Kết quả bỏ phiếu của cuộc tổng tuyển cử Anh hôm 8/6 cho thấy, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Theresa May vẫn là đảng lớn nhất trong quốc hội Anh song mất thế đa số. Đây được coi là thất bại lớn đối với Thủ tướng Theresa May đẩy nước Anh rơi vào tình trạng "quốc hội treo" và một thời kỳ bất ổn mới.
Theo kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Anh công bố ngày 9/6, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May là chính đảng có số ghế nhiều nhất tại Hạ viện Anh khi giành được 316 ghế, nhưng giảm 15 ghế so với cuộc bầu cử năm 2015. Trong khi đó, Công đảng đối lập của ông Jerremy Corbyn giành được 261 ghế, tăng 29 ghế so với cuộc bầu cử năm 2015. Với kết quả này không đảng chính trị nào tại Anh giành đủ 326 ghế quá bán gồm 650 ghế cần thiết để tự thành lập chính phủ.
Trong khi đó, một số nhân vật chính trị có tiếng trên chính trường Anh như Phó chủ tịch đảng Dân tộc Scotland Angus Robertson, cựu Phó thủ tướng Anh, cựu chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Nick Clegg đã bị mất ghế nghị sĩ của mình tại cuộc bầu cử lần này.
Thủ tướng Anh Theresa May đối mặt với áp lực từ chức sau thất bại của cuộc tổng tuyển cử hôm 8/6
Giới chính trị gia ở Anh cho rằng mặc dù đảng Bảo thủ vẫn là đảng chính trị có số ghế nhiều nhất nhưng việc không thể giành được đa số ghế trong tổng số 650 ghế tại Quốc hội Anh và không đạt đủ 326 ghế cần thiết để tự thành lập chính phủ được cho là bước thụt lùi của đảng này và một bước ngoặt đáng buồn cho Thủ tướng Theresa May. Đáng chú ý, Thủ tướng Theresa May cũng đã nhận một “cú sốc” ngay tại sân nhà Kensington khi Công đản đối lập giành thắng lợi tại ngay quê hương của đảng Bảo thủ. Giáo sư chính trị học đại học Kinh tế Chính trị London Paul Kelly nhận định kết quả này phản ánh uy tín và quyền lực của Thủ tướng Theresa May bị suy yếu không chỉ trong nội bộ đảng Bảo thủ mà còn cả tại Hạ viện. Thậm chí có người ác ỳ còn nói rằng “bà Theresa May đã tự bắn vào đầu mình” khi tổ chức tổng tuyển cử sớm. Một số ý kiến cho rằng, bà Theresa Maycó thể phải từ chức do sức ép từ chính nội bộ đảng cầm quyền. Có thể nói cuộc chiến hiện nay của bà Theresa Maychính là đấu tranh để có thể tiếp tục tại vị.
Đàm phán Brexit sẽ bị trì hoãn?
Kết quả tổng tuyển cử cũng đang khiến nước Anh lầm vào tình cảnh “quốc hội treo”, nguy cơ bất ổn chính trị và một tương lai ảm đạm trong quá trình phán rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Bởi đứng đầu một chính phủ thiểu số, bà Theresa May từ nay sẽ phải phụ thuộc vào đảng Thống nhất Dân chủ (DUP), một đảng nhỏ với khoảng 10 ghế tại Quốc hội, để có thể giành được ưu thế tương đối. Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn đã kêu gọi bà Theresa May từ chức. Ông khẳng định tiến trình rời Liên minh châu Âu vẫn cần được tiếp tục và Công đảng sẵn sàng dẫn dắt tiến trình này“Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi cuộc bầu cử này vì bà ấy muốn có một nhiệm kỳ rõ ràng. Song thực tế là đảng Bảo thủ đã bị mất ghế tại Quốc hội, mất phiếu bầu, mất sự ủng hộ và sự tự tin. Tôi nghĩ điều này là quá đủ, chúng ta cần mọt chính phủ thực sự có thể đại diện cho tất cả người dân của đất nước.”
Đàm phán Brexit có nguy cơ bị trì hoãn
Giới phân tích cho rằng thất bại trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8/6 không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của bà Theresa May trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền mà còn ảnh hưởng lớn đến vị thế của bà tại Liên minh châu Âu, chẳng hạn như bà sẽ gặp nhiều khó khăn hơn tại cuộc đàm phán Brexit sắp tới. Theo kế hoạch, đàm phán Brexit sẽ bắt đầu ngày 19/6 tới và thời gian 1 tuần liệu có đủ để nước Anh ổn định trở lại?
Với EU, tình trạng rối ren chính trị ở Anh hiện nay có nghĩa là đàm phán Brexit có khả năng bị trì hoãn, kéo theo nguy cơ đàm phán thất bại. Chính phủ 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) lo ngại nếu các cuộc đàm phán Brexit thất bại Anh có thể sẽ rời EU mà không đàm phán đầy đủ các điều khoản “chia tay”, khiến người dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan trở nên rối loạn. Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng việc đảng Bảo thủ đánh mất thế đa số ghế trong Quốc hội phản ánh sự bất mãn của người dân Anh đối với chủ trương Brexit "cứng" của Thủ tướng Theresa May. Phó Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Gowinnhận định một cách tiêu cực kết quả bầu cử Quốc hội Anh là một "tín hiệu xấu" đe dọa làm gia tăng các quan ngại về tương lai của châu Âu. Ngoại trưởng Na Uy Borge Brende cảnh báo các cuộc đàm phán Brexit sẽ trở nên khó khăn hơn.
Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier đã ấn định ngày 19/6 tới sẽ khởi động đàm phán Brexit và tiến trình đàm phán dự kiến kéo dài khoảng 14-18 tháng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại về khả năng trì hoãn tiến trình này. Việc kéo dài thời gian đàm phán do tiến trình thành lập chính phủ mới ở Anh, có thể đẩy lùi tiến trình đàm phán chính thức và gây áp lực lớn hơn về mặt thời gian để các bên hoàn tất một thỏa thuận Brexit toàn diện và một thỏa thuận khác về các thỏa thuận thương mại trong tương lai.Đây là điều EU không muốn.