Hà Nội

Nữ Thủ tướng Thái Lan rơi vào thế bất lợi

12-01-2014 19:25 | Quốc tế
google news

Lực lượng biểu tình chống chính phủ có kế hoạch tiến hành một cuộc biểu tình rầm rộ, quy mô lớn nhằm đóng cửa hoàn toàn thủ đô Bangkok vào ngày mai (13/1). Đây được xem là một “đòn đánh tổng lực” mà phe đối lập tung ra nhằm dồn chính quyền của Thủ tướng Yingluck vào đường cùng

Lực lượng biểu tình chống chính phủ có kế hoạch tiến hành một cuộc biểu tình rầm rộ, quy mô lớn nhằm đóng cửa hoàn toàn thủ đô Bangkok vào ngày mai (13/1). Đây được xem là một “đòn đánh tổng lực” mà phe đối lập tung ra nhằm dồn chính quyền của Thủ tướng Yingluck vào đường cùng.

 

Bạo lực nổ ra ngay trước thềm cuộc quyết chiến

Thủ tướng Yingluck có thể tiếp tục tại vị hay không và phe đối lập có đạt được mục tiêu hay không phụ thuộc phần lớn vào diễn biến cuộc biểu tình ngày mai. Chính vì thế, người ta tin rằng, đây sẽ là thời điểm chứng kiến trận “đọ sức” giữa bà Yingluck với lực lượng chống đối bà.

Tuy nhiên, ngay trước thời khắc quan trọng nói trên, Thủ tướng Yingluck đã rơi vào thế bất lợi khi mà bà liên tiếp phải hứng chịu hai cú giáng mạnh, đó là cuộc biểu tình biến thành bạo lực ngay trước thềm trận quyết chiến cũng như lời kêu gọi bất ngờ từ Ủy ban Bầu cử Thái Lan.

7 người đã bị thương, 1 người bị thương nghiêm trọng (có nguồn tin khẳng định người này đã thiệt mạng) khi những tay súng nã đạn vào lực lượng biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Bangkok trong ngày hôm qua (11/1). Diễn biến này đã làm dấy lên nỗi quan ngại về việc sẽ có thêm nhiều vụ bạo lực đáng sợ hơn xảy ra khi hàng ngàn người biểu tình đổ ra khắp các đường phố ở Bangkok trong ngày mai để thực hiện kế hoạch làm tê liệt hoàn toàn thủ đô.

"Hai cuộc đấu súng đã xảy ra ngay trong những giờ đầu của buổi sáng ngày hôm nay tại một khu vực ngã tư gần khu du lịch trên Đường Khao San. Tất cả 7 người đã bị thương, hầu hết các nạn nhân là người biểu tình chống chính phủ. Chúng tôi vẫn đang điều tra xem ai là những tay súng gây ra vụ việc trên”, cảnh sát trưởng quốc gia – ông Adul Saengsingkaew hôm qua cho biết.

Một trong những nạn nhân bị thương vẫn đang trong tình trạng nguy kịch, Trung tâm Y tế Erawan giám sát các bệnh viện ở Bangkok cho hay. Tuy nhiên, có nguồn tin cho hay, nạn nhân này đã thiệt mạng.

Các tay súng đã nã đạn vào người biểu tình ở trung tâm thủ đô Bangkok lúc khoảng 2h sáng và ít nhất một cuộc tấn công khác xảy ra ở khu vực gần đó, cảnh sát cho biết. Những tay súng này chưa được xác định danh tính.

Vụ việc trên xảy ra chỉ vài giờ sau khi những người ủng hộ và chống đối chính phủ đụng độ với nhau ngay bên ngoài thủ đô Bangkok trong ngày 10/1, khiến ít nhất 6 người bị thương.

Tại một buổi lễ kỷ niệm Ngày Trẻ em ở Thái Lan sáng qua, Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-ocha đã phát biểu rằng, ông rất lo ngại về khả năng leo thang bạo lực trong tuần tới. “Tôi lo ngại về tình hình an ninh bởi sẽ có rất nhiều người. Bạo lực đang tăng lên. Chúng ta có thể có quan điểm khác nhau nhưng chúng ta không thể giết hại lẫn nhau. Xin đừng sử dụng bạo lực", Tướng Prayuth nói.

Tình hình rối loạn hiên nay là “chương mới nhất” trong một cuộc xung đột chính trị kéo dài suốt 8 năm qua ở đất nước Thái Lan giữa một bên là tầng lớp hoàng gia, trung lưu ở thủ đô Bangkok với bên kia là những người nghèo, những người dân ở vùng nông thôn ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin – người bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006.

