Đây là cuộc tổng tuyển cử thứ 2 và lần thứ 4 thành lập Chính phủ mới tại Anh kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 đã đẩy nước Anh chìm trong khủng hoảng và bế tắc chính trị kéo dài. Cuộc bầu cử được hy vọng là sẽ phá vỡ thế “tê liệt” của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu ( Brexit ) hiện nay ở Hạ viện.
Chia rẽ vì Brexit
Theo kết quả thăm dò ý kiến trước bầu cử, ưu thế vẫn thuộc về đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson (chiếm tới 43% người ủng hộ), trong khi Công đảng chỉ giành được 33% và đảng Dân chủ tự do giành được 13% số người ủng hộ. Nếu điều này trở thành hiện thực thì đây vẫn là kết quả khả quan đối với đảng Bảo thủ trong hàng chục năm trở lại đây.
Cuộc bầu cử sớm có thể coi là một lần “đánh cược” mạo hiểm của Thủ tướng Anh B.Johnson, bởi nếu chiến thắng, giành đa số tại Quốc hội, đảng Bảo thủ có thể tiến lên một bước , khẳng định vị thế của mình đồng thời khiến việc thông qua Brexit được “xuôi chèo mát mái” , đưa nước Anh rời khỏi EU đúng như cam kết vào ngày 31/1 tới. Ngược lại, nếu đảng của Thủ tướng Johnson thất bại, tiến trình Brexit có thể bị thay đổi hoặc thậm chí đảo ngược.
Riêng về vấn đề Brexit, giữa các đảng trong Hạ viện vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Trong khi đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh mong muốn sớm Brexit thành công và kết thúc tình trạng tê liệt hiện tại thì thủ lĩnh của Công đảng đối lập, ông J.Corbyn cho biết sẽ ký một thỏa thuận "rút lui" mới với EU và tổ chức cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về tư cách thành viên của Anh trong "mái nhà chung" này.
Công đảng hay đảng Bảo Thủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này.
Bên cạnh vấn đề Brexit, Công đảng còn tập trung vào những bức xúc của cử tri như hệ thống dịch vụ y tế, ưu đãi đối với giới lao động, tầng lớp trung lưu và người cao tuổi. Y tế hiện là mối quan tâm thứ 2 của cử tri Anh sau Brexit. Theo dự báo, Công đảng có thể sẽ mất phiếu tại một số khu vực được coi là thành trì của mình như Đông Bắc Wales, miền Trung và Bắc xứ Anh, vì quan điểm thiếu cứng rắn với Brexit.
Nếu chỉ dành được ưu thế không đáng kể so với các đảng khác, Thủ tướng B.Johnson dù vẫn nắm được đa số phiếu cần thiết để tiến hành Brexit, nhưng ông sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp tục bị các nghị sĩ cản trở việc bỏ phiếu thỏa thuận Brexit và như vậy sẽ càng khiến nước Anh “ bị tê liệt”.
Trước cuộc bầu cử diễn ra tại Anh, nhà đàm phán hàng đầu của EU Michel Bamier tiết lộ với tờ Independent rằng Brexit sẽ không được thực hiện vào năm 2021. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với những cam kết của Thủ tướng Johnson rằng sẽ hoàn thành chuyển giao vào tháng 12/2020, khiến dư luận càng thêm hoài nghi . Bởi theo quy định kể cả Anh thông qua Brexit, nước này chỉ còn 11 tháng để đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do với EU vào tháng 12/2020. Theo ông Bamier, điều này là “bất khả thi”.
Nguy cơ Quốc hội treo hiển hiện
Một lần nữa nước Anh có thể lại rơi vào tình trạng Quốc hội treo là viễn cảnh đen tối mà Thủ tướng Anh đã chỉ ra, điều này có thể khiến nước Anh càng sa lầy vào chia rẽ và tê liệt. Tình huống mà đảng Bảo thủ và những ngưởi ủng hộ Brexit không mong đợi là việc Anh rời khỏi EU vào ngày 31/1 sẽ bị đình trệ, thậm chí có thể dẫn tới việc Anh phải ở lại EU.
Nếu Thủ tướng Anh thất bại trong cuộc tổng tuyển cử lần này, còn khiến đảng Bảo thủ của ông mất tín nhiệm nghiêm trọng bởi trước đó đảng của Thủ tướng đã khiến người dân suy giảm lòng tin khi khẳng định chắc “như đinh đóng cột” rằng sẽ Brexit vào cuối tháng 10 , tuy nhiên điều này đã không trở thành hiện thực.
Giáo sư Tim Bale tại Đại học Queen Mary, London cho biết, nếu tổng tuyển cử dẫn tới một quốc hội treo thì cách duy nhất để đưa ra quyết định về Brexit sẽ là một cuộc trưng cầu dân ý, dù đây không phải là điều mà các nghị sĩ mong muốn.
Nhiều cử tri Anh cho rằng cuộc bầu cử lần này chính là cơ hội để người dân thể hiện tiếng nói của họ với cuộc khủng hoảng Brexit đang ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân và kinh tế quốc gia. Việc cử tri quyết định thế nào với lá phiếu của mình sẽ có tác động tới con đường phía trước của Brexit.