Nước đổi màu do ô nhiễm
TS. Trần Hồng Côn, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn là nước có các thành phần chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn nước sinh hoạt Bộ Y tế quy định, độ đục (không quá 5 độ đục), mùi (không có mùi hôi, mùi lạ), không có váng cặn, độ axit thích hợp (pH = 6,6 – 8,5), độ cứng phù hợp, cảm quan nước phải trong, sạch, không lắng cặn…
Bởi nồng độ cao của hạt vật chất ảnh hưởng đến sự thâm nhập của ánh sáng, tức là nước có độ đục cao là do nồng độ các hạt, tạp chất trong nước cao. Nếu không xử lý, độ đục có thể thúc đẩy sự phát triển của mầm bệnh trong hệ thống phân phối dẫn đến sự bùng phát dịch bệnh từ việc sử dụng nguồn nước có độ đục cao cho sinh hoạt và ăn uống.
Nước máy đổi màu thường do trong nước có chứa hàm lượng sắt và sự tồn tại của các khoáng chất hòa tan. Nước sinh hoạt bị vàng khiến các thiết bị vệ sinh sắt đóng cặn, tắc đường ống dẫn nước, hoen ố trên các thiết bị vệ sinh, vòi sen, tạo lớp màu vàng… gây mất thẩm mĩ. Nước sinh hoạt bị vàng (nhiễm sắt) khiến thực phẩm bị biến chất, làm giảm việc tiêu hóa và hấp thụ các loại thực phẩm, thay đổi màu sắc, mùi vị do nước bị nhiễm sắt.
Xử lý như thế nào?
Để xử lý vấn đề nước chuyển màu, theo TS. Trần Hồng Côn cần phải xác định rõ nguyên nhân chất lượng đường ống nước, đoạn nào có màu lạ, từ đó tiến hành súc rửa đường ống, khắc phục sự cố rò rỉ. Đối với những khu chung cư đông người sử dụng bể nước chung thì nên có lịch vệ sinh định kỳ khu vực chứa nước, sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn để xử lý tình trạng nước nhiễm những vi sinh vật có thể gây hại cho sức khỏe người sử dụng.
Để có nước sạch sử dụng cho sinh hoạt, người dân có thể dùng cát sỏi, than củi để loại bỏ các tạp chất, các chất váng đục trong nguồn nước. Tuy nhiên với cách này phải tìm hiểu quy cách làm các bể lọc theo đúng tiêu chuẩn quy định ở các cơ quan y tế địa phương. Cát, sỏi, than củi… không ảnh hưởng gì xấu đối với sức khỏe.
GS.TSKH Dương Đức Tiến, Trung tâm Công nghệ Sinh học Phục vụ Đời sống và Sản xuất cho biết, trường hợp cần nước sạch để dùng tạm trong khi chờ cấp nước, người dân có thể dùng phèn chua cho lắng cặn, sau đó sẽ tiến hành sát trùng bằng cloramin B với liều lượng 2mlg/l để diệt khuẩn. Chờ khi clo bay hơi hết, khoảng 1 – 2 tiếng hoặc khi ngửi thấy nước hết mùi clo là có thể sử dụng được cho sinh hoạt. Người dân nên tạm thời sử dụng các bình nước lọc bán sẵn để sử dụng làm nước uống.
Ở những vùng bị lũ cô lập vẫn có thể tự lọc được nước từ nguồn nước xung quanh để tạm sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Lưu ý khi dùng phèn chua và cloramin B (được bán nhiều ở các hiệu thuốc), dùng đúng theo chỉ dẫn. Không vì nước đầu vào bẩn hơn mà dùng nhiều hơn, vì dùng nhiều phèn thì nước sẽ chua, khó sử dụng. Cho cloramin B quá nhiều thì nước sẽ bị nhiễm mùi hắc, độc hại cho sức khỏe.
Mấy ngày nay, hàng trăm hộ dân ở TP Vinh, Nghệ An phản ánh nguồn nước máy bị màu vàng, đục khiến không dám sử dụng vì sợ ngứa, nhiễm bệnh. Ông Hoàng Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An, thừa nhận tình trạng nước máy tới hộ dân đổi màu, không đảm bảo chất lượng xảy ra cục bộ ở một số khu vực tại TP Vinh trong những ngày qua, Hiện chưa thống kê được chính xác bao nhiêu hộ, tuy nhiên mỗi ngày, đường dây nóng của đơn vị nhận hàng chục cuộc gọi phản ánh.
Công ty đã lấy mẫu nước gửi vào Đà Nẵng để kiểm nghiệm, tìm nguyên nhân. Trước đây từng ghi nhận nước bị màu đục, khi công ty sục rửa đường uống thì tình hình trở lại bình thường. Tuy nhiên, lần này việc sục rửa đường ống đã được thực hiện, song không kết quả không khả quan.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bệnh nhân sốt xuất huyết rất dễ chảy máu và rách mao mạch khi chích ngừa | SKĐS