Nữ sinh chuyên Văn trúng học bổng “khủng” ngành Cử nhân Điều dưỡng của VinUni

07-07-2021 15:07 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhờ quy trình tuyển sinh khác biệt và các tiêu chí đánh giá đa chiều, các Giáo sư tại Trường Đại học VinUni đã phát hiện ra những phẩm chất “tiềm ẩn” của Ngần và truyền cảm hứng để em đi theo ngành Điều dưỡng đầy tiềm năng.

“Chị Thanh Tâm” tuổi teen

Ngày 5/10/2020 là một ngày khó quên với cô học sinh chuyên Văn Bắc Ninh, Nguyễn Thị Thuý Ngần. Chiều hôm đó, trên đường về nhà, nữ sinh 18 tuổi bị tai nạn giao thông. Khi đó, Ngần đang chuẩn bị lên đường đi du học tại Viện Tiếng Nga quốc gia mang tên A.X.Pushkin theo học bổng toàn phần của Chính phủ Nga. Từ nhỏ, Ngần từng mơ ước trở thành một nhà văn nổi tiếng. Nhưng sự cố bất ngờ đã khiến cô phải gác lại dự định du học.

Trong cái rủi lại có cái may. Vụ tai nạn đã khiến cuộc sống của Ngần rẽ hẳn sang một hướng khác, nhưng không phải là một sự mất mát mà là để tìm ra lựa chọn mới phù hợp với bản thân hơn.

Ngần kể, những năm sống tại ký túc xá khi học trường chuyên tỉnh, cô giống như “chị Thanh Tâm” của bạn bè. Mọi chuyện bắt đầu khi Ngần lập một fanpage (trang Facebook) để chia sẻ kinh nghiệm học Văn. Thành viên tham gia cứ tăng dần, lên đến vài trăm người. Ban đầu, mọi người chỉ hỏi Ngần chuyện học hành. Nhưng dần dà, thấy Ngần nhiệt tình quá, bạn bè ai có khó khăn gì trong cuộc sống cũng tâm sự với Ngần.

Nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, Nguyễn Thị Thuý Ngần đã được các giáo sư VinUni phát hiện những tố chất đặc biệt để theo học ngành Điều dưỡng.

“Vấn đề các bạn gặp phải phần lớn là do thay đổi về tâm, sinh lý tuổi mới lớn. May mắn là em được đọc nhiều sách nên có thể hiểu và đưa cho các bạn lời khuyên”, Ngần nhớ lại.

Theo Ngần, bạn bè mở lòng với cô không hẳn bởi khả năng “gỡ rối”. Niềm tin tưởng đó có lẽ đến từ sự đồng cảm và thấu hiểu của Ngần. “Chị Thanh Tâm” tuổi teen có thể ngồi hàng giờ để lắng nghe chia sẻ của mọi người một cách chân thành.

Có người Ngần chỉ giúp một vài lần. Có người Ngần giúp đến vài năm. Như trường hợp của Hằng, một cô bạn hoàn toàn xa lạ, biết Ngần chỉ qua fanpage. Từ chỗ còn gặp nhiều khó khăn khi học Văn, nhưng nhờ được sự kiên trì giúp đỡ của Ngần, Hằng như “lột xác” với những tiến bộ trông thấy và giành giải Nhì học sinh giỏi Văn tỉnh Bắc Ninh.“Em luôn nghĩ đó là câu chuyện của chính mình, vấn đề của chính mình để tìm cách giải quyết”, Ngần chia sẻ.

Ngoài việc tư vấn cho bạn bè, Ngần còn tham gia nhiều hoạt động xã hội hướng tới thanh thiếu niên như dự án define, dự án Domino… Các dự án được triển khai tại một số địa phương phía Bắc như Hà Nội, Bắc Ninh… nhằm giúp đỡ, động viên tinh thần các bạn, đóng góp một phần sức lực tuy nhỏ bé nhưng vô cùng ý nghĩa để lan tỏa những giá trị tích cực tới cộng đồng.

“Em rất bất ngờ khi câu chuyện và kinh nghiệm bên lề, rất ít liên quan đến sở trường của mình về môn Văn lại khiến các Giáo sư VinUni chú ý”, Ngần nói.

Đánh thức năng lực tiềm ẩn bằng các tiêu chí đa chiều

Năm 2020, Ngần từng nộp hồ sơ vào Viện Kinh doanh - Quản trị, Trường Đại học VinUni nhưng không thành công. Cánh cửa VinUni tưởng chừng đã đóng lại với nữ sinh chuyên Văn nhưng bất ngờ một ngày tháng 3/2021, Ngần nhận được cuộc điện thoại mời phỏng vấn vào ngành Điều dưỡng của trường đại học tinh hoa.

