Nước cờ mới của Mỹ

27-04-2019 11:02 | Quốc tế
google news

SKĐS - Mỹ vừa quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran, động thái chẳng những đẩy căng thẳng Mỹ-Iran chạm đáy mà còn khiến nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ khó xử.

Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết Mỹ, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cùng các đồng minh cam kết đảm bảo rằng các thị trường dầu mỏ thế giới vẫn được cung cấp đầy đủ. Trước đó, ngày 22/4, hãng Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết Mỹ dự kiến sẽ thông báo tới tất cả các nước và vùng lãnh thổ mua dầu thô của Iran phải chấm dứt việc nhập khẩu dầu của Iran ngay hoặc sẽ đối mặt với trừng phạt. Nguồn tin cũng cho biết tờ Washington Post đã đăng tải thông tin về việc Chính phủ Mỹ sẽ chấm dứt các quy chế miễn trừ đã cấp cho một số quốc gia, vùng lãnh thổ được mua dầu của Iran trong năm ngoái.

Sau khi có thông tin trên, giá dầu thô Brent giao trong tương lai đã tăng 3,2% lên mức 74,30 USD/thùng, mức cao nhất tính từ ngày 1/11/2018, trong phiên giao dịch đầu giờ sáng 22/4 do phản ứng với khả năng thắt chặt nguồn cung dầu thô. Giá dầu giao trong tương lai của sàn WTI tại Mỹ cũng tăng 2,9% lên mức 65,87 USD/thùng, mức cao nhất kể từ 30/11/2018.

Có thể thấy quyết định trên là một "nước cờ" đầy toan tính của Washington. Với động thái trên, Mỹ đã một lần nữa gây sức ép mạnh mẽ, ở mức tối đa có thể, đối với Iran nhằm buộc Tehran phải xuống nước trên bàn đàm phán, như những gì mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố mới đây. Cũng có ý kiến cho rằng Mỹ đang ép Iran để Tehran phải rời bỏ chương trình hạt nhân của mình và đem Eo biển Hormuz ra “mặc cả”.

Mỹ lại gây sức ép với Iran với việc chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran.

Thời gian gần đây, Mỹ liên tục gây sức ép đối với Iran để hiện thực hóa những mục tiêu của mình. Hàng loạt biện pháp của Mỹ kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã đẩy Tehran vào cảnh khó khăn khi nguồn thu ngân sách từ hoạt động xuất khẩu dầu bị sụt giảm mạnh, nền kinh tế lao đao. Viện Tài chính quốc tế (IIF) dự báo nền kinh tế Iran có thể sụt giảm tới 4% trong năm 2019.  Vì thế, trong trường hợp Iran phong tỏa Eo biển Hormuz như một biện pháp đáp trả, Mỹ và các đồng minh ở khu vực Trung Đông chắc chắn không để yên và có thể sẽ sử dụng biện pháp quân sự để ngăn chặn, khi ấy khu vực này lại đứng trước nguy cơ xảy ra cuộc xung đột mới.  Giới phân tích lo ngại động thái mới của Tổng thống Donald Trump nhằm vào Iran có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới, đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực.

Tuy nhiên, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang “phá hỏng” thỏa thuận mà Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, trong đó có Nga, đạt được, về việc cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu/ngày đến tháng 6/2019 để ổn định thị trường thế giới. Trong bối cảnh 3 quốc gia cung cấp dầu mỏ chủ yếu cho thị trường quốc tế là Iran, Libya và Venezuela đều lâm vào tình trạng khó khăn, rất có thể OPEC và các đối tác sẽ phải họp khẩn cấp để quyết định xem liệu có tiếp tục duy trì thỏa thuận này nữa hay không, khi nguồn cung được dự báo sẽ thiếu hụt nghiêm trọng.

Đây không phải lần đầu tiên Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Hồi tháng 11/2018, Mỹ tái áp đặt trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc thế giới. Tuy nhiên, Washington đã cấp quy chế miễn trừ cho 8 nước và vùng lãnh thổ được phép tiếp tục mua dầu thô của Iran trong 6 tháng tiếp theo với số lượng hạn chế. Danh sách này bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italia và Hy Lạp.

Việc Mỹ “ép” Iran, có thể hiểu là nhằm tạo lợi thế cho chính mình và các đồng minh của Washington ở khu vực Trung Đông, nhằm thực thi sách lược của Tổng thống Trump. Điều này không phải không có cơ sở khi Mỹ hiện đã trở thành quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới, vượt qua cả Nga và Saudi Arabia về sản lượng dầu nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ngành khai thác dầu đá phiến. Chính Mỹ đang định hình lại cục diện ngành công nghiệp dầu mỏ của thế giới và hiện khó nước nào có khả năng “qua mặt” Washington trong lĩnh vực này. Việc OPEC đang mất dần ảnh hưởng trên thị trường toàn cầu cũng được cho là chịu tác động của “sự trỗi dậy” của Mỹ về sản lượng dầu. Giới phân tích cho rằng còn một lý do sâu xa nữa là khi Tổng thống Donald Trump chuẩn bị vận động tái tranh cử, thì đây sẽ là “một đòn” mang lại nhiều lợi thế cho Tổng thống Donald Trump.

Trong bối cảnh sản lượng dầu của Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2019 và 2020, lần lượt đạt mức trung bình 12,3 triệu thùng/ngày và 13 triệu thùng/ngày. Cùng với sự hậu thuẫn của các đồng minh ở Trung Đông, Mỹ sẽ có tiếng nói quyết định trong việc ổn định thị trường dầu mỏ thế giới, và từ dầu mỏ Mỹ có thể chi phối toàn bộ khu vực Trung Đông cũng như các điểm nóng khác trên toàn cầu./.


N.Minh
Ý kiến của bạn