PV: Là quân nhân, hoạt động tích cực, năng nổ trên nhiều lĩnh vực, được biết chị đã có nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp những sự kiện trọng đại của đất nước. Chị có thể chia sẻ thêm về vấn đề này được không?
Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh: Đại thắng mùa xuân năm 1975 là đỉnh cao của tinh thần, khí phách Việt Nam, là biểu tượng mang khát vọng hoà bình của dân tộc.
Là nhà văn áo lính, tôi có điều kiện được gặp gỡ, lắng nghe câu chuyện của các đồng chí lão thành cách mạng, các tướng lĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các cựu chiến binh… Điều ý nghĩa nhất mà tôi thu hoạch được qua những lần gặp gỡ, tri ân ấy là được sống cùng lịch sử, đến gần để chiêm ngưỡng, để hiểu sâu sắc về tinh thần của người cộng sản và tinh thần của một "thế hệ Vàng" người Việt Nam - những con người góp phần làm nên lịch sử.

Chiếc bánh mang hình ảnh Cờ Giải phóng góp phần nhỏ bé mang lại niềm vui, khơi dậy ký ức tự hào trong các cô bác cựu chiến binh.
Vì thế, mỗi năm vào dịp Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9, tôi sẽ có hoạt động cụ thể nhằm tri ân các thế hệ đi trước như đến thăm người có công, tặng quà cho đồng bào nghèo ở những vùng chiến khu, căn cứ cách mạng năm xưa.
Năm nay, trước không khí sôi trào nhiệt huyết của cả nước trong những ngày tháng Tư lịch sử, tôi muốn ấp ủ làm điều gì đó để thay lời muốn nói rằng, chúng tôi - những người được thừa hưởng thành quả cách mạng, được tạo thành từ những hy sinh, cống hiến của biết bao thế hệ cha anh vẫn luôn nhớ, vẫn luôn tự dặn lòng mình phải sống và làm việc xứng đáng với cha anh.
PV: Tại sao chị chọn làm bánh chứ không phải món quà khác và bánh sẽ được bảo quản, vận chuyển ra sao?
Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh: Lúc đầu, tôi dự định tặng hoa hoặc một bộ quân phục mới để các bác có thể mặc trong các dịp hội họp cựu chiến binh. Song tôi lại nghĩ, đây là dịp mà hàng triệu gia đình quây quần bên nhau, nếu có thể có một vật phẩm gì đó để tri ân các bác, song lại có thể chia sẻ để con cháu cùng biết về việc cha ông mình đã chiến đấu anh dũng, cùng bên nhau ăn miếng bánh ngọt... sẽ ý nghĩa và mang tính gắn kết hơn rất nhiều.

PGS.TS Hoàng Quốc Bảo nhận bánh tri ân.
Và tôi đã trao đổi ý tưởng đó với một người bạn gần nhà rất khéo tay và làm bánh rất ngon. Được bạn ủng hộ, hỗ trợ... chúng tôi bắt tay vào làm luôn. Tại Hà Nội, chúng tôi chuẩn bị nguyên liệu từ tối hôm trước, sáng sớm hôm sau làm bánh và chuyển đi ngay trong buổi sáng. Có những trường hợp tôi trực tiếp đến thăm và trao tặng các bác, còn lại sẽ do em tôi và bạn tôi mang đi. Tại các tỉnh, thành phố khác, không thể vận chuyển bánh được nên chúng tôi nhờ bạn bè chọn những hiệu bánh ngon, uy tín ở địa phương làm giúp và chuyển đến các bác.
PV: Tại sao chị lại chọn hình ảnh cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên nền của chiếc bánh tặng các bác?
Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh: Khi học cấp 3 tại Trường THPT Thái Phiên (Hải Phòng), cô giáo chủ nhiệm của tôi là một chiến sĩ Trường Sơn, đã dành trọn vẹn tuổi trẻ của mình để tham gia kháng chiến chống Mỹ. Hoà bình lập lại, cô quay trở về với giảng đường, với phấn trắng bảng đen và trao truyền ký ức tự hào cho học sinh thông qua những bài giảng. Trong rất nhiều những tác phẩm văn học được học ngày đó, tôi nhớ bài "Nước non ngàn dặm" của nhà thơ Tố Hữu với những câu thơ: "Lá cờ nửa đỏ nửa xanh/ Màu đỏ của đất, màu xanh của trời/ Ngôi sao, chân lý của đời/ Việt Nam, vàng của lòng người hôm nay".
Cô đã giảng cho chúng tôi biết, ngày 30/4/1975, xe tăng mang lá cờ có ngôi sao vàng trên nền đỏ và xanh dương tiến vào Dinh Độc Lập, mở ra hòa bình, thống nhất đất nước. Lá cờ, được gọi là Cờ Giải phóng, tung bay khắp miền Nam trong niềm hân hoan non sông liền một dải. Nên trong dịp này, tôi nghĩ tặng các chiến sĩ giải phóng năm xưa chiếc bánh mang hình ảnh Cờ Giải phóng sẽ khá ấn tượng, góp phần nhỏ bé mang lại niềm vui, khơi dậy ký ức tự hào trong các cựu chiến binh.
PV: Cảm xúc của các cựu chiến binh như thế nào khi đón nhận chiếc bánh đặc biệt này?
Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh: Lúc đầu có một số bác ngỡ ngàng, sợ bị lừa trên mạng (cười – PV) dù rằng trước khi mang bánh đến, người chuyển bánh đã gọi điện thưa với các bác là có Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh ở Bộ đội biên phòng gửi quà biếu bác. Các bác phải gọi điện xác nhận lại rồi mới nhận. Còn hầu hết các bác đều rất phẩn khởi, vui vẻ đón nhận và gọi điện cảm ơn rất nồng hậu.

