Nữ thanh niên mắc Tứ chứng fallot phức tạp được cứu sống ngay tại BV tỉnh

15-09-2018 20:24 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ của Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, BVĐK tỉnh Phú Thọ vừa cứu sống nữ thanh niên 21 tuổi mắc tứ chứng fallot phức tạp. Đây là bệnh tim bẩm sinh gây ra thay đổi những bất thường về cấu trúc tim cần được phẫu thuật sớm cho trẻ, nhưng ở trường hợp này bệnh nhân đã để kéo dài nhiều năm khiến ca phẫu thuật trở nên khó khăn.

BSCK I. Triệu Quốc Thường - Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực cho biết, bệnh nhân là Nguyễn T.H, 21 tuổi (quê Phù Ninh, Phú Thọ), là người bệnh đầu tiên được thụ hưởng kỹ thuật cao này ngay tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ mà không phải chuyển lên tuyến trên.

Theo BS. Thường, bệnh tim bẩm sinh Fallot IV phức tạp với 4 tổn thương (gồm hẹp đường ra thất phải; thông liên thất; động mạch chủ "cưỡi ngựa" lên vách liên thất; phì đại của thất phải) mà người bệnh mắc phải đã để kéo dài tới tận độ tuổi này mới được phẫu thuật sẽ khiến cho ca phẫu thuật trở nên khó khăn hơn so với độ tuổi nhỏ.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các bác sĩ BVĐK tỉnh Phú Thọ cùng sự hỗ trợ chuyên môn của TS. Nguyễn Sinh Hùng - Phó Giám đốc BV Tim Hà Nội đã giúp cho các bác sĩ Đơn vị Phẫu thuật tim mạch - Lồng ngực mang lại cho em một trái tim khỏe mạnh với một tương lai tươi sáng hơn cho bệnh nhân.

Hiện sức khỏe người bệnh đã dần ổn định và được xuất viện sau hơn 10 ngày phẫu thuật.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.

 

Các bác sĩ cho biết, tim bẩm sinh là 1 bệnh lý mà trẻ mắc phải ngay từ trong bụng mẹ, gây ra thay đổi những bất thường về cấu trúc tim. Nó thường chiếm tỷ lệ 1/125 trẻ sinh ra. Bệnh nhân có Fallot IV thường có da màu xanh tím vì không mang đủ ôxy. Ở nước ngoài, trẻ thường được phẫu thuật sớm hơn từ 3-6 tháng. Bởi càng mổ sớm, trẻ càng dễ trở lại cuộc sống bình thường, tránh được các biến chứng có thể xảy ra.

Nhưng ở Việt Nam, vì điều kiện hoàn cảnh dẫn đến khá nhiều trẻ có Fallot IV được mổ khi đã lớn tuổi (hay còn gọi Fallot già) thường kết quả sẽ không tốt. Phẫu thuật mổ Fallot IV là một phẫu thuật khá phức tạp nên phần lớn phẫu thuật này chỉ được tiến hành ở những bệnh viện lớn có đội ngũ bác sĩ giỏi và trang thiết bị hiện đại.

Từ ca bệnh này, các bác sĩ cũng khuyến cáo cha mẹ hãy quan tâm tới sức khỏe con em mình ngay từ khi còn trong bụng mẹ, đến khi chào đời, các bé cần được thăm khám định kỳ các bệnh lý tim mạch để sớm phát hiện bệnh tim bẩm sinh để có những can thiệp kịp thời giúp cho con em mình có một sức khỏe tốt hơn trong cuộc sống.

BS. Thường thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật.

 

Được biết, tại Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực của BV, các bác sĩ đã triển khai được nhiều kỹ thuật chuyên khoa sâu về tim mạch và lồng ngực mà trước đây để thực hiện các kỹ thuật này đều phải chuyển người bệnh về tuyến trung ương. Một số kỹ thuật cao như Phẫu thuật tim hở (hiện tại đã phẫu thuật trên 100 người bệnh); phẫu thuật mạch máu; phẫu thuật lồng ngực... đem lại cơ hội điều trị khỏi bệnh, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng.

Thầy thuốc ưu tú, BSCK II. Ngô Hữu Hà - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Phú Thọ cho hay, trong những năm qua, cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm nhiều trang thiết bị y tế hiện đại và được sự hỗ trợ đào tạo chuyển giao kỹ  thuật từ các BV hạt nhân trong đề án BV vệ tinh và các BV tuyến Trung Ương thì trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ nhân viên BVĐK tỉnh Phú Thọ không ngừng được nâng cao, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao rõ rệt. Chính vì vậy số lượng người bệnh phải chuyển tuyến giảm dần theo từng năm, đến nay tỷ lệ chuyển tuyến chỉ còn < 1%.

Riêng trong lĩnh vực tim mạch, BV chú trọng phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, xây dựng, cải tạo Khu vực phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực với hệ thống Phòng mổ Hybrid đạt tiêu chuẩn Quốc tế, phục vụ triển khai phẫu thuật tim hở từ quí I/2016 giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

 

Triệu chứng của tứ chứng Fallot, tùy theo mức độ tắc nghẽn của dòng máu trong tâm thất phải và vào phổi; các dấu hiệu và triệu chứng như: da xanh gây ra bởi máu ít oxy, tím tái ở đầu chi và môi, khó thở và thở nhanh, đặc biệt là trong khi ăn; mất ý thức hay ngất xỉu, ngón tay và ngón chân "dùi trống" - hình dạng bất thường của nền móng, tăng cân kém, mệt mỏi một cách dễ dàng trong khi chơi, khó chịu, khóc kéo dài.

Ngoài ra, trẻ bị tứ chứng Fallot còn có thể gặp các biến chứng như: viêm tắc mạch máu não, áp xe não, thiếu máu kéo dài, chậm phát triển thể chất, dễ xuất huyết răng lợi, da, tiêu hóa, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng…

Tứ chứng Fallot xảy ra trong quá trình phát triển bào thai, khi tim của em bé đang phát triển, thường gặp khi các yếu tố như: dinh dưỡng của bà mẹ nghèo nàn, bệnh virút hoặc rối loạn di truyền có thể làm tăng nguy cơ của tình trạng này, trong hầu hết trường hợp,. Tuy nhiên, cho đến nay nguyên nhân chính xác của tứ chứng Fallot vẫn còn là một bí ẩn, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu.

Dương Hải
Ý kiến của bạn