Nước Anh vẫn do dự "đi hay ở "

17-05-2016 16:01 | Quốc tế
google news

SKĐS - Các cuộc thăm dò dư luận do hãng ICM tiến hành theo nhiều hình thức cho kết quả không rõ ràng khi cử tri Anh chưa nghiêng hẳn về bên nào.

Các cuộc thăm dò dư luận do hãng ICM tiến hành theo nhiều hình thức cho kết quả không rõ ràng khi cử tri Anh chưa nghiêng hẳn về bên nào. Số người ủng hộ giữ quốc gia này ở lại Liên minh châu Âu (EU) và số người phản đối ở lại "ngôi nhà chung" - còn gọi là "Brexit" - biến đổi theo thời điểm và hình thức. Tuy nhiên, đã có nhiều cảnh báo cho thấy nếu nước Anh rời khỏi EU sau ngày 23/06, hậu quả về kinh tế sẽ rất nặng nề.

Kết quả thăm dò mới nhất cho thấy 47% số người được hỏi ủng hộ việc Anh ở lại EU, trong khi chỉ có 37% chọn phương án "ra đi" và 14% chưa có quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, cuộc thăm dò thăm dò trực tuyến được tiến hành cùng thời điểm lại cho kết quả ngược lại khi có tới 47% số người được hỏi ủng hộ "Brexit", trong khi chỉ có 43% chọn ở lại và 10% vẫn chưa quyết định. Cả hai cuộc thăm dò trên được thực hiện từ ngày 13-15/5.

Dù kết quả chưa ngã ngũ, nhưng việc “đi hay ở” của nước Anh đã trở thành chủ đề sốt dẻo của báo chí EU mấy ngày nay. Tờ "The Daily Telegraph" số ra ngày 16/5 cho biết hơn 300 lãnh đạo doanh nghiệp Anh đã kêu gọi cử tri nước này bỏ phiếu ủng hộ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu ý dân dự kiến vào ngày 23/6. Các doanh nghiệp trên cho rằng "bộ máy cồng kềnh" của EU kìm hãm khả năng phát triển của các doanh nghiệp Anh.


Nước Anh đi hay ở lại EU?

Ký vào bức thư chung trên The Daily Telegraph", lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn ở Anh như Steve Dowdle, cựu Phó Chủ tịch Tập đoàn Sony tại châu Âu và David Sismey  - Giám đốc Ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs cho rằng thói quan liêu trong EU kìm hãm hoạt động kinh doanh của 5,4 triệu doanh nghiệp Anh. Việc Anh đứng ngoài EU sẽ giúp các doanh nghiệp nước này phát triển nhanh hơn.

Tuyên bố của các doanh nghiệp Anh hoàn toàn trái ngược với những báo cáo vừa được công bố của IMF và BoE. Cụ thể, trong báo cáo hàng quý về lạm phát vừa công bố ngày 12/5, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cảnh báo cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 23/6 tới là nguy cơ lớn nhất trước mắt đối với triển vọng kinh tế Vương quốc Anh. Việc người dân nước này bỏ phiếu rời EU, hay còn gọi là "Brexit", có thể khiến kinh tế Anh rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật.

Đồng bảng Anh tiếp tục rớt giá sau khi đồng nội tệ này đã giảm tới 9% so với mức cao hồi tháng 11/2015 do những bất an xung quanh khả năng Anh rời khỏi EU.

Trong khi đó, báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế Anh công bố đầu tuần này, IMF khẳng định một cuộc bỏ phiếu rời khỏi EU sẽ khiến giai đoạn bất ổn vốn kéo dài càng trở nên trầm trọng, đẩy thị trường tài chính lung lay. Ngược lại, IMF nhấn mạnh nếu kết quả cử tri Anh nói "không" với quyết định rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu ý dân dự kiến vào ngày 23/6 tới, kinh tế Anh có thể phục hồi vào 6 tháng cuối năm 2016.

Tại "Diễn đàn châu Âu" tổ chức tại trụ sở Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin hôm 12/5, Chủ tịch EC ông Juncker nêu rõ châu Âu cần có Anh trong EU. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cảnh báo hậu quả của "Brexit", đồng thời kêu gọi châu Âu đoàn kết hơn.

Anh là một trong số đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức. Trên 2.500 doanh nghiệp Đức có chi nhánh ở Anh, trong khi Anh có khoảng 3.000 doanh nghiệp làm ăn ở Đức. Viện Bertelsmann dẫn kết quả một cuộc thăm dò dư luận cho biết 83% số doanh nghiệp Đức được hỏi không muốn Anh rời EU. Nguyên nhân là Đức lo ngại nguy cơ "Brexit" sẽ làm suy yếu toàn bộ cộng đồng châu Âu.

Anh gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) năm 1973. Trong cuộc trưng cầu ý dân 2 năm sau đó, hơn 67% cử tri Anh đã ủng tư cách thành viên chính thức của nước này trong EEC. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Anh và Brussels nhiều lần căng thẳng khi Anh quyết định không tham gia vào các dự án chủ chốt của EU, trong đó có Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Khối miễn thị thực Schengen.

Chưa đầy 6 tuần nữa, cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên Anh trong EU sẽ diễn ra. Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước thềm cuộc trưng cầu ý dân nói trên, các chiến dịch vận động “ở lại” và “ra đi” hiện nay tại Anh đều đang được đẩy mạnh nhằm thu hút sự ủng hộ của các cử tri.


N.Quang (Theo BBC, Daily Times, Finance Times)
Ý kiến của bạn