Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, tuyết thường phủ lên núi Phú Sĩ vào đầu tháng 10, như năm 2023 tuyết đã xuất hiện vào ngày 5/10. Tuy nhiên, mùa hè năm nay chứng kiến nền nhiệt cao bất thường, khiến đỉnh núi vẫn chưa đón lớp tuyết đầu tiên dù đã cuối tháng 10.
Yutaka Katsuta, chuyên gia từ Văn phòng Khí tượng Địa phương Kofu, cho biết, nhiệt độ cao kéo dài tới tận tháng 9 đã ngăn chặn sự hình thành của các khối không khí lạnh – yếu tố quan trọng để tuyết có thể rơi.
Theo ông, ngày 29/10 năm nay đánh dấu lần muộn nhất trong lịch sử mà núi Phú Sĩ vẫn không có tuyết, phá vỡ kỷ lục trước đó được ghi nhận vào ngày 26/10 trong hai năm 1955 và 2016. Katsuta cũng nhận định rằng hiện tượng biến đổi khí hậu là một nguyên nhân quan trọng góp phần làm chậm quá trình này.
Mùa hè năm nay được đánh giá là một trong những mùa hè nóng nhất lịch sử Nhật Bản, ngang bằng với năm 2023, khi nhiều khu vực phải chịu đựng các đợt nắng nóng kỷ lục.
Nhiệt độ cao không chỉ ảnh hưởng tới thời tiết mà còn đe dọa đến hệ sinh thái và du lịch tại núi Phú Sĩ, nơi mà phần lớn thời gian trong năm đều được tuyết trắng bao phủ.
Dù là mùa hè, từ tháng 7 đến tháng 9, núi Phú Sĩ vẫn thu hút hơn 220.000 du khách mỗi năm. Họ chinh phục các sườn núi hiểm trở, phần lớn leo suốt đêm để đón bình minh tuyệt đẹp từ độ cao 3.776 m.
Năm nay, số lượng khách giảm đi do Nhật Bản áp dụng phí vào cửa và hạn chế số lượng người leo núi mỗi ngày nhằm giảm quá tải.
Ngọn núi có hình dáng đối xứng hoàn hảo này từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng trong nghệ thuật, xuất hiện trong vô số tác phẩm nổi tiếng như "Sóng Lớn" của Hokusai.
Đỉnh núi Phú Sĩ phủ tuyết trắng xóa là biểu tượng bất diệt của đất nước Nhật Bản, dù lần phun trào gần nhất của nó đã cách đây hơn 300 năm.