Dẫu biết phận là nữ và sống trong vùng đất còn lắm hủ tục lạc hậu nhưng từ khi được dân bản tín nhiệm, tin yêu, chị Cơ Lâu Thị Giáp, Trưởng thôn J’Da, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã tận tâm, tận lực hết lòng vì đồng bào và trở thành vị nữ trưởng thôn tài năng đầu tiên của đồng bào Cơ Tu tại huyện miền biên giới Tây Giang. Chị đã thực hiện chủ trương, chính sách của nhà nước bằng việc cam đảm đứng ra xóa bỏ những hủ tục, những định kiến bao đời rằng phụ nữ là bất tài và không thể tham gia công việc của bản làng.
![]() Chị Cơ Lâu Thị Giáp đã vượt qua những định kiến để trở thành một vị “thủ lĩnh” của lòng dân. |
Vượt lên trên định kiến ngàn đời
“Từ ngàn đời nay, chưa bao giờ có một người phụ nữ nào của đồng bào Cơ Tu lên nắm quyền. Điều này cũng chưa từng nhắc đến trong những truyện kể của đồng bào. Dường như với đồng bào nơi đây, cái định kiến “trọng nam khinh nữ” đã “thâm căn cố đế” vào họ. Họ xem đó như là một nguyên tắc sống... Rồi đến một ngày chị Giáp được dân tín nhiệm, tin yêu thì mọi định kiến lạc hậu kia dần bị tiêu biến. Chị đã chứng tỏ cho đồng bào về năng lực lãnh đạo của mình. Và có lẽ về sau, sẽ có nhiều Cơ Lâu Thị Giáp hơn nữa của núi rừng Cơ Tu hùng vĩ...” - một vị lão làng mà chúng tôi gặp ở đầu thôn chia sẻ.
Càng tìm hiểu hơn về những lời nói trên. Đúng thật! Hiện tượng chị Cơ Lâu Thị Giáp đã vượt qua định kiến rằng người phụ nữ Cơ Tu đời đời kiếp kiếp sẽ mãi mãi không được tham gia vào các công việc “chính sự” của dân bản. Bằng tài năng và nhiệt huyết hết lòng vì dân bản, chị đã lấy được lòng tin của dân để chứng tỏ cho dân biết khả năng của mình khi tham gia với chức vụ trưởng thôn. Chị đã trở thành người phụ nữ đầu tiên của đồng bào Cơ Tu nơi miền biên giới Tây Giang đảm nhiệm chức vụ trưởng thôn.
Gặp chúng tôi, chị Giáp khuôn mặt sáng bừng niềm nhiệt huyết trước công việc mà mình đang giữ trọng trách. Hỏi về gia đình, chị vui vẻ niềm nở trả lời trong sự khốn khó của gia cảnh. Chị xuất thân trong một gia đình nghèo. Chị là chị cả trong một gia đình có 3 chị em. Tuổi thơ chị lớn lên là những tháng ngày vất vả và nghèo khó. Sau giờ học nơi trường lớp, chị phải theo chân các mẹ lội bộ hàng chục cây số lên rẫy hay dầm mình xuống lòng sông để mò cua bắt ốc sống lay lắt qua ngày. Năm chị chuẩn bị bước vào học lớp 11, hoàn cảnh gia đình càng khốn khó hơn. Nhìn cha mẹ lam lũ nuôi các em ăn học, chị đã xin cha mẹ được nghỉ học để nhường con đường đến trường cho các em.
Không có điều kiện được đến trường học, chị tranh thủ thời gian rảnh rỗi để tham gia các phong trào hoạt động thanh niên tình nguyện, xã hội tại địa phương. Công việc gì được cấp trên giao phó, chị đều cố gắng hoàn thành mà không ngại khó. Chị bắt đầu được giao giữ các chức vụ chủ chốt trong các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ. Dần dà, chị đã được dân bản tin yêu. Chị được lãnh đạo cử đi học nâng cao trình độ. Năm 2008, xã Lăng có thêm một thôn mới được tách ra là thôn J’Da. Khi đó, chị ngay lập tức được lãnh đạo địa phương và dân bản tín nhiệm giữ chức trưởng thôn và trở thành vị nữ thủ lĩnh đầu tiên của người Cơ Tu. Chị đã vượt qua những “định kiến” cùng những lời nguyền... về thân phận người phụ nữ.
“Hũ gạo” tình thương…
Thôn J’Da là một thôn mới thành lập. Những điều kiện thiết yếu ban đầu còn thiếu thốn. Nắm được điều này, ngay sau khi lên làm trưởng thôn, chị Giáp đã mạnh dạn xin lãnh đạo được xây dựng kho thóc dự trữ cho dân làng mà chúng tôi gọi vui là “hũ gạo” tình thương. Kho thóc được đặt ngay tại trung tâm bản làng J’Da. Kho thóc này là nguồn lương thực cứu đói cho làng. Nhà nào khó khăn, thiếu thốn thì thôn sẽ lấy gạo từ kho thóc này cứu tế. Dân bản gọi đó là kho thóc là “vị cứu tinh” của mình. Chính nhờ nó mà biết bao hộ dân đói khát trong thôn đã vượt qua nghịch cảnh ngặt nghèo vươn lên trong cuộc sống. Cảm ơn “vị cứu tinh”, họ lại nhớ đến chị Cơ Lâu Thị Giáp, người đi “khai sáng”...
