Thứ Sáu, 03/01/2025 01:19 (GTM+7)

Hà Nội 21oC / 12-27oC

Nước giếng hô biến thành nước “thánh” trị bệnh!?

24-06-2010 20:44 | Xã hội
google news

Những ngày vừa qua, không biết tin đồn thổi ở đâu phát ra mà hàng ngàn người dân từ các nơi khác đổ về giếng bà Lĩnh (xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, Quảng Nam) để uống nước và lấy nước về dùng với mong muốn chữa được bệnh. Báo SK&ĐS đã nhiều lần cảnh báo việc tung tin đồn thổi dùng nước giếng để chữa bệnh là việc hoang đường,

Những ngày vừa qua, không biết tin đồn thổi ở đâu phát ra mà hàng ngàn người dân từ các nơi khác đổ về giếng bà Lĩnh (xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, Quảng Nam) để uống nước và lấy nước về dùng với mong muốn chữa được bệnh. Báo SK&ĐS đã nhiều lần cảnh báo việc tung tin đồn thổi dùng nước giếng để chữa bệnh là việc hoang đường, không thể chấp nhận, nhưng nhiều người vẫn mù quáng tin vào chuyện thất thiệt. Tình trạng này đã và đang gây náo loạn cho làng quê rất đỗi yên bình.

 Một người đàn ông đang cầm nắm hương để thắp vái xin múc nước thánh về chữa bệnh cho con.          Ảnh: Hồng Phong
Giếng hoang và hoang tin

Nhận được thông tin, sáng ngày 22/6, chúng tôi có mặt tại giếng bà  Lĩnh. Mới sáng sớm nhưng đã có hàng trăm người dân từ các địa phương trong tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Đà Nẵng đã có mặt để khấn bái, xin nước uống để chữa bệnh. Trao đổi với một số người dân sống xung quanh được biết: Giếng nước có tên là giếng bà Lĩnh nằm cạnh công trình nước sạch do Tổ chức Đông Tây hội ngộ xây dựng cho xã Tam Hòa cách đây khoảng 5 năm.

Phóng viên quan sát thấy khuôn viên giếng nước rộng chưa tới 10m2, giếng sâu khoảng 4m không hề được che đậy, xung quanh hương khói nghi ngút. Chứng kiến cảnh người dân thắp hương, người khấn vái, người múc người uống làm xao động cả một góc thôn. Không những thế mà một số người dẫn theo con nhỏ đến để cho con uống nước và tắm rửa cho con ngay tại giếng để mong con được... khỏe mạnh.

Nhiều người dân xã Tam Hòa cho biết thêm: Giếng nước này bị bỏ hoang nhiều năm nay, cách đây khoảng 3 tháng, khi tình hình cắt điện, thiếu nước xảy ra thường xuyên, dân trong thôn đã tự bỏ tiền tu sửa lại giếng nước, để lấy nước sinh hoạt. Tuy nhiên, cũng từ đó thông tin về nước giếng này được đồn thổi là trị được bệnh, hàng ngàn người dân kéo về đây xin nước.

 Từ sáng sớm đã có hàng trăm người dân các nơi đổ về giếng đua nhau múc nước được gọi là nước "thánh" để chữa bệnh.
Cần tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân

Trước sự việc này, lãnh đạo và công an xã Tam Hòa đã nhiều lần khuyến cáo đến với người dân không dùng nước giếng bà Lĩnh khi chưa có kết quả xét nghiệm của cơ quan chức năng. Điều nguy hiểm là trước khi đưa vào sử dụng, giếng nước này đã bỏ nhiều năm chưa chắc chất lượng nước được đảm bảo. Bằng mắt thường nhìn nước trong nhưng đằng sau đó có thể ẩn chứa nhiều bệnh tật... Trước sự việc trên, trạm y tế xã Tam Hòa đã lấy mẫu nước gửi lên Trung tâm y tế dự phòng xét nghiệm chất lượng nguồn nước, nhưng hiện chưa có kết quả.

Đem sự việc trên trao đổi với ông Võ Thành Lạc - Chủ tịch UBND xã Tam Hòa, ông Lạc xác nhận: Tin đồn về nước giếng bà Lĩnh chữa bách bệnh, làm cho những ngày vừa qua người dân các nơi đổ về ngày một đông. Hiện nay chúng tôi tổ chức vận động tuyên truyền người dân không nên uống nước giếng, vì nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Còn ông Nguyễn Đình Bá - Phó Công an xã Tam Hòa cho biết: Sự việc lộn xộn xung quanh giếng nước mang tên bà Lĩnh bắt đầu diễn ra từ hơn tháng nay. Chúng tôi đã báo cáo tình hình lên huyện để sớm có hướng giải quyết. Trước mắt, chúng tôi cử cán bộ túc trực để tránh tình trạng cúng bái, mất trật tự cho thôn xóm và không cho người dân đến giếng lấy nước theo tin đồn nữa.

Để sớm dập tắt tin đồn có nguy cơ ngày càng lan rộng, hiện nay người dân xã Tam Hòa đang rất cần cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc kiểm tra nguồn nước này có đảm bảo vệ sinh hay không? Và hơn hết, chính quyền huyện Núi Thành phải phối hợp nhanh chóng với xã Tam Hòa, tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân việc dùng nước phải hợp vệ sinh và cần khẳng định dùng nước giếng không thể chữa được bệnh, trả lại bình yên cho xã Tam Hòa.

Bài và ảnh: Trương Hồng Phong 


Ý kiến của bạn