Chủ động phòng bệnh tim mạch
Mới đây tại TP. Huế xảy ra sự việc em P.T.N., sinh viên năm 2, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đang học ở giảng đường bất ngờ ngã quỵ. Phát hiện sự việc, các sinh viên trong lớp lập tức thông báo với giảng viên, phối hợp với tổ y tế nhà trường nhanh chóng gọi xe cứu thương đưa N. đến Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu.
Tại Khoa hồi sức tích cực, qua thăm khám, các bác sĩ xác định em N. bị ngưng tim, nguyên nhân do bệnh tim mạch. Bệnh nhân hiện tỉnh táo, đã rút nội khí quản, huyết động ổn định, ăn uống tốt và đang tiếp tục theo dõi, điều trị tích cực.
Trao đổi với PV, TS.BS Hồ Anh Bình – Giám đốc Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, đối với ca bệnh này trước mắt cần điều trị hồi sức tích cực, đảm bảo ổn định về huyết động. Khi bệnh nhân ổn định sẽ tiến hành các xét nghiệm, kỹ thuật thăm dò chuyên sâu về tim mạch để xác định nguyên nhân, từ đó mới đưa ra các phương án điều trị cụ thể.
"Một số bệnh như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim giãn, suy tim thường xuất hiện ở người lớn tuổi thì nay cũng gặp ở người trẻ dưới 40 tuổi. Người trẻ tuổi thậm chí cũng có thể mắc bệnh tim mạch nặng. Có một số trường hợp, người trẻ bị bệnh suy tim nhưng không phát hiện ra dẫn đến nguy cơ cao khi vẫn tham gia các hoạt động thể thao quá nặng, không phù hợp với tình trạng sức khoẻ", TS.BS Hồ Anh Bình thông tin.
TS.BS Hồ Anh Bình lấy dẫn chứng, cách đây không lâu, có trường hợp một nam sinh viên năm 2, mắc bệnh cơ tim giãn, suy tim nặng nhưng vẫn tham gia bóng đá. Sau đó lại thức khuya, hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu đã gây ra biến cố tim mạch, ngừng tim. Rất may sau đó bệnh nhân được cấp cứu kịp thời và đặt các thiết bị trợ tim nên đã qua cơn nguy kịch.
Theo TS.BS Hồ Anh Bình, để kịp thời phát hiện, phòng ngừa bệnh về tim mạch, ngay cả người trẻ tuổi cũng nên thường xuyên tập thể dục thể thao phù hợp. Cần đi khám sức khỏe định kỳ, theo dõi huyết áp, đường máu, cân nặng và các xét nghiệm cần thiết, để phát hiện ra các dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, mọi người cũng cần chú ý các triệu chứng như đau ngực, khó thở, đau chân nhiều khi đi bộ, nhức đầu, chảy máu mũi để nhanh chóng đi khám chuyên sâu về tim mạch.
Người trẻ mắc bệnh đột quỵ có chiều hướng gia tăng
ThS.BS Lê Vũ Huỳnh - Phó trưởng Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi nhưng thực tế có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào. Tỷ lệ người bị đột quỵ dưới 50 tuổi có xu hướng ngày càng tăng.
Có nhiều yếu tố dẫn đến đột quỵ ở người trẻ. Trong đó, sự dịch chuyển của xã hội theo xu hướng làm tăng các yếu tố nguy cơ đột quỵ là nhân tố chính. Tăng tiêu thụ rượu bia, sử dụng nhiều đồ ngọt, hút thuốc lá và lối sống ít vận động về thể chất dẫn đến tăng tỷ lệ các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn mỡ máu là các bệnh lý nền có thể gia tăng nguy cơ đột quỵ.
ThS.BS Lê Vũ Huỳnh cho hay, đột quỵ có 2 loại chính là đột quỵ thể nhồi máu não (do tắc mạch máu não) và đột quỵ thể xuất huyết (do vỡ mạch máu não).
Với đột quỵ thể nhồi máu não (chiếm 75%-85%), có một số nhóm nguyên nhân chính bao gồm: bệnh lý mạch máu lớn (chủ yếu do xơ vữa mạch máu não), bệnh lý mạch máu nhỏ (thường liên quan đến tăng huyết áp) và căn nguyên do bệnh lý tim (như các bệnh van tim, rung nhĩ, bệnh tim bẩm sinh…). Bệnh lý mạch máu lớn, mạch máu nhỏ thường gặp ở người lớn tuổi và có xu hướng trẻ hoá.
