“Thất bại lịch sử”
Đây là cụm từ mà không chỉ báo chí Anh mà cả báo chí quốc tế lặp đi lặp lại nhiều lần kể từ khi kết quả cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội được công bố. Đây là điều chưa từng xảy ra trên chính trường Anh suốt 100 năm qua, khi một quyết định của Chính phủ nhận được nhiều ý kiến trái chiều cao như vậy. Với 202 phiếu thuận và 432 phiếu chống, Hạ viện Anh đã bác bỏ thỏa thuận Brexit, mà Thủ tướng Theresa May và các lãnh đạo EU đã mất nhiều tháng ròng trao đổi, đàm phán và đi đến nhất trí. Động thái này đưa nước Anh đối mặt với nguy cơ lâm vào bất ổn. Lãnh đạo Công đảng kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ của Thủ tướng Theresa May.
Chính trị gia 62 tuổi này đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do Công đảng đối lập đề xuất với 325/306 phiếu, nghĩa là bà Theresa May sẽ tiếp tục làm Thủ tướng Anh, đưa nước Anh vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Ngay sau đó, bà May bày tỏ mong muốn tổ chức các cuộc họp với các nghị sĩ cấp cao từ tất cả các đảng trong Quốc hội để tìm bước đi tiếp theo cho Chính phủ của bà nhằm giành được sự ủng hộ của Hạ viện. Thủ tướng T.May cho biết, các cuộc gặp này sẽ đưa các bên đến những ý tưởng chung để có những cuộc thương lượng thật sự và đi đến một thỏa thuận cuối cùng. Thậm chí người đứng đầu Chính phủ Anh còn cam kết sẽ cùng EU thảo luận những ý tưởng này. Phản ứng ngay sau những lời phát biểu này, các nhà lãnh đạo EU loại bỏ khả năng đồng ý với bất kỳ sự thay đổi nào.
Thủ tướng Anh còn 5 ngày nữa để trình bày một kế hoạch B cho thỏa thuận Brexit của bà trước Quốc hội, tuy nhiên ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ của bà May cũng đang rất chia rẽ về vấn đề này. Bà sẽ làm thế nào để hóa giải những khối mâu thuẫn trong nội bộ, làm sao để có được bản thỏa thuận vừa “được lòng” phe Bảo thủ, vừa thuyết phục được các nhà lãnh đạo EU, nhất là mới đây, các lãnh đạo EU đã nhiều lần tuyên bố thỏa thuân vừa bị Hạ viện “quay lưng” là thỏa thuận duy nhất và tốt nhất có thể.
Rõ ràng, đây là “Cuộc chia tay” khó khăn nhất trong lịch sử châu Âu , nó đang khiến nước Anh trở thành tâm điểm của dư luận, nhận nhiều chỉ trích từ các nhà lãnh đạo châu Âu.
Những người không ủng hộ Brexit cảm thấy vui mừng trước quyết định của hạ viện 11.
EU quyết không đàm phán, tương lai mịt mờ bao phủ nước Anh
Thời hạn cuối cùng để đưa Anh rời khỏi EU đã gần kề, tuy nhiên một bản thỏa thuận giữa Anh với EU vẫn gặp nhiều trắc trở. Nếu không có thỏa thuận , Anh vẫn sẽ phải rời khỏi EU. Qua cuộc bỏ phiếu lần này tại Quốc hội cho thấy nước Anh đang rơi vào bế tắc. Thậm chí nhiều cử tri Anh còn mong muốn được tổ chức lại cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, tuy nhiên khả năng này hiếm khi xảy ra.
Thủ tướng Anh Theresa May đối mặt với thời khắc khó khăn nhất trong sự nghiệp.
Tạo ra một bản thỏa thuận thay thế, đem đi đàm phán lại với EU là một ý tưởng phi thực tế, bởi bản thỏa thuận thông qua hồi cuối năm 2018 đã phải mất tới 2 năm mới hoàn thành. Giờ chỉ còn hơn 2 tháng nữa Anh sẽ phải rời EU, thêm vào đó các áp lực từ phe Bảo thủ cùng lãnh đạo EU không khiến bà May có được những “đột phá”.
Phương án khả dĩ nhất có thể tính đến lúc này là gia hạn thời hạn Brexit. Theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon, quyết định gia hạn 2 năm đàm phán cần có sự thông qua của tất cả 27 quốc gia thành viên EU. Điều này có thể xảy ra nếu Anh chuẩn bị một cuộc trưng cầu dân ý mới hoặc có một kế hoạch mới rõ ràng. Tuy nhiên, EU đã cảnh báo nếu Anh chỉ muốn có thêm thời gian để tranh luận hoặc tìm kiếm nhượng bộ, thì EU sẽ không đồng ý.
Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha J.Borrell cho rằng, EU có thể đồng ý kéo dài thời hạn Brexit, nhưng sẽ không vượt quá thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) dự kiến được tổ chức vào tháng 5 tới.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk dự liệu, dù không muốn nhưng EU vẫn sẽ chuẩn bị cho một Brexit không có thỏa thuận. Nếu viễn cảnh này trở thành hiện thực, thế giới sẽ chứng kiến những thay đổi chưa từng xảy ra, một “cơn ác mộng” thực sự với cả Anh và EU.