năng vận động của khớp và giảm đau khớp như viêm xương khớp.
2. Nước hầm xương có chứa collagen không?
Để tạo ra collagen hoặc bất kỳ loại protein nào cơ thể cần kết hợp các acid amin thông qua tiêu thụ các thực phẩm giàu protein sau đó tái sử dụng các acid amin thành collagen.
Một số loại thực phẩm giàu protein được cho là có tác dụng nuôi dưỡng sản xuất collagen vì chúng chứa các acid amin tạo ra collagen. Collagen được tìm thấy tự nhiên nhiều trong sản phẩm động vật như thịt và cá có chứa mô liên kết. Việc sản xuất collagen cũng cần các chất dinh dưỡng như kẽm có trong động vật có vỏ, các loại đậu, thịt, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt và vitamin C từ trái cây họ cam quýt, quả mọng, rau lá xanh, ớt chuông và cà chua.
Nước hầm xương cung cấp collagen cho cơ thể vì nước hầm xương có thành phần protein acid amin tương tự 90% với collagen. Ngoài ra nó còn chứa chất điện giải, vitamin và khoáng chất khác.
Theo BS. Liên Hương, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, xương động vật chứa một lượng lớn các chất khoáng cũng như 17 acid amin khác nhau, collagen và gelatin. Trong nước xương đặc biệt nếu hầm cùng với da động vật thì sẽ có nhiều keratin, collagen và GAGs (là một carbonhydrate phức hợp có thể tham gia vào nhiều quá trình của cơ thể). Collagen giúp cải thiện được độ đàn hồi của da và cải thiện độ ẩm cho da.
Một nghiên cứu trên chuột cho thấy, chế độ ăn giàu gelatin (một loại protein được chiết xuất từ collagen) sẽ giúp giảm thiểu các tác hại của tia UV với da. Sự có mặt của gelatin cũng giúp ruột hấp thu được nước, hỗ trợ cải thiện nhu động ruột.
Đối với khớp để hoạt động tốt cần có dịch khớp mà thành phần chính có trong đó là GAG. GAG không phải là chất duy nhất trong nước xương giữ cho khớp hoạt động trơn tru, người ta thấy rằng bổ sung collagen cũng làm giảm đau khớp ở vận động viên.
3. Cách sử dụng nước hầm xương
Hầm xương là một quá trình đơn giản bao gồm các nguyên liệu như: nước, xương động vật và một lượng nhỏ giấm (để giúp hòa tan xương và giải phóng collagen và khoáng chất), một chút hạt tiêu, ninh trong vòng 12 - 24 giờ. Bạn cũng có thể thêm rau củ, thảo mộc và gia vị để tạo hương vị.
Hàm lượng vitamin và khoáng chất trong nước hầm xương thay đổi tùy theo thời gian ninh xương và các loại rau củ hay thảo mộc được sử dụng. Tất cả các bộ phận của động vật cũng chứa collagen, chất này biến thành gelatin khi được nấu chín và giải phóng các acid amin thiết yếu vào trong nước.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nước hầm xương tuy có nhiều dưỡng chất và collagen tốt cho sức khỏe, tuy nhiên cũng cần lưu ý không nên ăn quá nhiều để tránh dư thừa. Thông thường mỗi lần nên ăn khoảng 200-350ml nước hầm xương, khoảng 2-3 lần/tuần là đủ. Ngoài ra cần lưu ý khi hầm xương không nên cho nhiều muối sẽ không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là nguy cơ tăng huyết áp.
Xem thêm video đang được quan tâm:
9 “siêu thực phẩm” giúp bạn đẩy lùi lão hóa nếu ăn thường xuyên.