Nữ thanh niên xung phong sống lại trong quan tài sau 3 ngày tắt thở

04-05-2014 08:17 | Thời sự
google news

Đó là lời kể của cô Nguyễn Thị Toán (69 tuổi, trú thôn Bạch Xá, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, Hà Nam). Năm 1966, không quân Mỹ ném bom hang Khì (Nghệ An) khiến 33 thanh niên xung phong bị đất đá vùi lấp, cô là người duy nhất sống sót.

Đó là lời kể của cô Nguyễn Thị Toán (69 tuổi, trú thôn Bạch Xá, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, Hà Nam). Năm 1966, không quân Mỹ ném bom hang Khì (Nghệ An) khiến 33 thanh niên xung phong bị đất đá vùi lấp, cô là người duy nhất sống sót.

Gần 50 năm đã trôi qua, mỗi khi nhắc lại sự kiện đó, nhân vật của bài viết vẫn không thể nào quên được buổi sáng định mệnh cướp đi sinh mạng của 32 người. Nữ TNXP tự nhủ, cô thật sự rất may mắn nên mới sống sót.

Lạc quan đến tận phút cuối

Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn biến khốc liệt nhất, mười bảy tuổi, cô gái trẻ tình nguyện viết đơn gia nhập TNXP phục vụ chiến trường.

Cô Nguyễn Thị Toán ngồi tâm sự với phóng viên.

Tháng 5/1965, quân đội Mỹ tăng cường rải bom phá hoại miền Bắc, giao thông từ cầu Đò Lèn (Thanh Hóa) xuôi vào đất Nghệ An bị tê liệt. Tình thế cấp bách buộc lãnh đạo phải giao đơn vị cô Toán vào địa bàn Hoàng Mai làm nhiệm vụ mở đường, đảm bảo giao thông thông suốt nhằm phục vụ chiến trường miền Nam.

Cô kể, dù mỗi người một quê nhưng cô và đồng đội đều xem nhau như ruột thịt. “Tổ tôi có tất cả 33 anh chị em, chúng tôi chăm sóc nhau lúc đau ốm, chia sẻ cho nhau những câu chuyện nơi quê nhà. Để tránh bị địch phát hiện, tổ buộc phải làm việc ban đêm, ngày nghỉ ngơi. Ánh trăng trở thành nguồn sáng duy nhất giúp giúp chúng tôi hoàn thành công việc".

Bước sang năm 1966, đế quốc Mỹ gặp bất lợi trong chiến dịch leo thang phá hoại miền Bắc, giặc điên cuồng càn quét khiến hàng ngàn dân thường thương vong.

Trong giai đoạn này, tổ cô Toán bị địch dội bom khiến 32 TNXP hy sinh. Nhớ lại ngày tháng đó, cô kể, 10h sáng 28/4/1966, tổ đang khai thác đá ở mỏ Hoàng Mai thì bị không quân Mỹ bỏ bom. Họ được tổ trưởng ra lệnh chạy vào trong hang Khì ẩn nấp. “Chúng tôi vào hang, ngồi nghỉ và ca hát vơi mệt thì bị một quả tên lửa bắt trúng ngay cửa hang. Tất cả bị chôn vùi chỉ trong chốc lát”, nữ TNXP nhớ lại.

Trong thời khắc sinh tử, Toán bị mắc kẹt dưới đống đất đá và thoi thóp kêu cứu, thi thể những đồng đội nằm la liệt xung quanh. Chừng 30 phút sau, tất cả kiệt sức rồi lịm dần.

Cô Toán từng được nhà nước tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất.

Tay nâng ly nước nóng hổi, nhân chứng sống của vụ việc kể tiếp, sau nhiều giờ tích cực tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được cô và tất cả những người bị mắc kẹt ra ngoài. “Qua kiểm tra, họ thông báo tôi và 32 đồng chí còn lại đều đã tắt thở. Ngày hôm sau, thi thể được đơn vị khâm liệm rồi đưa về nơi tập kết để tổ chức chôn cất". Vừa bắt đầu tiến hành lấp đất, một đồng chí bất ngờ phát hiện có tiếng động phát ra từ một chiếc quan tài chứa “thi thể” cô Toán.

Qua kiểm tra, người ta phát hiện ra cô Toán vẫn còn sống, họ nhanh chóng đưa cô ra ngoài sơ cứu. Tuy nhiên do sức khỏe còn rất yếu nên nữ TNXP này tiếp tục bị ngất.

“Lúc ấy, tôi tự nhiên tỉnh lại, cảm giác người đau ê ẩm. Tôi mở mắt ra thì thấy mình đang được đặt trong chiếc hòm đóng kín, mù mịt tối. Tôi nghe ở phía ngoài có tiếng đồng đội rỉ rỉ tiếng khóc nên đã cố đập thành ván để báo hiệu”, cô Toán kể. Trước thời điểm tỉnh lại, cô Toán đã "tắt thở" trong ba ngày. "Nhiều người hỏi về điều kỳ lạ đó, tôi chỉ biết trả lời rằng chắc bị thần chết trả về", nữ TNXP kể.

Sống với vết thương đâm sâu trên đỉnh đầu

Sau khi lành vết thương, cô Toán xuất ngũ trở về quê rồi kết hôn với một thanh niên gần nhà, họ sống rất hạnh phúc, sinh được 4 người con khỏe mạnh.

Ngồi tâm sự, người phụ nữ thương binh 4/4 này nói, sức khỏe yếu nên không làm được công việc nặng. Cũng may, cô được chồng con hiểu và chăm sóc chu đáo. "Những ngày thời tiết thay đổi, vết thương tái phát nên vất vả lắm", cô trải lòng.

Ngôi nhà của gia đình cô Toán hiện nay.

Cô Toán rất muốn được thường xuyên quay lại thăm chiến trường xưa. Cách đây 1 năm, lần đầu tiên sau nhiều năm xa cách, cô đã được một đơn vị tài trợ đưa về thăm lại hang Khì.

“Dù bây giờ cái hang đã thay đổi nhiều nhưng khi gặp lại, tôi lại nhớ về những đồng đội tôi, những người con gái tuổi đôi mươi đã phải nằm xuống khi những lời yêu thương chưa kịp gửi về quê nhà", cô Toán tâm sự.

Năm 2011, hang Khì đổi tên thành “hang Hỏa Tiễn” và được Bộ Văn Hóa - Thể Thao và Du Lịch công nhận là Di tích quốc gia. Cô Toán trở thành nhân chứng sống quan trọng của sự kiện năm 1966.

 

 


Ý kiến của bạn