Hà Nội

Nữ y tá Xê Đăng vượt qua lời nguyền cứu vớt những mảnh đời bất hạnh

24-07-2010 09:07 | Xã hội
google news

Dù đồng lương quá khiêm tốn của một nữ y tá vùng sâu Tây Nguyên nhưng hễ gặp bệnh nhân nào có hoàn cảnh éo le, chị không ngần ngại nhường cơm, sẻ áo.

Dù đồng lương quá khiêm tốn của một nữ y tá vùng sâu Tây Nguyên nhưng hễ gặp bệnh nhân nào có hoàn cảnh éo le, chị không ngần ngại nhường cơm, sẻ áo. Tấm lòng yêu thương người bệnh của nữ y tá Y Ngum đã có sức lan toả mạnh mẽ, nhiều hủ tục trong việc chữa bệnh của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên dần được xoá bỏ.

Khi được hỏi, chị rất khiêm tốn: "Mình làm được một số việc nho nhỏ, cũng phải nhờ nhiều đến sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, cộng đồng xã hội và nhất là mình đã truyền được niềm tin cho người dân trong vùng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số...".

Vượt qua lời nguyền!

Còn nhớ vào cuối tháng 8/2005, buổi chiều ấy trời Đăk Sao dưới đỉnh núi Ngọk Linh bỗng tối mù mịt. Mây đen kéo đến vần vũ, một cơn mưa tầm tã trút xuống, nhiều cây rừng ngã đổ, bờ sông suối bỗng chốc nước dâng cao. Mặc cho cơn lũ lớn, nước đang tràn về dữ dội, một người đàn ông áo quần ướt sũng, hai hàm răng rét run va cầm cập vào nhau, giọng méo mó báo tin: "Ngum ơi! Y Nel ở làng Kạch Lớn 2 bị con rắn độc cắn rồi, sưng phù nè. Miệng nó kêu đau lắm. Chắc không sống nổi nữa rồi, mày có cách gì cứu nó không... bụng nó lại có chửa nữa cơ chứ!", người đàn ông ái ngại nói rồi đặt người phụ nữ chừng 40 tuổi xuống giường trong cơn đau vật vã, cộng thêm bụng mang dạ chửa kềnh càng. Trong chốc lát, toàn thân người phụ nữ chuyển sang tím tái. Người đàn ông chỉ biết giải thích: "Y Nel nó lên rừng hái măng, hái rau thì bị rắn độc cắn. Mình phát hiện được và liền cõng về đây giao cho Y Ngum đấy". Lúc này Y Nel khó thở lắm rồi và từ từ lịm dần, rồi chìm sâu vào cơn mê.

Đang bằng mọi cách để cấp cứu cho Y Nel, mắt nữ y tá Y Ngum không thể tin nổi khi bỗng nhiên từ cái bụng to tướng ấy thế lại "tòi" ra đứa bé trai kháu khỉnh. Y Ngum hét lên: "Yàng ơi! đứa nhỏ còn sống, là con trai". Lẽ ra khi nghe cứu được đứa con trai bé bỏng thì ai cũng phải mừng. Nhưng không, người Xê Đăng lại không nghĩ thế! Nghe tin YNel chết, tiếng xì xào bàn tán ngày một nhiều, ngay cả người thân của Y Nel cái bụng cũng không muốn nuôi đứa nhỏ bé bỏng vừa mới chào đời. Theo hủ tục của làng Kạch Lớn 2 là phải "cho đi theo" cùng người mẹ xấu số (?!). Những người có mặt đều nhất trí cả và lạ thay người cha đẻ của cháu bé là anh A Huih cũng đồng ý, không một lời bảo vệ đứa con bé bỏng của mình.

Chứng kiến sự việc từ đầu, nữ y tá Y Ngum không đồng ý. Chị cương quyết không chịu để cháu bé sơ sinh phải "đi theo" người mẹ xấu số, quyết tâm giành giật mạng sống cho cháu.

 Vợ chồng Y Ngum - Nguyễn Đức Thành Nam và hai đứa con (A Công Sơn trên tay mẹ nuôi - nữ y tá Y Ngum).

Bén duyên chàng trí thức trẻ tình nguyện

Đội trí thức trẻ tình nguyện do Tỉnh đoàn Kon Tum tổ chức với nhiệm vụ về các xã vùng sâu, vùng xa biên giới, trong đó có xã đặc biệt khó khăn Đăk Sao (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum). Xã Đăk Sao được phân công bốn đội viên, ngoài công việc hướng dẫn cho bà con phát triển kinh tế gia đình, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, những trí thức trẻ tình nguyện còn dành nhiều thời gian tổ chức đi tuyên truyền vận động người dân về các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường. Mỗi khi tổ chức các buổi sinh hoạt tại nhà Rông của buôn làng trong xã, các buổi sinh hoạt này đều không thể thiếu "món" dân số-kế hoạch hoá gia đình. Cứ mỗi lần tổ chức chuyên đề về dân số và người được các đội viên "nhắm" đến để phối hợp là nữ  y tá Y Ngum, cán bộ Trạm y tế Đăk Sao. "Mỗi lần mấy anh chị trí thức trẻ tình nguyện... "ới" một tiếng là mình tham gia nhiệt tình hết mình à!" - Y Ngum kể.