Cuộc phỏng vấn gần một giờ đồng hồ với các Giáo sư VinUni sau đó đã “đánh thức” Ngần và đưa cô bước hẳn sang một con đường khác. Trong cuộc trò chuyện, Ngần được hỏi rất nhiều về những lần làm “chị Thanh Tâm” của bản thân cũng như là về bài viết đã giúp cô mang về Giải Nhất quốc gia cấp THPT môn Ngữ văn đầu tiên cho tỉnh Bắc Ninh.

Đề thi năm đó đặt vấn đề liệu những cỗ máy, những con robot có thể thay thế hoàn toàn các nhà văn trong sáng tạo văn chương. Trong bài viết đạt điểm số 17/20, Ngần đưa ra nhiều dẫn chứng thuyết phục để khẳng định với sự tiến bộ của công nghệ, robot có thể thay thế nhà văn tạo ra các bài viết. Nhưng đó chỉ là những xác chữ vô hồn, không cảm xúc. Chỉ có nhà văn với sự trải nghiệm và yêu thương mới lột tả hết tâm trạng con người, mới có thể vui buồn cùng nhân vật.

“Robot có thể phục vụ bệnh nhân, nhưng chỉ có người Điều dưỡng với tình yêu thương mới có thể động viên, giúp họ vượt qua bệnh tật. Tuy không trở thành nhà văn nhưng chính Văn học đã mang lại cho em lòng trắc ẩn”, Ngần bày tỏ.

Sự quan tâm ấm áp và chăm sóc nhiệt tình Ngần nhận được khi nằm viện càng giúp cô thấu hiểu được sứ mệnh cao cả của người Điều dưỡng. Sự hỗ trợ đó thậm chí còn kéo dài rất lâu sau khi Ngần ra viện, suốt trong giai đoạn phục hồi chức năng. Với Ngần, người điều dưỡng đó còn hơn cả một ân nhân.

Là người trực tiếp phỏng vấn Thúy Ngần, TS. Nguyễn Thị Hoa Huyền (Viện Khoa học Sức khoẻ, trường ĐH VinUni), nhận thấy ở nữ sinh quê Bắc Ninh một năng lực thấu cảm, tinh thần nhiệt huyết vì cộng đồng, sự chân thành và niềm đam mê mãnh liệt với việc chăm sóc những người xung quanh.

“Lòng yêu thương, trắc ẩn ấy của Ngần sẽ được chuyển biến thành nghệ thuật chăm sóc người bệnh. Đây cũng là những yếu tố tiên quyết mà VinUni luôn tìm kiếm ở các ứng viên”, TS. Huyền đánh giá.

Chương trình Cử nhân Điều dưỡng tại VinUni được thiết kế theo chuẩn kiểm định đào tạo điều dưỡng của Mỹ.

Chương trình đào tạo Cử nhân Điều dưỡng của trường ĐH VinUni được đồng phát triển bởi Trường Điều dưỡng số 1 thế giới của Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ (một trong 8 trường ĐH thuộc nhóm IVY League, Top 20 trường ĐH hàng đầu thế giới) với những tiêu chuẩn cao nhất về đào tạo hiện hành.

TS Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Chương trình Cử nhân Điều dưỡng của trường ĐH VinUni cho biết, sinh viên được đào tạo bằng phương pháp dạy - học tích cực, hỗ trợ bởi những công nghệ tiên tiến nhất trong đào tạo điều dưỡng hiện nay. Các kỳ thi, kiểm tra đánh giá cũng được thiết kế phù hợp với nội dung và hình thức thi chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng Mỹ (NCLEX-RN), giúp sinh viên làm quen với kỳ thi này ngay từ năm học đầu tiên.

Chương trình theo chuẩn kiểm định đào tạo điều dưỡng của Mỹ được đánh giá như tấm vé thông hành đến các nền y học đỉnh cao trên thế giới mà chỉ sinh viên VinUni có. Đặc biệt, toàn bộ sinh viên điều dưỡng tốt nghiệp từ VinUni đủ điều kiện sẽ được hệ thống y tế Vinmec tiếp nhận ngay vào làm việc với nhiều đãi ngộ hấp dẫn trong môi trường bệnh viện quốc tế.

Báo cáo năm 2020 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết thế giới cần thêm khoảng 5,7 triệu điều dưỡng viên. Số liệu của WHO cũng cho thấy Việt Nam hiện có chưa tới 10 điều dưỡng viên trên 1 vạn dân, được liệt vào danh sách các quốc gia thiếu điều dưỡng viên trầm trọng. Theo đánh giá, ngành điều dưỡng là một trong những ngành “hot” nhất hiện nay và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh.

PV


Ý kiến của bạn