Hà Nội

Nữ tác giả bức ảnh Phòng tắm Hitler nổi tiếng

07-12-2016 14:43 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sinh năm 1907 trong gia đình khá giả ở thành phố nhỏ Poughkeps, New York (Mỹ), cuộc đời Lee Miller đầy ắp những biến động mạnh và mang tính bước ngoặt.

Sinh năm 1907 trong gia đình khá giả ở thành phố nhỏ Poughkeps, bang New York (Mỹ), cuộc đời Lee Miller đầy ắp những biến động mạnh và mang tính bước ngoặt. 7 tuổi bé gái Lee bất ngờ  bị “quỷ râu xanh” - bạn của gia đình cưỡng đoạt và đổ bệnh giang mai. 19 tuổi, thiếu nữ được mệnh danh “Nữ thần sắc đẹp” đặt bước chân đầu tiên vào nghề người mẫu ở New York. 22 tuổi, Lee Miller từ bỏ sự nghiệp người mẫu đầy hứa hẹn, bay sang Paris để học nghề nhiếp ảnh. Chiến tranh Thế giới thứ II bùng nổ, 32 tuổi “người phụ nữ Mỹ nổi tiếng nhất Paris” tự nguyện trở thành phóng viên nhiếp ảnh chiến tranh.

Thời gian phát xít Đức xâm chiếm Ba Lan (tháng 9/1939), tiếp theo tấn công Đan Mạch, Na Uy và Liên Xô (đầu năm 1940) Lee Miller vẫn sống và hành nghề nhiếp ảnh ở London. Bất chấp những lời khuyên chân thành của người thân và bạn bè là nên trở về Mỹ để có cuộc sống an toàn, Lee ký hợp đồng với tạp chí Vogue (Pháp) chính thức trở thành phóng viên chiến tranh cho tờ báo Pháp. Từ nhiều mặt trận ở châu Âu, với hàng trăm bức ảnh của mình, nữ phóng viên nhiếp ảnh yêu nghề đã cập nhật những biến cố quan trọng của cuộc chiến. Đó là hình ảnh thành phố London đổ nát sau trận ném bom của phát xít Đức (tháng 8/1940), giải phóng Paris (8/1944) hoặc những cảnh tượng sát nhân tập thể man rợ tại các trại tập trung ở Buchenwald và Dachau.

Phòng tắm Hitler

Phòng tắm Hitler, bức ảnh đi vào lịch sử của Lee Miller.

Những người phụ nữ là hình tượng chủ đạo trên các bức ảnh của Lee Miller. Cận cảnh người mẹ trẻ ôm con chạy loạn, các nữ y tá bệnh viện dã chiến, nữ dân quân tự vệ London... là nhân vật chính trong những sáng tác thời Chiến tranh Thế giới thứ II của nữ nghệ sĩ. Lee Miller được giới sử học xếp vào danh sách 20 nhiếp ảnh gia đã có đóng góp lớn nhất vào kho tàng phóng sự ảnh về thời nguy hiểm nhất của nhân loại.

Phòng tắm Hitler là bức ảnh nổi tiếng nhất của nữ nghệ sĩ. Tác phẩm xuất hiện trong thời khắc lịch sử khó quên. Ngày 30/4/1945, quân đội Mỹ tiến vào Munich. Buổi sáng cùng ngày, lẩn trốn quân đồng minh trong hầm ngầm, Hitler đã tự sát. Chiến tranh thực tế đã chấm dứt, cuộc diễu hành chiến thắng của quân đội Mỹ và Hồng quân Liên Xô diễn ra khắp nước Đức. Cùng David E. Scherman, phóng viên ảnh (tạp chí Life, Mỹ), Lee Miller may mắn bám theo đơn vị giải phóng Munich. Mải mê săn hình ảnh “độc” khắp thành phố, cuối cùng hai người phát hiện căn hộ gia đình của Hitler. Sẵn tư tưởng “người phụ nữ nổi loạn” cùng kiến thức nghệ thuật siêu thực học được từ thầy dạy chụp ảnh Man Ray và họa sĩ thiên tài Picasso, thời tuổi 20 ở Paris, Lee Miller chớp nhoáng dàn dựng tác phẩm độc nhất vô nhị. Chọn vị trí lấy khuôn hình thích hợp, Lee trao máy của mình cho David E. Scherman. Bản thân chị tuần tự cởi bỏ trang phục, chậm rãi ngồi vào bồn, vị trí có thể một vài ngày trước trùm phát xít Hitler, một trong những tên tội phạm lớn nhất lịch sử nhân loại, đã tắm. Trên bờ bồn phía trong bên trái Lee Miller đặt khung ảnh với tấm chân dung Hitler, bức tượng nữ thần sắc đẹp bằng đá cẩm thạch tọa trên bàn phấn, bên tay phải bồn tắm. Dưới sàn chị đặt đôi ủng nhà binh lấm bùn đất. Bằng chính đôi giày này, đầu giờ sáng cùng ngày Lee Miller đã ghé qua trại tập trung ở Dachau. Vết bùn đất trên tấm thảm trải sàn chính là “quà lưu niệm” của trại tập trung. Bức ảnh nhanh chóng được đông đảo giới chuyên môn đón chào nồng nhiệt.

Sau chiến tranh, nữ nghệ sĩ định cư ở London, đôi lúc vẫn chụp ảnh (thí dụ, bộ ảnh minh họa cho cuốn sách tiểu sử danh họa Pablo Picasso, tác phẩm của Ronald Penrose, chồng thứ hai của bà), song sự thực Lee Miller chủ yếu dành thời gian cho con trai độc nhất Antony và sở thích mới - nấu nướng. Những ký ức khủng khiếp từ bom đạn chiến tranh, nhất là những hình ảnh sát nhân man rợ trong các trại tập trung liên tục hành hạ nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh mẫn cảm. Bà lâm bệnh trầm cảm nặng, khi cơ quan an ninh Vương quốc Anh M15 nhiều lần thẩm vấn bà, vì tình nghi bà làm gián điệp Liên Xô. Lee Miller qua đời năm 1977, hưởng thọ 70 tuổi.

Nữ thần của Tự do

Theo đánh giá của nhật báo Ba Lan GW có uy tín ở châu Âu, Lee Miller là hiện thân người phụ nữ tự giải phóng những năm 20. Một thiếu nữ có sắc đẹp tỏa sáng, thông minh và can đảm. Nữ nghệ sĩ được xếp hạng một trong số phụ nữ đẹp nhất và nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh tài năng nhất thời đại.


Vinh Thu
Ý kiến của bạn