Ngoài ra còn có một số căn nguyên ít gặp như: các bệnh về máu (tăng đông, đa hồng cầu, tăng tiểu cầu…), bệnh tự miễn, viêm mạch máu.
Trong các bệnh lý tim bẩm sinh, tồn tại lỗ bầu ở vách liên nhĩ là một trong những nguyên nhân thầm lặng gây đột quỵ ở người trẻ do tăng nguy cơ tạo cục máu đông và trôi lên gây tắc mạch máu não. Các căn nguyên hiếm gây đột quỵ thể thường xảy ra ở người trẻ hơn như bệnh lý tự miễn gây viêm tắc mạch, các bất thường mạch máu não bẩm sinh, các rối loạn về máu và đông cầm máu.
Cũng theo ThS.BS Lê Vũ Huỳnh, với đột quỵ thể xuất huyết (chiếm 15%-25%), các nguyên nhân chính bao gồm: tăng huyết áp, thoái hóa mạch máu, rối loạn đông máu, các bất thường mạch máu não.
Tăng huyết áp, thoái hóa mạch máu não thường gây đột quỵ thể xuất huyết ở người lớn tuổi trong khi các bất thường mạch máu não như dị dạng mạch máu não và phình mạch máu não dẫn đến xuất huyết não ở người trẻ nhiều hơn.
Ngoài ra còn có một thể đột quỵ khác ít gặp hơn (< 1%) là huyết khối tĩnh mạch não. Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ chính dẫn đến huyết khối tĩnh mạch não bao gồm: mang thai, bệnh về máu, rối loạn đông máu, hội chứng cận u, bất thường mạch mạch não. Có một yếu tố nguy cơ đáng chú ý là sử dụng thuốc tránh thai.
ThS.BS Lê Vũ Huỳnh nhấn mạnh, tăng huyết áp có xu hướng trẻ hóa và tăng tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ đặc biệt là đột quỵ thể xuất huyết. Các bất thường mạch máu não như dị dạng mạch máu não, phình mạch máu não là căn nguyên tiềm ẩn gây đột quỵ ở người trẻ. Tồn tại lỗ bầu dục là một bệnh lý tim bẩm sinh có thể dẫn đến đột quỵ ở người trẻ. Sử dụng thuốc tránh thai có thể tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch não.
ThS.BS Lê Vũ Huỳnh phân tích, đa phần các bệnh lý đột quỵ thường thầm lặng, ít gây triệu chứng và thường bị bỏ sót bằng những kiểm tra sức khỏe tổng quát thông thường. Mặc dù, tầm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ đặc biệt ở người trẻ còn nhiều hạn chế, việc dự phòng đột quỵ vẫn khả thi.
Cụ thể, thay đổi lối sống tích cực bao gồm hạn chế sử dụng rượu bia, thức uống có nhiều đường, cholesterol, tránh béo phì, không hút thuốc lá, tăng cường tập thể dục, chơi thể thao đều đặn sẽ giảm thiểu nguy cơ bị đột quỵ. Khi đột quỵ xảy ra, cần nhanh chóng nhận dạng, phát hiện kịp thời và đưa người bệnh bị đột quỵ nhập viện cấp cứu sớm ở các bệnh viện lớn gần nhất có khả năng điều trị đột quỵ toàn diện.
"Các dấu hiệu thường gặp khi xảy ra đột quỵ bao gồm: yếu, liệt tay chân một bên, miệng méo, nói khó, rối loạn ngôn ngữ. Cũng cần phân biệt một số người bệnh đột ngột ngưng tuần hoàn, hô hấp với đột quỵ não. Đột quỵ não xảy ra đột ngột với các triệu chứng nặng dần và ít khi gây ngưng tuần hoàn, hô hấp. Trong khi đó, ngưng tuần hoàn, hô hấp dẫn đến đột tử có thể do nhiều nguyên nhân và nguyên nhân hàng đầu là do các bệnh lý về tim.
Hầu hết các bệnh lý về tim dẫn đến ngưng tuần hoàn có thể tầm soát và điều trị được. Nên việc kiểm tra, tầm soát bệnh lý tim mạch là cần thiết ở những người bệnh có các triệu chứng nghi ngờ như hay bị hồi hộp, trống ngực, ngất, khó thở lúc gắng sức", ThS.BS Lê Vũ Huỳnh chia sẻ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cảnh báo nguy cơ kích ứng sau khi dùng son handmade giá rẻ