Gia đình cựu chiến binh Nguyễn Trọng Luân chung vui cùng ông trong dịp kỷ niệm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Các bác đã cùng con cháu tổ chức một buổi tiệc ngọt nho nhỏ để giảng giải cho con cháu về ý nghĩa của lá cờ, về hành trình các bác tham gia kháng chiến… khiến các cháu rất hồ hởi, tự hào. Nhiều gia đình đã ghi lại khoảnh khắc đáng yêu đó, gửi đến chung vui cùng tôi và nói rằng món quà ý nghĩa, độc đáo nên cả nhà không ai nỡ cắt ăn.
Nhận ảnh, tôi rất xúc động bởi đó chính là điều tôi mong muốn được tri ân các cựu chiến binh, được trao truyền ký ức tự hào trong các gia đình, mong muốn luôn ghi nhớ rằng ông cha mình là một người lính kiên trung, một anh giải phóng quân kiêu hãnh. Và tôi thấy lòng ấm áp khi thấy các bác đưa hình ảnh ngồi bên bên chiếc bánh lên mạng xã hội Facebook, có hàng trăm người vào chúc mừng, bày tỏ lời tri ân sâu sắc.
PV: Đã có hơn 100 chiếc bánh được gửi biếu tận tay các cựu chiến binh mà chị có dịp gắn bó, gặp gỡ tại cả 3 miền Bắc – Trung – Nam trong những ngày lịch sử này, vậy chị có điều gì gửi gắm đến thế hệ trẻ?
Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh: Những người trẻ có rất nhiều cơ hội để tiếp cận với văn hóa, tri thức của nhân loại. Các phương tiện thông tin truyền thông, công nghệ thông tin cho phép họ có được những thứ họ muốn nghe, muốn đọc. Nhưng có vẻ như nhịp sống quá sôi động khiến cho thị hiếu của những người trẻ có nhiều thay đổi. Đôi khi, lòng yêu nước, tự hào dân tộc vẫn trong tâm trí, trái tim họ xong họ chưa biểu đạt được điều đó một cách chân thành, rạng rỡ.
Số khác thì nhiệt tình theo "trend", thể hiện tình yêu nước sôi nổi trên mạng xã hội… song đôi khi lại quên mất những người có công ở ngay bên cạnh mình. Đó có thể là người ông, người bà mà họ cho là nghiêm khắc, lẩm cẩm khó gần, hoặc có thể là bác tổ trưởng tổ dân phố, ông lão hàng xóm… Những con người bình dị đó là "thế hệ vàng" của dân tộc chúng ta, là những người đã không tiếc máu xương để chiến đấu giành lại độc tập, tự do cho đất nước; những người tình nguyện cầm súng để con cháu được cầm bút, được sống trong hoà bình, no ấm và hạnh phúc.
Những thắng lợi vẻ vang được tạo nên bởi sự hi sinh, cống hiến của họ là nền tảng quan trọng để Việt Nam mang khát vọng mới với ý chí, niềm tin và hoài bão của một dân tộc anh hùng, yêu chuộng hòa bình. Tôi hi vọng rằng, tuổi trẻ ngày hôm nay, hãy phát huy tinh thần "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai", phát huy truyền thống vẻ vang của tuổi trẻ để dân tộc thực hiện được một khát vọng chung - khát vọng hùng cường mang tên Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!