Hà Nội

Nữ sinh 15 tuổi sốt nhẹ, đau họng... sau 2 tuần bị yếu liệt toàn thân

14-09-2018 08:45 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố HCM vừa tiếp nhận nữ sinh 15 tuổi bị sốt nhẹ, đau họng, hắt hơi, tê yếu tay chân, dần dần méo miệng, liệt thần kinh mặt, uống nước sặc… và chỉ sau 2 tuần bé bắt đầu có hiện tượng liệt tiến triển các cơ, không đi đứng được, liệt cơ hầu họng, khó thở vì liệt luôn cả cơ hô hấp.

Bệnh nhi là bé A.T 15 tuổi, nhà ở Bình Thạnh, theo người nhà cho biết, trước đó 2 tuần, bệnh nhi A.T (15 tuổi, ngụ Bình Thạnh) bị ốm, có biểu hiện sốt nhẹ, đau họng, hắt hơi, tê yếu tay chân, dần dần méo miệng lệch bên phải. Gia đình đưa bé đi khám tại bệnh viện gần nhà và được các bác sĩ chẩn đoán liệt Bell.  Tại đây bé T. được kê thuốc uống và tập vật lý trị liệu không đỡ, em ngày càng yếu chân, đi lại chậm chạp. Thấy tình hình không tiến triển nên gia đình lại cho bé  tiếp tục đi khám thêm 1 bệnh viện nhi khác.

Khi nhập viện bệnh nhi thở khó, liệt toàn thân . Ảnh: BSCC

Bệnh nhi được chụp CT scan chưa ghi nhận bất thường, về nhà em bắt đầu nuốt sặc, thở khó, liệt toàn thân nên chuyển gấp đến bệnh viện tư nhân địa phương. Tại đây, em được đặt ống giúp thở, chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố Hồ Chí Minh.

BS CK1 Nguyễn Thị Phương Thảo Khoa Hồi Sức tích cực- Chống độc, người trực tiếp theo dõi và tiếp nhận bé cho biết: Khi nhập viện, bệnh nhi T. được ghi nhận quá trình bệnh có biểu hiện liệt mềm các cơ tứ chi, nhiều đờm nhớt ở miệng, không nuốt được vì liệt các cơ nuốt vùng hầu họng, thở hổn hển kiểu bụng vì liệt các cơ hô hấp, phản xạ gân cơ giảm.

Qua thăm khám lâm sàng và xét nghiệm dịch não tủy, các bác sĩ đã chẩn đoán bé T. mắc hội chứng Guillain Barré đang diễn tiến đến suy hô hấp nặng. Ngay lập tức bệnh nhi được được thở máy, cùng phối hợp nhiều điều trị khác như: nuôi ăn qua sonde dạ dày với chế độ dinh dưỡng tốt.

BS Thảo chia sẻ thêm, bệnh nhi đã được các y bác sĩ tận tâm chăm sóc và kiên trì giúp đỡ hướng dẫn bé tập phục hồi chức năng vận động tránh teo cơ cứng khớp, massage mặt (nơi liệt mặt), xoay trở chống loét, tập thở, vật lý trị liệu hô hấp, vận động để tránh xẹp phổi…

Bệnh nhi đã phục hồi và ổn định sức khỏe.

Điều đặc biệt là tất cả được làm trong điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt theo nguyên tắc vô trùng để phòng ngừa nhiễm trùng. Bệnh nhi  được điều trị truyền tĩnh mạch globuline miễn dịch - một loại thuốc hiện nay được y học chứng minh là có hiệu quả trong điều trị hội chứng Guillain Baré. BS Thảo cho biết thêm.
Sau hơn 1 tuần điều trị bệnh nhi T. đã được cai máy thở, sức khỏe dần phục hồi, tinh thần phấn khởi, tươi tỉnh lên rất nhiều, không còn bi quan như trước. Các vận động về thần kinh cũng dần phục hồi, bệnh nhi đã tự làm các động tác nhấc cổ và đầu, xoay các khớp và nâng được chân tay hưởng ứng lời của bác sĩ như để khoe với ba mẹ mỗi giờ vào thăm bé. Hiện tại sức khoẻ và sức cơ của em đang tiến triển dần hoàn thiện, tập đi đứng hàng ngày, tự cơm ăn và vui vẻ nói chuyện với gia đình, bé đang được theo dõi và ổn định sức khoẻ trước khi xuất viện.

Chia sẻ về ca bệnh, Bác sĩ CK1 Nguyễn Cát Phương Vũ cho biết, "Các triệu chứng rối loạn chức năng thần kinh thực vật, suy hô hấp xuất hiện vào tuần thứ 2 của bệnh là yếu tố nguy cơ tử vong của bệnh nếu không được hồi sức cấp cứu kịp thời cho bé, việc điều trị Immunoglobulin đã được khẳng định ở mức độ chứng cứ I (I/MA-5RCTs-COCHRANE) và đã được kiểm chứng qua thực tế lâm sàng, bé may mắn được tiếp nhận và điều trị kịp thời Immunoglobulin cùng các biện pháp điều trị hỗ trợ đúng mức nên hồi phục ngoạn mục."

Hội chứng Guillain Barré là bệnh lý thuộc nhóm bệnh thần kinh-cơ, là bệnh lý tổn thương viêm cấp tính, gây giảm hoặc mất phản xạ gân cơ, thường kèm rối loạn cảm giác, rối loạn chức năng thần kinh thực vật thoáng qua. Bệnh thường xảy ra sau nhiễm trùng hô hấp hoặc tiêu hóa. Trên đây là trường hợp nặng gây yếu liệt cơ hô hấp đưa đến suy hô hấp cần phải giúp thở. BS. Vũ nhấn mạnh.

Như vậy, để điều trị hiệu quả hội chứng Guillain - Barré, việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng, đặc biệt ở trẻ em, trong giai đoạn sớm, việc thăm khám để xác định các triệu chứng rối loạn cảm giác hoặc yếu chi ở giai đoạn sớm khá khó khăn. Ở một trẻ trước đó đã có thể tự đi lại, đột nhiên bị yếu 2 chân sau khi bị 1 đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc tiêu chảy khoảng 1 - 3 tuần, cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện khám ngay để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời hội chứng Guillain – Barré nếu có, giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi, tránh di chứng tàn tật.BS Vũ khuyến cáo.


Khánh Mai
Ý kiến của bạn