Nước biển chuyển màu đỏ có thể do tảo nở hoa
Chiều 25/3, khoảng 3km dọc bờ biển ở xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) xuất hiện vệt nước biển màu đỏ. Trong đó, nhiều vệt nước có chiều rộng hàng chục mét. Người dân địa phương cho biết, nước biển chuyển thành màu đỏ xuất hiện cách đây khoảng 3 ngày.
Hiện chưa xác định được nguyên nhân cụ thể. Theo nhận định của cơ quan chức năng, có thể do tảo biển từ ngoài khơi cuốn vào bờ dẫn đến nước biển có màu đỏ đậm. Năm 2023, tại vùng biển Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, cũng xuất hiện tình trạng nước biển đổi màu. Ngành chức năng từng lấy mẫu kiểm tra, xác định nguyên nhân do một loại tảo biển gây ra.
GS.TSKH Dương Đức Tiến, nguyên giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội là chuyên gia hàng đầu về tảo cho biết, đây chính là hiện tượng thủy triều đỏ. Thủy triều đỏ còn được gọi là tảo nở hoa, bởi đây chính là hiện tượng tảo sinh sản với số lượng lớn trong nước đến mức làm mất màu nước ven biển. Khi tảo ở cửa sông, biển hoặc nước ngọt tích tụ nhiều sẽ khiến mặt nước đục hoặc chuyển sang màu hồng, xám, tím, đỏ, đen hoặc xanh. Vì thế mới có những cái tên như: thủy triều đen, thủy triều xanh... Nhưng nhìn chung, nó không hề liên quan đến hoạt động của thủy triều.
Tùy vào từng loại tảo khác nhau mà thủy triều đỏ có thể sản sinh ra những độc tố nhiều hay ít, chúng làm suy giảm oxy và gây ra hàng loạt tác hại, trong đó chúng khiến các loài sinh vật biển, các loài cá... chết hàng loạt.
Nguyên nhân gây ra thủy triều đỏ có nhiều, có thể do hàm lượng oxy trong nước bị giảm nhanh chóng. Hiện tượng này có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu chúng gặp phải một điều kiện thuận lợi như nhiệt độ tăng cao đột ngột. Hay sự trao đổi nước kém, điều kiện dinh dưỡng trong môi trường tăng đột biến. Do các loài tảo có độc tố và cả những loài không có độc tố khi chúng nở hoa.
Sự xuất hiện của thủy triều đỏ ở một số địa điểm dường như hoàn toàn tự nhiên, do sự chuyển động của các dòng hải lưu nhất định. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng có thể do phú dưỡng hóa nguồn nước (thải quá nhiều vào nước chất dinh dưỡng như nitrat hay phốt phát từ hoạt động nông nghiệp hay hiện tượng nước trồi) dòng nước lạnh đặc và nhiều dinh dưỡng di chuyển từ phía sâu lên bề mặt đại dương, thay thế dòng nước nóng hơn.
Thủy triều đỏ ảnh hưởng xấu đến sinh vật và sức khỏe con người. Tại các khu nuôi trồng thủy hải sản, tảo nở hoa có thể khiến tôm, cá... chết hàng loạt do thiếu oxy. Sự tích tụ của lượng tảo biển quá lớn ở trong nước sẽ tạo thành những màng nhầy ở trên mang cá, đây cũng là hiện tượng ảnh hưởng lớn tới quá trình hấp thụ khí oxy trong nước.
Không ăn hải sản chết do thủy triều đỏ
GS.TSKH Dương Đức tiến cho biết, biến đổi khí hậu, nhiệt độ thay đổi thất thường dễ làm tảo đỏ nở hoa, dạt vào bờ. Khi đó, tôm, cá, ngao, sò, ốc… sẽ bị chiếm lĩnh oxy mà chết. Trường hợp ô nhiễm không nghiêm trọng, tôm, cá vẫn sống sót thì hoàn toàn có thể sử dụng làm thực phẩm, không độc hại như nhiều người lầm tưởng.
Tảo giáp Noctiluca scintillans chỉ nở hoa trong điều kiện thuận lợi như nhiệt độ thay đổi, ánh sáng phong phú, vùng nước bỗng dưng có nhiều chất dinh dưỡng. Khi loài tảo giáp này nở thì làm cho vùng nước có màu hồng. Sự bùng phát mạnh mẽ của chúng sẽ tiết ra độc tố làm chết tôm cá trong khu vực đó.
"Cá tôm ăn phải loài tảo này sẽ bị chết. Người ăn phải cá, tôm có chất độc của tảo này sẽ bị gây hại đến thần kinh, nôn mửa, tiêu chảy, xơ cứng cơ… Vì thế, khuyến cáo được đưa ra là nhất thiết không sử dụng những con cá chết ở vùng này làm thực phẩm", GS.TSKH Dương Đức Tiến cảnh báo.
Tuy nhiên ông Tiến cũng nhấn mạnh, đối với cá, tôm còn sống thì ngược lại, không hề bị nhiễm độc và rất an toàn để sử dụng làm thực phẩm. Chất độc của tảo không ngấm được vào những con cá, tôm sống, nếu bị nhiễm độc thì cá tôm đã bị chết. Việc kiểm soát không sử dụng tôm cá chết làm thực phẩm cần được các cơ quan chức năng vào cuộc.
Nếu thủy triều đỏ xuất hiện ở gần bờ, đặc biệt là những khu vực có nuôi cá lồng, thì phải tiến hành di dời các lồng cá này để tránh làm cá chết. Hiện tượng thủy triều đỏ thông thường không kéo dài, vì thế việc di chuyển này cũng không quá phức tạp. Đáng chú ý là ở những vùng nước lặng gần bờ, mỗi khi có sự thay đổi thời tiết, sóng đổ dồn vào, thì rất dễ xuất hiện hiện tượng thủy triều đỏ.
Chuyên gia cho biết, để giảm nguy cơ bùng phát thủy triều đỏ, cần phòng ngừa bằng cách kiểm soát các nguồn phát thải, đặc biệt là khu vực nuôi cá lồng tại khu vực Cát Bà. Bên cạnh đó, kiểm soát, khắc chế thủy triều đỏ với các phương pháp kết lắng tảo, dùng hóa chất hoặc biện pháp sinh học. Ngoài ra, cần thực hiện đồng bộ hàng loạt các giải pháp khác như xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo, cơ chế thông tin liên lạc ứng phó thủy triều đỏ, siết chặt quản lý môi trường vùng ven biển.
Theo Hiệp hội Hải dương học và khí quyền học quốc gia (NOAA), nguyên nhân của tình trạng tảo nở hoa chưa được hiểu rõ. Nghiên cứu không phát hiện bằng chứng nào cho điều mà nhiều người vẫn nghĩ, rằng hoa tảo gia tăng trên khắp thế giới do khí hậu toàn cầu nóng lên. Nhưng NOAA ghi nhận rằng nhiều loài nở hoa khi có điều kiện thủy văn thuận lợi, và một số loài có thể liên quan đến khí ni-tơ, phốt-pho và các-bon thải ra từ việc nuôi trồng thủy sản, vì vậy hoạt động nuôi trồng này chính là "phú dưỡng" cho tảo.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dự báo thời tiết hôm nay ngày 26/3: Chuyên gia cảnh báo gì sau trận động đất ở Hà Nội? | SKĐS