Hà Nội

Nữ thường bị trầm cảm gấp 2 lần nam giới

28-10-2014 14:39 | Y học 360
google news

Trầm cảm sau sinh có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ cũng như sự phát triển của bé sau này

Đây là vấn đề cần được quan tâm vì người bị trầm cảm có thể bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 450 triệu người có các rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần nghiêm trọng.

33%

số phụ nữ bị trầm cảm sau sinh tại TP.HCM

Hơn nữa theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về Gánh nặng bệnh tật toàn cầu, đến năm 2030 rối loạn trầm cảm sẽ đứng đầu bảng xếp hạng. Cũng theo WHO, phụ nữ có nguy cơ trầm cảm cao hơn nam giới gấp 2 lần. Quá trình mang thai và sinh con là thời kỳ dễ xảy ra nhiều biến đổi về tâm lý và sinh lý trong cơ thể của người phụ nữ, đặc biệt những biến đổi về tâm lý là thường gặp hơn cả, trong đó rối loạn tâm lý thường gặp nhất là trầm cảm. Nhiều nghiên cứu trên thế giới ghi nhận, khoảng 85% số phụ nữ trải qua một số rối loạn tâm lý, trong đó tỉ lệ trầm cảm sau sinh ước tính khoảng 10 - 15%. Trầm cảm sau sinh có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ cũng như mối quan hệ giữa người mẹ với các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là với đứa con vừa mới sinh ra đời, có thể ảnh hưởng lên sự phát triển về cảm xúc, tâm lý, nhân cách và trí tuệ ở trẻ sau.

Còn tại Việt Nam, theo một khảo sát cắt ngang được thực hiện từ tháng 2/2013 đến tháng 7/2013 trên 243 phụ nữ sau sinh từ 4 tuần đến 3 tháng đưa con đến tiêm chủng tại Phòng khám Đa khoa Bình Hòa (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), tỉ lệ trầm cảm sau sinh là 30,9%, trong đó có 8,6% phụ nữ đã từng xuất hiện ý nghĩ tự sát.Trầm cảm sau sinh là dạng trầm cảm từ trung bình đến nghiêm trọng ở phụ nữ sau khi sinh. Các khảo sát trước đó tại TP.HCM cho thấy 33% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh và 19% người có ý nghĩ tự sát. Trầm cảm sau sinh có thể xảy ra ngay sau sinh hoặc đến một năm sau đó và phần lớn thời gian xảy ra trong vòng 3 tháng đầu sau sinh. Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ cả về thể chất lẫn tinh thần, đặc biệt là người mẹ có thể xuất hiện những ý nghĩ tự sát hoặc giết hại đứa con của họ.

 

Theo cử nhân Y tế Công cộng Tăng Văn Xâm (ĐH Y Dược TP.HCM), trầm cảm sau sinh bị chi phối bởi nhiều yếu tố, như: trình độ học vấn, tiền sử sảy thai, nạo phá thai, sức khỏe của mẹ lúc mang thai, tiền sử trầm cảm, thời gian nghỉ hậu sản ít, trẻ nhẹ cân, sinh non và trẻ quấy khóc về đêm. Đặc biệt, hai yếu tố ảnh hưởng chủ yếu là tiền sử trầm cảm và sinh non. Tiền sử trầm cảm có liên quan mạnh nhất, những phụ nữ bị trầm cảm trước sinh có tỉ lệ trầm cảm sau sinh cao gấp 3,79 lần so với những phụ nữ không có tiền sử này. Điều này có thể là do khi người mẹ có dấu hiệu trầm cảm trước sinh, tức đã có giai đoạn mệt mỏi, buồn chán, mất niềm vui trong cuộc sống, giấc ngủ bị xáo trộn, cảm giác tội lỗi, đánh giá thấp bản thân. Đó chính là những yếu tố tiền đề làm cho đối tượng thêm mệt mỏi, chán nản, tác động mạnh mẽ đến tâm lý của người mẹ không những hiện tại mà còn thể hiện khả năng tái phát rất cao sau khi sinh trẻ và nếu không được quan tâm đúng mức, bệnh có thể chuyển sang trầm cảm nặng và mạn tính - một trong những nguyên nhân chính gây ra mất tự chủ dẫn đến tự sát hoặc giết con.

Ngành y tế nên thành lập một chuyên khoa tư vấn tâm lý cho các đối tượng đang mang thai và sau sinh tại các phòng khám ban đầu, đặc biệt ở những nơi có nhiều công nhân nữ sinh sống và làm việc. Đa số dân ở đây là nhập cư, với mức biến động cao, cùng với sự phát triển của quá trình đô thị hóa đã thu hút một lượng lớn công nhân, kèm theo đó là những vấn đề sức khỏe đáng quan tâm, như: sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm và sự quan tâm và hỗ trợ về tinh thần cũng như vật chất, kết hợp với tiền sử sinh con bất lợi (sinh non, sảy thai, nạo phá thai, tiền sử trầm cảm) với mức độ tương đối cao. Bên cạnh đó, thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyên đề về sức khỏe tâm thần, trầm cảm sau sinh cho cán bộ nhân viên y tế và các lớp giáo dục sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, tiền sản cho phụ nữ, đặc biệt chú trọng vào nhóm có tiền sử bất lợi với những yếu tố nêu trên, trong đó đáng quan tâm nhất là tiền sử trầm cảm và sinh non. Đối với gia đình cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ từ người thân, đặc biệt vai trò của người chồng nhằm giúp cho cơ thể và tâm trí của người phụ nữ sau sinh khỏe mạnh hơn. Đây cũng là một yếu tố quan trọng để có thể thực hiện tốt hơn chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng.

Phương Khánh

 


Ý kiến của bạn