1. Lý do khi khát nên uống nước ấm hơn là nước lạnh
Anh Nguyễn L. sau khi đi tập thể dục về thường uống một hơi ly nước lạnh, có hôm anh uống một lon bia để sẵn trong ngăn mát tủ lạnh. Cảm giác sau khi uống rất sảng khoái nhưng cơn khát dường như chỉ tạm qua vì anh vẫn thấy muốn uống thêm mà không hiểu lý do.
Vậy nước lạnh có thực sự làm bạn hạ nhiệt nhanh hơn khi khát? Việc bổ sung nước mát, nước lạnh, nước ấm... đều tốt cho cơ thể nhất là khi thời tiết nắng nóng gay gắt, nhưng theo các chuyên gia về sức khỏe, mặc dù nghe có vẻ phản trực giác, đồ uống ở nhiệt độ phòng hoặc nước ấm có lợi cho sức khỏe hơn so với đồ lạnh.
Lấy một ví dụ, Ấn Độ nóng oi ả nhưng trà ấm, trà nóng là thức uống cực kỳ phổ biến ở quốc gia này, họ thấy rằng khi uống đồ uống nóng khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn để bù đắp cho sự thay đổi nhiệt và khi mồ hôi bay hơi, điều này có tác dụng làm mát cơ thể. Trong một nghiên cứu gần đây của Đại học Ottawa cho thấy tốt nhất là nên uống đồ uống nóng khi trời nóng.
Nước ấm và nước ở nhiệt độ phòng có nhiệt độ trung tính giúp giảm thiểu áp lực lên tuần hoàn, đảm bảo máu và khí (năng lượng) lưu thông khắp cơ thể.
Y học cổ truyền cho rằng nước đá lạnh tạo gánh nặng không cần thiết lên hệ tiêu hóa vì cơ thể phải tạo ra nhiệt để chống lại cái lạnh đột ngột và khôi phục lại sự cân bằng nội môi (sự ổn định của môi trường trong cơ thể), sau đó sẽ phải làm việc nhiều hơn, gây căng thẳng cho cơ thể. Điều này có thể dẫn đến sự trao đổi chất chậm chạp và thậm chí là sương mù não.
Theo BS. Phạm Văn Thân, uống nước quá lạnh sẽ làm cho các vi mạch máu trong dạ dày và ruột co thắt lại, khiến niêm mạc bị thiếu máu, dẫn đến giảm chức năng tiêu hóa và sát khuẩn của dạ dày, ruột nên bạn dễ bị đau bụng. Còn uống nước ấm thì đơn phân tử nước dễ thẩm thấu vào tế bào để bổ sung lượng nước đã mất, nên bạn sẽ thấy nhanh hết khát hơn.
2. Uống bao nhiêu nước một ngày là đủ?
Với những người bình thường không có một số bệnh lý cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ thì nên uống ít nhất sáu đến tám ly chất lỏng mỗi ngày, tức là khoảng 1,5 đến 2 lít. Tuy nhiên, sức nóng có thể làm tăng lượng chất lỏng mà chúng ta mất qua mồ hôi. Có sự khác biệt giữa các cá nhân vì một số người đổ mồ hôi nhiều hơn những người khác. Do đó, ai đổ mồ hôi nhiều hơn chú ý nên uống nhiều nước hơn.
Cơ thể mất khoảng 45 phút để bù nước, nếu tập thể thao hãy cân nhắc kỹ lượng nước uống trước khi tập luyện vì mất nước khi đang chơi thể thao dễ gây cơn đau đầu vì vậy nên uống đủ nước trước đó. Nguyên nhân là quá trình tuần hoàn và trao đổi chất của cơ thể sẽ tăng lên khi tập luyện, điều này dẫn đến tăng thân nhiệt và khả năng mất nước.
3. Nên uống bao nhiêu trong một lần?
Nhấm nháp nước suốt cả ngày có tác dụng tốt, nhưng nếu bạn là người hay quên hoặc thích uống một hơi chẳng hạn như sau khi tập luyện thể dục thì lượng khuyến nghị tối ưu là 400ml trong một lần để hydrat hóa nhanh chóng. Hydrat hóa là quá trình bổ sung các phân tử nước vào các hợp chất hữu cơ. Uống đủ nước sẽ tạo điều kiện cho các phản ứng hydrat hóa được diễn ra nhiều hơn để bổ sung nước cho các cơ quan trong cơ thể.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi mọi người tiêu thụ một lượng nước lớn cùng một lúc, nó sẽ di chuyển qua dạ dày đến ruột non (nơi nước được hấp thụ) nhanh hơn so với những lượng nhỏ hơn và sẽ gây nhiều áp lực hơn lên dạ dày và hệ tiêu hóa, điều này làm tăng tốc độ làm rỗng dạ dày.
Ngoài ra, việc uống một lượng lớn nước cùng một lúc có thể dẫn đến hạ natri máu, xảy ra khi các chất điện giải trong cơ thể bị cạn kiệt, điều này cũng có thể ảnh hưởng đến những vận động viên chạy đường dài trong các cuộc đua.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Có nên uống nước cam vào buổi chiều tối?