SKĐS - Dù thời gian được nghỉ chế độ hưu còn mấy tháng nhưng y sĩ Phạm Thị Dinh, Trạm trưởng trạm y tế xã Yên Hòa, Đà Bắc, Hòa Bình luôn tâm huyết với công việc. Đã hơn 30 năm từ ngày ra trường chị về làm công tác y tế cơ sở, bám bản các xã thuộc huyện Đà Bắc, Hòa Bình.

Không bao giờ quản ngại khó khăn, chị luôn cùng đồng nghiệp đi khắp các bản làng vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để phục vụ người dân, trở thành chỗ dựa tin cậy của bà con mỗi khi đau ốm.

Y sĩ Phạm Thị Dinh (Trạm trưởng trạm y tế xã Yên Hòa) thăm khám cho người dân huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

Nữ trạm trưởng y tế giúp đồng bào dân tộc hiểu bệnh gút mà cúng bái không khỏi - Ảnh 2.

Y sĩ Phạm Thị Dinh chia sẻ: "Năm 1988, sau khi tốt nghiệp trung cấp y tế Hòa Bình, tôi được phân công làm việc tại huyện Đà Bắc, Hòa Bình. Hồi tưởng lại ngày mới ra trường lên vùng cao công tác, khi ấy trạm y tế các xã huyện Đà Bắc còn muôn vàn khó khăn, cơ sở vật chất của các trạm y tế rất đơn sơ, thiếu thốn".

Trạm y tế xã cách trung tâm huyện, tỉnh Hòa Bình rất xa, đường đi hiểm trở, y sĩ Dinh lúc đó vừa "trẻ tuổi đời, non tuổi nghề" và chưa có nhiều kinh nghiệm. Chị  phải tự học, học thêm từ các đồng nghiệp, mày mò tìm hiểu về văn hóa, lối sống của bà con đồng bào nơi đây từ đó đúc rút cho mình kinh nghiệm làm việc. Người dân ở đây sống xa trạm y tế, đồng bào chủ yếu là người dân tộc Mường, Tày, Dao... nên lối sống còn nặng nhiều hủ tục.

Làm việc ở đây, chị mới thấu hiểu tường tận về những khó khăn mà đồng bào dân tộc đang gặp phải. Trước đây, mỗi khi ốm đau, bà con dân bản phải xuống trung tâm huyện cách xã hàng chục cây số để điều trị. Nhưng do đường đi lại khó khăn, nhiều trường hợp người bệnh đến nơi thì sức khỏe đã xấu đi, điều trị rất khó khăn, tốn kém. Điều này dấy lên trong chị nhiều trăn trở, nghĩ suy: làm sao để đồng bào nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe, làm sao để phục vụ đồng bào ngày một tốt hơn ...

Nữ trạm trưởng y tế giúp đồng bào dân tộc hiểu bệnh gút mà cúng bái không khỏi - Ảnh 3.

30 năm từ ngày ra trường về làm công tác y tế cơ sở, bám bản các xã thuộc huyện Đà Bắc, Hòa Bình, y sĩ Phạm Thị Dinh vẫn tâm huyết với công việc tại huyện vùng cao, khó khăn của tỉnh Hòa Bình.

Cùng với lòng nhiệt huyết, kiến thức đã được học, chị cùng các đồng nghiệp từng bước tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức trong phòng, tránh bệnh nguy hiểm. Tranh thủ uy tín của những người dân tộc cao tuổi sinh sống nơi đây, chị còn vận động bà con cách phòng bệnh, giữ gìn vệ sinh.

Y sĩ Dinh nhớ lại, có những trường hợp người dân bị bệnh gout, gia đình tổ chức cúng bái để chữa bệnh. Thế nhưng bệnh không khỏi, họ lại không biết cách ăn uống giữ gìn nên u cục ở chân (biến chứng của gout) ngày một to ra, người bệnh không đi lại được, đau đớn ...

Chị đã cùng đồng nghiệp đến tận nhà dân để trò chuyện, giải thích... Những ngày đầu, có người còn không đồng ý đến trạm y tế để khám, điều trị. Rồi kiên trì thuyết phục, lấy cớ đi ngang qua vào thăm hỏi, trò chuyện  về cuộc sống hằng ngày của gia đình, của bệnh nhân để từ đó nắm được tâm lý của họ, tìm cách động viên, khuyên nhủ.

