Nước Anh - Giữa bảo thủ và thay đổi

17-05-2010 15:36 | Quốc tế
google news

Sau một tuần lễ sóng gió trong đời sống chính trị nước Anh, ông David Cameron, 43 tuổi đã chính thức bước chân vào số 10 phố Downing và trở thành Thủ tướng Anh trẻ nhất trong vòng gần hai thế kỷ.

Sau một tuần lễ sóng gió trong đời sống chính trị nước Anh, ông David Cameron, 43 tuổi đã chính thức bước chân vào số 10 phố Downing và trở thành Thủ tướng Anh trẻ nhất trong vòng gần hai thế kỷ. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh đầy sóng gió về tài chính của châu Âu và nước Anh.

Nếu quan sát đời sống chính trị ở Anh, có thể thấy đó là một sân khấu độc diễn của hai đảng, Bảo thủ và Công đảng. Suốt từ năm 1974 đến nay, gần như đã thành quy luật, mỗi đảng sẽ lần lượt có hai thủ tướng của đảng mình và nếu vậy thì sau hai thủ tướng của Công đảng là Tony Blair (1997 - 2007) và Gordon Brown (2007 - 2010) giờ đây, chức vụ thủ tướng về tay một người thuộc đảng Bảo thủ cũng là hợp lẽ. Càng hợp lẽ hơn nữa khi đó là một người dẫu tuổi đời còn trẻ nhưng không phải là gương mặt quá xa lạ trong đời sống chính trị của nước Anh. Hơn thế nữa, ông David Cameron lại hội tụ đầy đủ những phẩm chất của một lãnh đạo chính trị bảo thủ điển hình. Xuất thân từ một gia đình giàu có và không những thế, lại có họ hàng xa với hoàng gia, từ nhỏ cho đến tuổi trưởng thành, ông Cameron đã được theo học tại những trường học danh giá nhất của giới quý tộc, từ trường tiểu học Heatherdown, nơi các hoàng tử Edward và Andrew đã từng theo học, cho tới trường trung học Eton. Ông cũng từng là một sinh viên của Oxford, trường đại học danh giá nhất nước Anh và có bằng ưu về khoa học chính trị, triết học và kinh tế. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, tân Thủ tướng Anh đã trở thành một chuyên gia thuộc Phòng nghiên cứu của đảng Bảo thủ, từng là Chuyên gia tư vấn đặc biệt ở Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ, từng là Phó lãnh đạo Hạ viện của phe đối lập, phó chủ tịch đảng Bảo thủ. Con đường thăng tiến của ông Cameron dường như đã được trải thảm đỏ và tờ báo Pháp Le Figaro đã thẳng thừng gọi ông là "cậu bé con cưng" của nền chính trị Anh quốc. Không những thế, ông Cameron cũng đã kịp trải qua một giai đoạn làm việc rất thành công trong lĩnh vực truyền thông tại Carlton, một hãng truyền thông tư nhân, một giai đoạn chắc chắn cung cấp cho ông nhiều kinh nghiệm cần thiết trong cuộc đời làm chính trị.

Một David Cameron giản dị giữa đời thường.

Dẫu vậy, bên cạnh những điều tưởng như rất bình thường lại có những điều bất thường. Trước hết, nếu so với ông Tony Blair (làm Thủ tướng trong mười năm), ta sẽ thấy thời gian cầm quyền của ông Gordon Brown là quá ngắn ngủi (chưa đến ba năm). Vậy là cái điều tưởng như rất hợp quy luật đó (chuyển sang giai đoạn cầm quyền của đảng Bảo thủ lại diễn ra sớm một cách bất thường). Chắc chắn điều đó có liên quan tới bối cảnh chung của cả châu Âu và nước Anh. Trong khi toàn thế giới đang trên đà hồi phục sau khủng hoảng kinh tế châu Âu lại đang rơi vào vận bĩ. Một điều không bình thường nữa đó là ông David Cameron có những nét không giống với nhiều chính trị gia bảo thủ "truyền thống". Dường như giai đoạn làm việc ở Carlton đã để lại cho ông Cameron những kinh nghiệm giá trị. Ông biết cách tạo dựng cho mình một hình ảnh "ít bảo thủ" nhất ở mức có thể: đi xe đạp, xuất hiện giữa thiên nhiên, người nghèo, người da màu... Không những thế, ngay trong đường lối chính trị, ông David Cameron cũng tỏ ra là có những khác biệt so với đường lối truyền thống của đảng Bảo thủ. Dường như ông là một người cánh hữu, một người bảo thủ ôn hòa, nới rộng hơn "về phía tả".

Khuynh hướng này được thể hiện rõ nét trong chương trình hành động sắp tới của ông David Cameron. Theo AP, về kinh tế, chắc chắn sẽ có sự cắt giảm chi tiêu công ở mức 6 tỷ bảng (khoảng 7 tỷ euro) nhưng đồng thời cũng cải cách thuế khóa để giảm gánh nặng trên vai những người có thu nhập thấp và trung bình. Về quốc phòng, mặc dù chắc chắn sức mạnh quốc phòng của Anh quốc sẽ được tiếp tục tăng cường với ngân sách khoảng 20 tỷ bảng chi cho việc thay thế đội tầu ngầm hạt nhân nhưng đồng thời, chắc chắn hồ sơ Afghanistan sẽ được rà soát lại. Về đối ngoại, một mặt chắc chắn những quan hệ với Mỹ và châu Âu sẽ không bị xem nhẹ nhưng đồng thời, chắc chắn, tính độc lập của Anh quốc cũng sẽ được nhấn mạnh. Và cuối cùng, cũng rất chắc chắn là một chính sách mới đối với người nhập cư có nguồn gốc ngoài châu Âu cũng sẽ được xem xét mà một trong những giải pháp có thể là ấn định một mức trần về lượng người được phép nhập cư.

Như vậy, phải chăng chính tình hình khó khăn về tài chính - kinh tế của châu Âu và nước Anh đã là nguyên nhân dẫn đến sự quay trở lại của một thứ chủ nghĩa bảo thủ kiểu mới? Và liệu đó có phải là dấu hiệu báo hiệu một làn sóng sẽ diễn ra trên toàn châu Âu?

Xuân Thạch


Ý kiến của bạn