Theo chị Cơ Lâu Thị Giáp, cứ hàng năm, bà con sẽ trích mỗi hộ 30kg gạo vào kho thóc để thôn có nguồn lương thực cứu đói, thể hiện đạo lý “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Qua 6 năm, kho thóc đã cứu giúp không biết bao gia đình rơi vào cảnh khốn khó. Hiện nay, thôn J’Da chỉ còn chưa đến 15% hộ nghèo (so với các thôn khác thì tỷ lệ này rất thấp). Mô hình của chị đã được nhiều thôn bản trong huyện noi theo và học tập.
![]() Chị Cơ Lâu Thị Giáp không nhớ rõ Kho thóc tình thương mà mình thành lập đã giúp đỡ được bao nhiêu mảnh đời, hoàn cảnh bất hạnh trong thôn trong 6 năm qua. |
Vị “thủ lĩnh” của lòng dân
Ngay sau khi được giao phó trọng trách của bản làng là Trưởng thôn, chị Cơ Lâu Thị Giáp đã dành tất cả tâm huyết của mình với đồng bào. Đến thôn J’Da, người dân bản, bất kể là trẻ con hay người già, đều hết lòng khen ngợi tấm lòng của vị nữ “thủ lĩnh” này.
Chị tâm sự: “Mình cũng là một người con của người Cơ Tu. Mình sinh ra đã nghèo khổ chẳng lẽ khi được dân tín nhiệm lại không hết lòng phục vụ hay sao. Mà phục vụ dân cũng là trách nhiệm của người cán bộ mà. Làm sao cho dân mình giàu có, xóa bớt những hủ tục lạc hậu đó là những gì mình muốn làm bây giờ... Đã không làm thì thôi mà đã làm thì làm cho ra làm. Dân bản tin mình thì mình phải cố đáp lại tình cảm ấy của dân bản thì mới hợp lẽ”.
Bên cạnh kho thóc tình thương, chị còn thành công hơn ở công tác vận động bà con giảm sinh, tăng gia sản xuất. Chị cho biết: “Dân đã nghèo mà sinh nhiều con thì khổ cả hai. Cha mẹ lam lũ, chật vật lo miếng ăn qua ngày. Con cái không có điều kiện đến trường. Kinh tế gia đình không vững. Chưa kể đến việc chăm sóc y tế, điều kiện sống bị đe dọa”.
Nhận thấy được tầm quan trọng của vấn đề này, chị không những là một vị “thủ lĩnh” của lòng dân mà còn là một cán bộ truyền thông dân số “cừ khôi”. Chị đã không quản nắng mưa, đường xa, lặn lội khắp mọi ngõ ngách, từng hộ dân để vận động bà con biết những hệ quả của sinh con nhiều và dùng các biện pháp tránh thai hiệu quả, an toàn. Giờ về thôn J’Da, chuyện dùng bao cao su hay các biện pháp tránh thai đã không còn lạ lẫm với các đôi vợ chồng trẻ nơi đây. Cũng chừng ấy năm, tỷ lệ sinh của nơi đây đã giảm đi rõ rệt. Trong thôn giờ hầu như không có hộ gia đình nào sinh đông con. Cả thôn đã thực hiện tốt chủ trương kế hoạch hóa gia đình và trong vòng 2 năm trở lại đây hầu như không còn hộ sinh con thứ ba, điều không thể thực hiện được ở một địa phương ở vùng cao khác. Họ đã ý thức được tác hại của việc sinh đông con thông qua sự vận động, tuyên truyền của vị “thủ lĩnh” Cơ Lâu Thị Giáp.
Nói về vị nữ trưởng thôn này, già làng B’nươh Hồng hết lời khen ngợi: “Con nhỏ còn trẻ mà giỏi lắm, tài lắm. Thôn này được như hôm nay là công của nó. Mong sao thôn này mai đây sẽ có nhiều người như nó để đồng bào dân bản còn nhờ”. “Trước đây đồng bào chỉ quen phát nương làm rẫy, từ ngày trưởng thôn Giáp khuyên chăn nuôi lợn bằng thức ăn hỗn hợp, lợi nhuận cao hơn hẳn. Làng J’Da may mắn vì có một trưởng thôn trẻ giỏi giang, tận tâm với bản làng”.
Lắm lúc nhìn lại chặng đường 6 năm bám trụ cùng đồng bào, chị Cơ Lâu Thị Giáp thấy thời gian trôi quá nhanh. Giờ đời sống của đại bộ phận đồng bào đã khá giả hơn rất nhiều so với trước đây nhưng chị vẫn còn nhiều trăn trở. Chị còn lo rằng: “Con trẻ nơi đây còn ít có điều kiện đến trường...”! Đó cũng là mong ước chung của đồng bào vùng cao, vùng sâu.
Bài, ảnh: Hà Kiều