Cuộc bỏ phiếu hôm 25/3 đã đi đến kết cục từ nay các nghị sĩ Anh sẽ giành quyền kiểm soát tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Đây là cú sốc lớn đối với Thủ tướng Anh Theresa May bởi bà đã hoàn toàn mất kiểm soát tại Hạ viện, ngay các nghị sĩ trong đảng Bảo thủ của Thủ tướng cũng quay lưng với bà.
Quá nhiều lựa chọn, khó tìm được tiếng nói chung
Với những thay đổi về người cầm trịch ở Brexit, các nghị sĩ Anh có thể tiếp tuc bỏ phiếu như lựa chọn một Brexit mềm, hướng tới một Brexit không có thỏa thuận, hủy bỏ Điều 50 để ở lại với EU hay thậm chí là cả một cuộc trưng cầu dân ý lần hai….
Đồng hồ Brexit đang điểm những giờ cuối cùng
Theo báo chí Anh cho biết, có tới 16 kiến nghị được các nghị sĩ Anh trình lên để Hạ viện bỏ phiếu nhằm tìm ra con đường cuối cùng để nước Anh tiến tới. Trong số các kiến nghị, người ta chú ý đến kiến nghị của Công đảng đối lập, khi đảng này đề xuất một mối quan hệ kinh tế với Liên minh châu Âu, kèm theo đó là một hiệp địng thuế quan mới với EU. Bên cạnh đó Anh sẽ tham gia vào một số cơ quan của châu Âu. Theo các nhà quan sát, điều này sẽ đồng nghĩa với Brexit mềm, tức là theo mô hình Na Uy. Thực tế là theo đề xuất này, Anh chỉ rời khỏi EU trên danh nghĩa còn nhiều vấn đề trọng yếu vẫn gắn chặt với EU.
Về mặt nào đó, cuộc bỏ phiếu này không phải hoàn toàn không có lợi cho Thủ tướng Anh. Các nghị sĩ bảo thủ trước đây phản đối thỏa thuận Brexit của Thủ tướng, thì nay muốn quay lại ủng hộ bà. Với phe ủng hộ Brexit, họ lo ngại nước Anh sẽ theo Brexit mềm hoặc thậm chí sẽ không còn Brexit nữa, trái ngược hoàn toàn với mong muốn của nhóm này là rời khỏi EU bằng mọi giá.
Tuy nhiên sau hàng loạt các cuộc tham vấn, các nghị sĩ Anh đã rút gọn 16 kiến nghị xuống còn 8 để bỏ phiếu. Thủ tướng T.May cho rằng việc bỏ phiếu nhiều các phương án khác nhau sẽ có thể dẫn đến kết quả không có phương án nào nhận được đại đa số phiếu ủng hộ từ các nghị sĩ. Còn cựu Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis lại cảnh báo tình trạng hỗn độn có thể xảy ra khi thực hiện bỏ phiếu những lựa chọn khác.
Thủ tướng Anh đánh cược cả vị trí Thủ tướng để Brexit được thông quan.
Đánh cược chức Thủ tướng cho Brexit
Tại cuộc bỏ phiếu tối 27/8 theo giờ địa phương (rạng sáng ngày 28/3 giờ Hà Nội), các nghị sĩ có quyền bỏ phiếu đồng ý hoặc không với mỗi lựa chọn. Tuy nhiên toàn bộ các kiến nghị đều bị Hạ viện bác bỏ, trong đó có cả các kiến nghị của Công đảng, hay việc rời khỏi EU không có thỏa thuận và hủy bỏ Brexit đều không nhận được ủng hộ. Kết quả này cho thấy, không chỉ có Thủ tướng Anh mà ngay cả Hạ viện cũng bế tắc, chưa tìm ra cách để Brexit.
Về phần mình, Thủ tướng Anh Theresa May vẫn tiếp tục vận động các nghị sĩ trong đảng của bà. Bà đã có bài phát biểu ngay trước cuộc bỏ phiếu, thậm chí đánh cược cả chức vị Thủ tướng của mình cho bản Thỏa thuận Brexit cuối cùng. Bà May cho biết sẽ từ chức Thủ tướng nếu Hạ viện Anh ủng hộ thỏa thuận Brexit. “Tôi sẵn sàng rời khỏi vị trí này sớm hơn dự tính của mình, để làm những gì đúng đắn cho đất nước, cho đảng”, bà May nói.
Những người Anh biểu tình phản đối Brexit
Ngay sau tuyên bố của bà May, một loạt các nghị sĩ Bảo thủ đã tuyên bố ủng hộ Thỏa thuận Brexit của bà May, tuy nhiên vận động đủ nghị sĩ ủng hộ để Brexit được thông qua không thể đơn giản như “một cộng một bằng hai”. Dự kiến vào ngày 28 hoặc 29/3, Thủ tướng Anh sẽ tiếp tục đưa bản thỏa thuận Brexit của mình ra bỏ phiếu tại Hạ viện sau 2 lần bỏ phiếu thất bại. Nếu bản thỏa thuận vẫn không được thông qua, các nghị sĩ sẽ lại bỏ phiếu vào ngày 1/4 để tìm các lựa chọn. Chính phủ sẽ có thời gian đến ngày 12/4 để trình EU về đề xuất khác của mình.
Chưa biết Anh sẽ lựa chọn cách gì và như thế nào để ra khỏi EU, dư luận chỉ thấy rằng Anh đang vật lộn trong một mớ bòng bong khi không tìm ra cách để rời khỏi EU một cách êm xuôi.