Thanh niên vùng sơn cước khi nói đến chuyện "tế nhị" họ thấy... mắc cỡ lắm, đỏ hết mặt, thậm chí có nữ thanh niên ù té chạy. Họ cho rằng: "Chuyện vợ chồng ngủ với nhau là chuyện...  kín đáo, chứ đi nói công khai như vậy ngại và xấu hổ lắm!", nên mỗi lần nói đến "dùng các biện pháp tránh thai", người Xê Đăng ở vùng sâu dưới đỉnh núi Ngọk Linh nếu mà không từ chính cái miệng cô nữ y tá xinh đẹp Y Ngum nói ra nhất quyết không ai ưng cái bụng cho lắm. Do vậy, hễ mỗi khi nói đến sinh hoạt đoàn là chàng trí thức trẻ tình nguyện Nguyễn Đức Thành Nam lại "chèo kéo" cho được nữ y tá xinh đẹp đi cùng. Y Ngum kể: "Không chỉ về vấn đề dân số mà làm đường giao thông, thủy lợi hay cả việc đi bắc cầu treo qua các con suối và những buổi đi tuyên truyền về vệ sinh môi trường, cắt tóc... cho trẻ nhỏ, người dân tộc Xê Đăng mình không bao giờ vắng mặt".

Hết lòng với bệnh nhân

Già làng A Đăh ở Tu Mơ Rông cứ tấm tắc khen nữ y tá Y Ngum. Mỗi khi ai mắc bệnh, Y Ngum tận tình khám bệnh, rồi chỉ cho cách uống thuốc sao cho có hiệu quả. Có khi người bệnh đau nặng, không lên được trạm y tế, Y Ngum không ngại đường sá xa xôi, vất vả đến khám và phát thuốc. Ai khó khăn Y Ngum biết đều giúp đỡ, dù vẫn biết đồng lương ít ỏi, nhưng Y Ngum thường dành để giúp đỡ người nghèo, người bệnh. Già quả quyết: "Thiệt tình hiếm có người cán bộ y tế nào lại nhiệt tình, tốt cái bụng như Y Ngum". Phó Bí thư huyện ủy Tu Mơ Rông A Ngọc Mít cho biết: "Mặc dù điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn, lại phải mỗi ngày đi làm cách xa nhà hàng chục cây số đường rừng trơn trượt, ấy vậy mà không bao giờ thấy Y Ngum kêu ca, phàn nàn gì mà vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thấy hoàn cảnh cháu A Công Sơn mạng sống bị đe doạ, Y Ngum đã không ngần ngại mở tấm lòng yêu thương, nhân từ để đón cháu về nuôi dưỡng như chính con ruột của mình".

Rời chân núi Ngọk Linh, chúng tôi tạm biệt nữ y tá giàu lòng nhân hậu, ngày đêm đang miệt mài dõi theo sức khoẻ của người Xê Đăng, ai ốm đau bệnh tật chị ân cần tận tình giúp đỡ, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo. Những phong tục tập quán lạc hậu, chị kiên trì tuyên truyền vận động, hướng dẫn để đẩy lùi. Chính từ những việc làm, lòng yêu thương thật sự đối với người bệnh của chị mà người dân vùng sâu Tu Mơ Rông đã dần xoá bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, góp sức xây dựng cuộc sống mới, ốm đau đến trạm y tế khám chữa bệnh, không còn vào tin lời thầy mo, thầy cúng như trước đây. Chị âm thầm, lặng lẽ như một "chiến sĩ dũng cảm" nơi vùng sâu còn bộn bề khó khăn vùng cực Bắc Tây Nguyên để giúp người dân chiến thắng đói nghèo, lạc hậu và bệnh tật. Tấm lòng bao dung, độ lượng, hết lòng vì người bệnh của nữ y tá Y Ngum đã sưởi ấm cho bao cảnh đời éo le. Khi được hỏi, chị rất khiêm tốn: "Mình làm được một số việc nho nhỏ, cũng phải nhờ nhiều đến sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, cộng đồng xã hội và nhất là đã truyền được niềm tin tưởng cho người dân trong vùng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số...".

Phóng sự của: TRẦN KIM SƠN


Ý kiến của bạn