Vượt khó vươn lên
Từ khi nhận tin em Nguyễn Khánh Linh, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Vũ Quang (trú tại tổ dân phố 1, thị trấn Vũ Quang, Hà Tĩnh) giành giải nhất học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý, căn nhà nhỏ luôn tấp nập người đến chúc mừng.
Tin vui này cũng khiến người dân ở thôn phố núi phấn khởi tự hào, nhưng ẩn chứa trong đó là nỗi niềm cảm thương cho hoàn cảnh của cô bé nghèo hiếu học.
Khánh Linh là con một trong gia đình, bố mẹ già yếu nên chỉ nhìn vào mấy sào ruộng để lo miếng ăn qua ngày.
Sinh ra từ nghèo khó, biết hoàn cảnh gia đình không được như bao bạn bè cùng trang lứa nên từ nhỏ Khánh Linh rất ngoan, thương bố mẹ. Hàng ngày sau buổi đến trường, Linh về nhà phụ công việc đồng áng, việc nhà, tối đến em lại vùi đầu vào việc học.
Khánh Linh chia sẻ: "Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ phải đi làm thuê khắp nơi để kiếm tiền cho em ăn học. Vì lẽ này nên từ nhỏ em hứa phấn đấu học thật tốt để không phụ lòng bố mẹ. Nhận kết quả giải nhất HSG quốc gia em vui mừng không tả được. Đây là món quà lớn nhất từ trước tới nay em muốn giành tặng bố mẹ".
Để đạt kết quả như hôm nay Khánh Linh đã phải trải qua muôn vàn khó khăn. Khánh Linh cho biết, sau khi giành giải nhất môn Địa lý cấp tỉnh, em được xuống ôn luyện với đội tuyển quốc gia tại Trường THPT chuyên Hà Tĩnh. Sau 2 lần thi vòng loại, em may mắn được gọi tên vào đội tuyển chính thức của tỉnh.
"Thời gian ôn luyện gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề đi lại. Quãng đường từ nhà đến trường gần 70km em phải đi bằng xe buýt. Những ngày đầu bị say xe rất mỏi mệt, một thời gian sau em mới quen được", Khánh Linh tâm sự.
Thời gian em luyện thi, thầy cô trong trường, người thân luôn động viên em. Những tình cảm đó cũng chính là động lực để Khánh Linh đặt ra mục tiêu cao trong kỳ thi.
Chia sẻ về quá trình bén duyên với môn Địa lý, Khánh Linh cho biết, với mơ ước khi lớn lên sẽ được đi khắp mọi nơi để tìm hiểu về cuộc sống, thiên nhiên và con người, được khám phá những vùng đất mới và những điều bí ẩn xung quanh mình, nên ngay khi bước vào cấp THCS em đã yêu thích môn học Địa lý và say mê với môn học này.
"Không như nhiều người nghĩ, môn Địa lý là môn học lý thuyết và học thuộc đơn thuần, mà Địa lý gồm cả lý thuyết và thực hành, đòi hỏi phải có phương pháp học tập phù hợp với năng lực, trình độ của mình, đồng thời phải chăm chỉ, kiên trì và có trí nhớ tốt. Ngoài ra, em luôn luyện tư duy trong viết bài cũng như nghiên cứu kỹ cách sử dụng Atlat địa lý", Khánh Linh nói.
Ước mơ trở thành chiến sĩ công an nhân dân
Không chỉ dẫn đầu môn Địa lý, Khánh Linh còn được bạn bè mến phục bởi sự chắc chắn, đồng đều trong tất cả các môn học. Em là một trong những gương mặt xuất sắc nhất ở cả 3 môn thi đại học khối C năm học này và cũng là người nhiều năm đạt danh hiệu học sinh giỏi ở trường.
Từ sự cố gắng vươn lên không ngừng nghỉ, liên tiếp trong nhiều năm học, Linh đều giành giải cao tại các kỳ thi HSG bộ môn Địa lý như: Giải khuyến khích HSG tỉnh môn Địa lý năm lớp 10; giải nhất HSG tỉnh môn Địa lý năm lớp 11, 12; Giải nhất HSG quốc gia môn Địa lý năm học 2022 - 2023.
Để đạt được kết quả này là sự cố gắng không ngừng nghỉ của Khánh Linh trong suốt 12 năm học. Con đường chinh phục giải nhất HSG quốc gia của Linh may mắn nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ thầy cô giáo.
Bà Nguyễn Thị Bình (SN 1976, mẹ Khánh Linh) cho biết: "Linh là con một trong gia đình, bố mẹ làm nông nên cuộc sống gia đình vô cùng vất vả. Thương bố mẹ vất vả nên từ nhỏ Linh ý thức tự giác học tập. Cháu tự biết thu xếp lịch học của mình cho phù hợp, bố mẹ không phải lo lắng, thúc giục".
Cô Nguyễn Thị Thùy Linh - Chủ nhiệm đội tuyển Địa lý Trường THPT chuyên Hà Tĩnh không giấu nổi xúc động khi nói về cô học trò của mình: “Khánh Linh là một tấm gương sáng trong học tập. Em luôn vươn lên hoàn cảnh để đạt được kết quả tốt nhất. Kết quả của em chính là nguồn động viên to lớn cho đội ngũ giáo viên chúng tôi thêm niềm say mê, nhiệt huyết với nghề”.
Bật mí về dự định trong tương lai, Khánh Linh cho biết, em sẽ học thật tốt để thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân hoặc Học viện An ninh nhân dân. Đây là mơ ước từ nhỏ của cô học trò nghèo miền núi.