Sở dĩ người ta lo ngại về tình hình bạo lực bởi chính quyền và lực lượng áo đỏ lo ngại, phe đối lập có thể sẽ tìm cách châm ngòi cho các cuộc bạo loạn để lôi kéo sự can thiệp của quân đội. Mặc dù chính phủ của bà Yingluck luôn tìm cách tránh bạo lực nhưng nếu phe đối lập có "âm mưu" kích động bạo lực thì điều đó có thể gây bất lợi cho chính phủ lâm thời.

Phát biểu bất ngờ gây choáng váng của Ủy ban Bầu cử Thái Lan

Ngoài tình hình bạo lực nổ ra trong các cuộc biểu tình gây bất lợi cho nữ Thủ tướng Yingluck, bà này còn phải hứng chịu một cú giáng mạnh gây choáng váng từ Ủy ban Bầu cử Thái Lan.

Sau khi làn sóng biểu tình chống chính phủ diễn ra ngày một rầm rộ và quyết liệt, chính phủ của bà Yingluck đã buộc phải giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử sớm để tháo gỡ cuộc khủng hoảng chính trị. Cuộc bầu cử này nếu diễn ra theo đúng kế hoạch vào ngày 2/2 tới thì nó sẽ giúp bà Yingluck duy trì được quyền lực và hạ gục được phe đối lập, biểu tình bởi kể từ năm 2001 đến nay, phe thân cựu Thủ tướng Thaksin luôn giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử. Trong khi đó, phe đối lập không có cơ hội để giành được bất kỳ chiến thắng nào. Chính vì lý do này, chính quyền của bà Yingluck tìm mọi cách để thúc đẩy kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử trong khi phe biểu tình ra sức chống phá và ngăn chặn kế hoạch này.

Trong một diễn biến mới nhất đầy bất lợi, Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã lên tiếng kêu gọi chính phủ hủy bỏ kế hoạch bầu cử vào ngày 2/2 tới bởi theo họ, cuộc bầu cử này chắc chắn sẽ thất bại.

Cuộc bầu cử sẽ không lựa chọn đủ được các nghị sĩ cho Quốc hội trong bối cảnh hiện nay, Ủy ban Bầu cử Thái Lan hôm 10/1 đã nói như vậy.

Các nhà tổ chức cuộc tổng tuyển cử đã đưa ra lập trường gây bất ngờ nói trên sau một cuộc họp trước khi Ủy ban Bầu cử gửi báo cáo của cơ quan này lên chính phủ lâm thời, ông Somchai Srisutthiyagorn – một thành viên của Ủy ban Bầu cử cho biết.

Ủy ban Bầu cử Thái Lan vì thế đã khuyên nội các lâm thời sử dụng thẩm quyền của mình để đề nghị Quốc vương đưa ra một sắc lệnh hoàng gia mới nhằm hoãn cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Ủy ban Bầu cử thừa nhận những nhận định mà các nhà bình luận đưa ra trong nhiều tuần trước đó, nói rằng cuộc bầu cử có thể dẫn tới một thế bế tắc mới bởi không có cuộc “đua” nào diễn ra ở 28 khu vực bầu cử - nơi các ứng cử viên bị người biểu tình chặn không cho tham gia đăng ký ứng cử. 22 khu vực bầu cử khác sẽ chỉ là cuộc đua “một mình một ngựa”.

Hiến pháp Thái Lan quy định, phải đủ 95% số ghế thì Quốc hội mới có thể hoạt động và Ủy ban Bầu cử mới có thể phê chuẩn. Quốc hội Thái Lan có 500 ghế và vì thế, ít nhất phải có đủ 475 nghị sĩ.

Theo Ủy ban Bầu cử Thái Lan, với việc không có cuộc “đua” nào ở 28 khu vực bầu cử thì cuộc tổng tuyển cử vào ngày 2/2 tới sẽ chỉ là một sự lãng phí thời gian và tiền đóng thuế của người dân.

Với diễn biến đi theo chiều hướng trên, nữ Thủ tướng Yingluck dường như không gặp may mắn trước thềm cuộc "đọ sức". Tuy vậy, người ta vẫn hy vọng, bà Yingluck có thể vượt qua thách thức lớn nhất trong ngày mai nhờ sự ủng hộ rộng khắp của người dân nông thôn, dân nghèo chiếm đa số ở đất nước Thái Lan.

Theo SeaTimes

 


Ý kiến của bạn