Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang ngày 24/5 cho biết vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân T.H, 15 tuổi (lớp 9), nhập viện do bỏng khí hydro.
Trước đó, khi em đang cầm dỡ chùm bóng bay có chứa khí hydro để trang trí thì bóng bỗng dưng phát nổ. Bệnh nhân bị bỏng rát vùng mặt và 2 cánh tay nên được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cấp cứu.
ThS.BS Quàng Văn Hải – Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết: Bệnh nhân H bị bỏng vùng mặt, 1/3 dưới cánh tay 2 bên, cẳng tay 2 bên phồng rộp, loét trợt da đau nhức.
Nữ bệnh nhân được chẩn đoán bỏng độ II, III (diện tích khoảng 7%). Khi vào khoa Chấn thương chỉnh hình, bệnh nhân đã được thăm khám, điều trị và chăm sóc các vết thương ngay.
Bác sĩ Hải cho hay, bóng bay bơm khí Hydro được sử dụng nhiều để trang trí nhất là vào dịp gặp mặt, kỷ niệm của học sinh cuối cấp (vào tháng 5 - 6 hàng năm) hoặc vào các dịp lễ Tết, sinh nhật.
Mặc dù bóng bay bơm khí hydro rất nguy hiểm nhưng không ít người dân lại chủ quan, không nhận thấy mối nguy của nó.
"Khí hydro rất dễ cháy, nếu vô tình bị nổ, khối hydro bị nén trong bóng bay sẽ phát nổ rất mạnh" - BS Hải cho hay. Do khoảng cách cầm bóng rất gần vì vậy khi nổ sẽ có thể gây cháy tóc, bỏng mặt, mù mắt…
Dù vết bỏng không sâu nhưng thường gặp ở những vị trí như đầu, mặt, cổ, tai và hai bàn tay… nên có thể để lại sẹo gây mất thẩm mỹ.
Vì thế, theo BS Hải, tốt nhất người lớn không nên chơi hoặc không cho trẻ em chơi loại bóng này, bởi trẻ hiếu động, dễ khiến bóng tiếp xúc với các mối nguy gây phát nổ là nguồn lửa. Chỉ cần tàn thuốc lá của người xung quanh vô tình bắn vào hoặc tác động mạnh của lực cũng khiến bóng phát nổ gây bỏng.
Nếu bị bỏng do khí hydro cần làm mát bằng nước sạch trong thời gian từ 15-20 phút để giúp giảm đau và giảm thương tổn ở vị trí bỏng, sau đó cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được các bác sỹ thăm khám và điều trị đúng cách.