Thế nhưng, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở xã này luôn đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, có được điều này là nhờ một phần công sức của y sĩ Hoàng Thị Tươi - Trạm trưởng trạm y tế xã, người đã có hai mươi năm gắn bó với trạm.
Chị Tươi cho biết, khó khăn lớn nhất của các cán bộ y tế ở vùng sâu, vùng xa là làm sao thay đổi được tập tục lạc hậu đã gắn rễ trong cuộc sống của bà con bao đời nay. Chị tâm sự, cái khó nhất của mình là tuyên truyền để bà con thực hiện đúng kế hoạch hóa gia đình. Người Kinh mình vẫn còn nặng nề việc có trai nối dõi nói gì đến đồng bào dân tộc với tập tục lạc hậu, việc mình đến khuyên nhủ không sinh thêm con nữa còn bị bà con đuổi như “đuổi tà”. Chị bảo điều làm chị đau lòng nhất đó là việc các bà mẹ tự sinh con tại nhà tự đỡ, có người còn ra góc rừng tự sinh, sản phụ không được chăm sóc cẩn thận... nhiều cảnh thương tâm qua cách sinh con theo phong tục này đã làm chị day dứt và tự nhủ chẳng nhẽ đành bất lực?! Không chịu đầu hàng trước hoàn cảnh, chị Tươi đã vượt qua khó khăn ở vùng cao, gác lại việc nhà, con nhỏ để cần mẫn như con ong trèo đèo, lội suối lặn lội đi từng thôn, bản, đến từng nhà giải thích tìm hiểu, nghe họ dãi bày thậm chí cả xua đuổi và những lời lẽ khó nghe... Bằng tấm chân tình và trách nhiệm của một cán bộ y tế, những chuyển biến dần dần trong cộng đồng đã đến với chị. Các bà, các mẹ đã đưa con đi tiêm phòng đầy đủ, phụ nữ mang thai đến khám thai thường xuyên và sinh đẻ tại trạm, người dân tự nguyện đến trạm y tế khám khi ốm đau bệnh tật, hủ tục cúng, chữa bệnh bằng lá đã dần được xóa bỏ... Trạm y tế bây giờ đã là địa chỉ quen thuộc của bà con rồi, kể cả ngày nghỉ cũng có người đến khám, có khi chỉ là đến kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Y sĩ Tươi đang khám cho bệnh nhân.
Kể về những kỷ niệm khi mới bắt đầu đặt chân đến nơi đây, chị Tươi chỉ tay về dòng suối trước mặt bây giờ khô cằn trơ sỏi đá, chị bảo mùa này nó vậy thôi, chứ mùa lũ thì hung dữ vô cùng. Và, chị bắt đầu kể về kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời làm nhân viên y tế vùng cao của mình. Đó là vào giữa mùa mưa lũ năm 1993, nước cuồn cuộn chảy, có hai thanh niên bơi từ bên kia suối hớt hải chạy sang gọi, “chị trưởng trạm y tế ơi, cứu tôi với, vợ tôi đau đẻ đã gần một ngày rồi mà không đẻ được”. Nghe thấy vậy, chị liền chuẩn bị đồ đạc và chạy theo hai thanh niên, ra đến bờ suối, không nghĩ là mình biết bơi, chị cứ lội theo, đến chỗ nước sâu ngập đầu thì bị dòng lũ cuốn đi, may có hai thanh niên to khỏe dìu vào, thế là thoát chết. Sang đến nhà sản phụ, chị mau chóng bắt tay vào việc, sau một thời gian vất vả, cuối cùng một bé trai nặng 3,7kg đã chào đời giữa niềm vui sướng của gia đình và trong vòng tay bà đỡ mà quần áo hãy còn ướt sũng vì lội suối. Một kỷ niệm khác, ấy là trong một làng ở rừng sâu, có cậu bé bị rắn cắn nhưng gia đình không đưa lên trạm y tế ngay mà đến nhà thầy lang đắp lá, từ sáng đến chiều bệnh tình vẫn không chuyển biến, mới ra trạm y tế, chị đã cho chuyển ngay lên tuyến trên và đi cùng. Nhưng đến nửa đường người nhà cậu bé nghe nói có ông Lang đắp thuốc lá gần đây rất hiệu nghiệm và họ nhất quyết đưa cậu bé vào bản đó, mặc cho chị khuyên ngăn đủ điều cũng không được, thế rồi cậu bé ấy đã ra đi vĩnh viễn...! Còn rất nhiều những câu chuyện mà các cán bộ y tế công tác ở vùng cao phải vượt qua để góp phần vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Họ như những con ong chăm chỉ tận tụy vì sức khỏe cộng đồng.