Nước cờ an toàn của Mỹ trước nguy cơ chiến tranh thương mại với Trung Quốc

03-05-2018 17:04 | Quốc tế

SKĐS - Quyết định bất ngờ của Mỹ về kéo dài thời hạn miễn thuế nhôm và thép của Liên minh châu Âu (EU) thêm 1 tháng cho thấy bước đi thận trọng của Mỹ, nhằm xoa dịu những căng thẳng gần đây về nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ EU.

Trong 2 ngày 3- 4/5,  các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ sẽ lên đường tới Trung Quốc, tham gia các cuộc đàm phán thương mại quan trọng với nước này. Đây là các cuộc đàm phán trực tiếp cấp cao nhất của hai nước Mỹ và Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Mỹ công bố lần cuối cùng áp thuế  thêm 50 tỷ USD vào hàng hóa Trung Quốc. Đây cũng là  chuyến đi quyết định, hoặc sẽ giải quyết được những căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, hoặc sẽ khơi mào cho một cuộc chiến thương mại thực sự. Bộ trưởng thương mại Mỹ Wibur Ross cho biết, nếu phái đoàn Mỹ đến Bắc Kinh không dàn xếp được tình trạng mất cân bằng thương mại, Tổng thống D.Trump đã sẵn sàng đánh thuế Trung Quốc.

Mỹ Trung Quốc hội đàm thương mại cấp cao nhằm tháo gỡ ngòi nổ một cuộc chiến thương mại gần kề

Phía sau các cuộc đàm phán

Không phải ngẫu nhiên Chính quyền của Tổng thống Mỹ D.Trump ra quyết định hoãn đánh thuế EU, trước thềm cuộc đàm phán đầy cam go với Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, quyết định được đưa ra thời điểm này là do  Mỹ đang cần một sự ủng hộ từ các nước phương Tây chứ không phải là một sự “cô lập” trên trận tuyến thương mại với một đất nước lớn như Trung Quốc. Một sự nhân nhượng có chủ ý của Mỹ sẽ đem đến nhiều lợi thế cho Mỹ trên bàn đàm phán với Bắc Kinh.  Mặt khác, nếu áp thuế lên các sản phẩm của EU, khối này sẽ sẵn sàng bảo vệ lợi ích thương mại của mình bằng việc tăng thuế với các sản phẩm của Mỹ.

Đáp lại những “ưu ái” của Mỹ dành cho mình, Ủy ban châu Âu cho biết nếu bị đe dọa sẽ không đàm phán. Quyết định này của Mỹ chỉ kéo dài tình trạng bất ổn của khu vực, và EU phải là khu vực được “miễn trừ hoàn toàn và vĩnh viễn”, không thể biện minh bằng các lý do an ninh quốc gia. Thậm chí Thủ tướng Đức Angela Merkel còn cảnh báo, nếu Mỹ không miễn vĩnh viễn cho EU, có thể xảy ra một cuộc chiến thương mại giữa hai bên, hậu quả sẽ vô cùng lớn. Một trong những ví dụ điển hình mà Mỹ “gậy ông đập lưng ông” trong chính sách này là nếu Mỹ áp thuế lên thép và nhôm của nhiều nước châu Âu thì các ngành công nghiệp như sản xuất ô tô, máy bay của Mỹ sẽ phải “nếm trái đắng” đầu tiên.

Về phần mình EU cũng có nhiều lợi ích tương đồng trong vấn đề thương mại với Mỹ. EU cũng là khu vực chịu sự “càn quét” của những hàng hóa mang thương hiệu made in China, nên cả Mỹ và EU đều hiểu rằng, một sự đoàn kết, hỗ trợ nhau với “người khổng lồ” Trung Quốc có giá trị như thế nào…

Những khoảng cách quá xa vời

Mỹ yêu cầu Trung Quốc cắt giảm 100 tỷ USD thặng dư thương mại hai nước, nhưng điều này là rất khó. Để giảm thâm hụt thương mại Trung Quốc vào Mỹ đang ở con số khổng lồ lên tới 375 tỷ USD là điều không thể làm một sớm một chiều. Trung Quốc lập luận, Mỹ nên tăng cường xuất khẩu thay vì muốn nước này giảm xuất hàng sang Mỹ, hiện Trung Quốc đang có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm công nghệ cao của Mỹ mà Washington đang cấm xuất khẩu. Cụ thể là mới đây, Mỹ cấm các công ty nước này giao dịch với công ty viễn thông của Trung Quốc trong vòng 7 năm.

Các nhà đàm phán Mỹ tới Trung Quốc với hy vọng mức giảm thâm hụt thương mại dần theo từng năm. Trang tin CNN dẫn lời chuyên gia kinh tế D.Scissor của  Học viện kinh doanh Mỹ cho biết, nếu Trung Quốc đồng ý về kế hoạch mở cửa, cam kết tăng nhập khẩu từ Mỹ, có thể là đồng ý mua thêm 50 tỷ USD hàng hóa của Mỹ mỗi năm… đã là một chiến thắng của Mỹ đối với Trung Quốc trên bàn thương thảo. Tuy nhiên điều này khó có thể xảy ra.

Mặt khác, Bộ thương mại Trung Quốc khẳng định khi nào việc tăng thuế của Mỹ được áp dụng thì khi đó các biện pháp đáp trả của Trung Quốc sẽ có hiệu lực. Trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu, Trung Quốc không đặt nhiều kỳ vọng vào các cuộc hội đàm này.


Trần Hải
Ý kiến của bạn