Nguyễn Văn Hoạt (Hòa Bình)
Với biểu hiện như vậy, rất có thể bạn bị nấm kẽ chân mà dân gian thường gọi là nước ăn chân hay nấm kẽ. Nước ăn chân thường hay xảy ra khi chân thường xuyên bị ướt như: thường xuyên lội nước, ra mồ hôi chân nhưng lại đi giày... Các kẽ ngón chân đỏ lên, trợt ra, chảy dịch, đặc biệt là rất ngứa. Người bệnh càng gãi sẽ càng làm bệnh nặng hơn.
Hình ảnh nấm kẽ chân.
Để điều trị bệnh nấm kẽ chân (nước ăn chân) có thể sử dụng các thuốc kháng nấm. Trong trường hợp nhẹ chỉ cần dùng thuốc bôi tại chỗ như: clotrimazole, econazole, ketoconazole, miconazole... Nếu tổn thương chảy dịch nhiều, có bám bụi bẩn, dị vật... thì chỉ cần lau sạch tổn thương bằng bông, gạc sạch rồi bôi thuốc. Chỉ bôi một lớp mỏng, dàn đều lên bề mặt tổn thương là đủ. Không nên bôi quá nhiều thuốc có thể gây cảm giác nóng, rát ở tổn thương và gây lãng phí thuốc.
Trong trường hợp nặng có thể dùng thuốc uống chống nấm như: fluconazole, itraconazole, ketoconazole hay griseofulvin... Tuy nhiên, thông thường chỉ cần dùng thuốc tại chỗ là bệnh đã ổn.
Để chống ngứa (trong trường hợp ngứa nhiều, ảnh hưởng đến sinh hoạt, giấc ngủ...) cần dùng thêm thuốc kháng histamin như: loratadin, chlopheniramin...
Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cần chú ý: Không nên đi giày, tất nhiều giờ trong ngày. Đặc biệt mùa mưa, môi trường ẩm ướt, giày tất lâu khô, không được sử dụng đồ ướt tạo môi trường thuận lợi cho nấm phát triển và bệnh lâu khỏi, dễ tái phát, tái nhiễm. Nếu chân ướt, hay ra mồ hôi phải hong khô, lau sạch bàn chân bằng vải mềm rồi mới đi tất, giày. Đêm ngủ nên để bàn chân trần không đi tất.
Việc điều trị bệnh nước ăn chân không khó, tuy nhiên khi dùng các loại thuốc kháng nấm đường bôi tại chỗ hay đường uống cũng cần thận trọng, vì thuốc có thể gây ra một số bất lợi hoặc có những chống chỉ định trong một số trường hợp. Vì vậy, tốt nhất là dùng theo chỉ định của bác sĩ hoặc cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
BS. Vũ Tuấn Anh