Chị cho biết, mình cũng phải lựa, không chọn cách phản bác ngay hay nói năng quyết liệt, mà theo cách ''mưa dầm thấm lâu'', từng bước vận động, tuyên truyền rõ cái lợi, cái đúng... giải thích bằng cách đơn giản nhất để bà con hiểu các hủ tục không chỉ khiến đời sống bà con triền miên trong đói nghèo, lạc hậu mà sức khỏe cũng bị đe dọa. Việc cúng bái, tâm linh sẽ không thể khỏi bệnh, người bệnh khi ốm đau phải đến trạm y tế xã để được chữa bệnh.

Bằng "người thật việc thật" là những người đã được chị tư vấn, đi khám bệnh mỗi khi ốm đau, chị mời họ cùng đi theo để thuyết phục... Từ đó, bà con đã ngày càng tin tưởng ở cán bộ y tế.

Nữ trạm trưởng y tế giúp đồng bào dân tộc hiểu bệnh gút mà cúng bái không khỏi - Ảnh 4.

Từ những nỗ lực nhỏ bé của y sĩ Dinh, chị đã giúp đỡ nhiều bà con  chữa khỏi bệnh, từ đó bà con hiểu và làm theo, dần thay đổi những hủ tục của người dân trong chăm sóc sức khỏe.

Trong suốt 35 năm làm công tác y tế cơ sở, y sĩ Phạm Thị Dinh đã 8 lần luân chuyển công tác tại các xã của huyện Đà Bắc. Dù ở cương vị công tác nào, ở trạm y tế xã nào của huyện Đà Bắc, y sĩ Phạm Thị Dinh cũng luôn làm tròn nhiệm vụ, hết lòng vì người bệnh. 

Theo nghề y là để giúp đỡ bà con, cứu chữa được nhiều bệnh nhân, những điều đó khiến cho mình cảm thấy rất đáng tự hào.
Y sĩ Phạm Thị Dinh tâm sự:

Nhiệt huyết, yêu nghề, trách nhiệm, y sĩ Phạm Thị Dinh còn là tấm gương để các con chị noi theo. Hiện hai con của chị cũng theo nghề y và  đang công tác tại Hòa Bình. Chị tâm sự: "Mình làm tốt công việc, giúp đỡ bà con, từ đó các con thấy được niềm vui, niềm tự hào khi làm nghề y".

Sau hơn 35 năm công tác, chị đã giúp đỡ được rất nhiều người dân, có những người sau khi được chữa khỏi, đi làm ăn xa, khi trở về vẫn đến thăm chị khiến chị thấy mình như đã góp một phần nhỏ trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Nữ trạm trưởng y tế giúp đồng bào dân tộc hiểu bệnh gút mà cúng bái không khỏi - Ảnh 6.

Y sĩ Phạm Thị Dinh kiểm tra sức khỏe cho đồng bào dân tộc tại Trạm y tế xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

Nữ trạm trưởng y tế giúp đồng bào dân tộc hiểu bệnh gút mà cúng bái không khỏi - Ảnh 7.

Y sĩ Phạm Thị Dinh trao đổi với người nhà trẻ nhỏ khi đến trạm y tế tiêm vaccine

Nữ trạm trưởng y tế giúp đồng bào dân tộc hiểu bệnh gút mà cúng bái không khỏi - Ảnh 8.

Dù sắp được nghỉ hưu theo chế độ nhưng y sĩ Phạm Thị Dinh vẫn nặng lòng với công việc, chị mong muốn cơ sở vật chất của trạm y tế nơi đây được đầu tư thêm, tăng thêm nhân lực, trang thiết bị để công tác chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh cho người dân nơi đây ngày một tốt hơn.

Nữ trạm trưởng y tế giúp đồng bào dân tộc hiểu bệnh gút mà cúng bái không khỏi - Ảnh 9.

Đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế Trạm y tế xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bỉnh tiêm phòng cho người dân huyện Đà Bắc.

Với hơn 30 năm làm công tác tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng cao, y sĩ Phạm Thị Dinh đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, ngành y tế.  Sự hiểu biết của bà con đồng bào nơi đây đã được nâng cao hơn, khi ốm đau họ biết ra Trạm Y tế khám, chữa bệnh, người dân tin tưởng vào cán bộ... là những nguồn động viên, khích lệ không nhỏ với đội ngũ y bác sĩ ở trạm nói chung và y sĩ Phạm Thị Dinh nói riêng. Hơn hết, đồng bào luôn dành cho y sĩ Dinh những tình cảm đặc biệt, như người thân, ruột thịt của mình, khi cần là tìm đến...

Ý kiến của bạn