Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đông xuân năm 2014-2015 trên phạm vi cả nước có xu hướng thiếu hụt mưa và dòng chảy, xuất hiện khô hạn và thiếu nước; nền nhiệt độ tăng cao nhưng rét đậm, rét hại có khả năng đến sớm; ít bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông cũng như ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam. Dự báo từ nay đến hết mùa mưa bão năm 2014 có thể còn 3-4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và trong đó khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, ít hơn so với trung bình nhiều năm . Nhiều khả năng, không khí lạnh mạnh sẽ hoạt động sớm hơn so với trung bình nhiều năm, đợt rét đậm, rét hại đầu tiên ở Đồng bằng Bắc Bộ sẽ xảy ra trong nửa đầu tháng 12/2014, sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có nền nhiệt độ toàn mùa đông xuân 2014-2015 ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C. Những tháng đầu mùa đông có nhiệt độ thấp hơn so với những tháng cuối mùa. Nhiệt độ trung bình toàn mùa cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,0 độ C và ít dao động ở Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Tổng lượng mưa toàn mùa đông xuân 2014-2015 tại Bắc Bộ có khả năng thiếu hụt từ 15-30% so với trung bình nhiều năm, ở Trung Bộ thiếu hụt khoảng 10-40%. Lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên sẽ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và mùa mưa ở Nam Bộ sẽ kết thúc sớm, lượng mưa mùa đông xuân 2014-2015 ở đây sẽ ít hơn so với trung bình nhiều năm. Dòng chảy trong toàn mùa đông xuân năm 2014-2015 ở hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình có khả năng nhỏ hơn mức trung bình nhiều năm khoảng 10-40%, trong đó các tháng cuối mùa cạn (tháng 3-4/2015) sẽ thiếu hụt khoảng 15-30%. Lưu lượng trung bình mùa cạn (10/2014-4/2015) trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ ở mức 800-1200m3/s (trung bình nhiều năm là 1180m3/s). Mực nước thấp nhất tại trạm thủy văn Hà Nội có khả năng ở mức 0,2-0,3m và xuất hiện vào tháng 2/2015. Trong mùa cạn năm 2014-2015, khu vực Bắc Bộ sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ, riêng ở vùng Đông Bắc, vùng núi phía Bắc và vùng trung du Bắc Bộ sẽ gay gắt hơn so với các vùng khác. Trong các tháng cuối của mùa cạn năm 2014-2015 sẽ xuất hiện tình trạng khó khăn trong giao thông đường thủy, cấp nước và phát điện so với năm 2013 nhưng ít căng thẳng hơn so với cùng kỳ của mùa cạn các năm 2010, năm 2011. Hiện các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đang ở thời kỳ chính vụ mùa mưa lũ. Trong mùa lũ năm 2014, số đợt lũ xuất hiện ít hơn so với trung bình nhiều năm và năm 2013. Đỉnh lũ năm 2014 trên hầu hết các sông đều thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm, thấp hơn đỉnh lũ năm 2013. Dự kiến, đỉnh lũ các sông thuộc Thanh Hóa dưới mức động 1, các sông từ Nghệ An đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức báo động 1 – báo động 2, có nơi cao hơn báo động 2. Trong mùa cạn, dòng chảy đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 30-40% trên các sông ở Bắc Trung Bộ; từ 20-65% trên các sông ở Trung và Nam Trung Bộ và có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ. Dòng chảy các sông ở Bắc Tây Nguyên vào đầu mùa sẽ ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 10-35%, đến cuối mùa ở mức cao hơn từ 5-15%. Dòng chảy vào đầu mùa trên các sông ở Nam Tây Nguyên sẽ thấp hơn từ 18-40%, cuối mùa ở mức cao hơn từ 7-10% so với trung bình nhiều năm. Nhiều khả năng, tình trạng khô hạn và thiếu nước sẽ diễn ra ở các tỉnh ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên trong nửa đầu năm 2015. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang xuống dần. Đầu mùa cạn, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu và trên sông Hậu tại Châu Đốc đều thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 0,6 – 0,8m; giữa mùa sẽ ở mức thấp hơn từ 0,2 – 0,4m và cuối mùa ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Tình hình khô hạn, xâm nhập mặn tại Nam Bộ sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn so với trung bình nhiều năm, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Theo Tin tức