Nữ sĩ Nguyễn Thị Kim vẫn tự nhận mình là người ngoại đạo với thơ bởi bà xuất thân từ một cán bộ ngành y tế. Bà từng phấn đấu đến tiến sĩ khoa học y dược. Sở dĩ có cơ duyên đến với văn chương là do bà ham đọc từ nhỏ. Thời 8 tuổi, cô bé Kim còn sống trong thời Pháp thuộc, may mắn có anh trai thuê sách ở các cửa hàng sách về đọc và bị cô em mượn trộm. Mỗi lần tóm được em gái cầm sách, cậu anh cốc cho lõm đầu bởi cho rằng em mình chưa đến tuổi đọc sách người lớn. Dù vậy, bé Kim vẫn tìm cách trộm sách của anh, chui vào chăn, lấy đèn 3 pin của anh đọc “sách cấm” cho đến khi hết pin thì thôi.
Nữ sĩ Nguyễn Thị Kim đọc thơ trước sinh viên ĐH Hồng Bàng.
Khi bà Nguyễn Thị Kim đến tuổi 26, được cơ quan cử đi học ngành y - dược khóa 1966-1971. Những năm kháng chiến chống Mỹ, bà vào Khóa 21 Trường ĐH Y - Dược cũng là lúc bà thành lập gia đình riêng với BS. Lê Anh Tuấn (bác sĩ ngoại-tiêu hóa). Cưới nhau được 3 tháng thì bà phải xa chồng, đi học trường sơ tán tại Bắc Giang. Tuy nhiên, trong môi trường đại học, được học chuyên môn, tách khỏi việc bếp núc, bà bắt đầu sáng tác thơ. Trong các cuộc thi thơ sinh viên thời đó, bà Kim thường là người giành giải thưởng cao. Dù chỉ là giải thưởng thơ cấp trường nhưng điều đó cũng trở thành động lực giúp bà tiếp tục cầm bút.
Cũng là một may mắn khi chồng bà Kim là một bác sĩ, ông rất ham đọc và có một tủ sách khổng lồ. Bà thường nói vui rằng, bà mê và yêu ông cũng một phần vì tủ sách diệu kỳ của ông. Thời những năm 60, lương bác sĩ của chồng bà được 70 đồng, ông chỉ tiêu 35 đồng cho sinh hoạt cá nhân, số tiền còn lại dùng mua sách chuyên môn y dược và sách văn học. Ông không chỉ đọc nhiều mà còn am hiểu các tác phẩm rất sâu sắc, có thể giảng giải kỹ cho bà về các tác phẩm văn học Nga và phương Tây.Điều ấy khiến bà mê ông, mê tác phẩm văn học.
Trong quá trình học phải đi sơ tán, xa chồng, nữ sĩ không chỉ làm thơ sinh viên mà còn là những bài thơ tình yêu dành cho chồng. Nỗi thương nhớ chồng đã trở thành nguồn cảm hứng để bà viết nên những vần thơ lay động trái tim nhiều độc giả. Khi đang học, bà có mang con trai đầu tiên. Vác bụng bầu leo dốc núi, các bạn sinh viên phải đẽo cho bà cây gậy để chống cho an toàn. Khi sinh con được 2 tháng, bà Kim đã đi thực tế tại Bệnh viện Việt-Tiệp (Hải Phòng). Ngăn một chòi tạm bên cạnh khu ở của sinh viên nam cho riêng hai mẹ con, bà phải nhờ một người trông con giúp những lúc lên lớp học. Có những khi con ốm, sốt cao, bà vẫn phải lên lớp làm thí nghiệm. Thí nghiệm làm qua nhiều bước nhưng bà chọn lối làm tắt để nhanh được về nhà với con và cũng được các thầy thông cảm. Tuy vừa phải đi học vừa một mình nuôi con nhỏ vất vả nhưng bà vẫn đạt sinh viên giỏi. Vất vả với việc học, đêm thức trắng chăm sóc con thơ ốm đau, thời gian ngặt nghèo nhưng nữ sĩ vẫn làm thơ - những vần thơ nhớ chồng ở xa, thương con trứng nước đã ghi lại dấu ấn đặc biệt một thời tuổi trẻ gian lao, cực kỳ gian khổ của nữ trí thức trong chiến tranh.
Lương tháng đi học của bà chỉ có 45 đồng, chồng bà có gửi thêm tiền để trả công cho người chăm con lúc bà phải lên lớp. Tùng tiệm hết sức, hai mẹ con mới có thể sống qua ngày, nhưng điều cốt yếu để nuôi sống hai mẹ con bà là niềm hy vọng vào những điều tốt đẹp sẽ đến.
Năm 1971, ra trường, bà về công tác ở Sở Y tế Hải Phòng một thời gian 10 năm. Thời bao cấp chỉ có bo bo, mỳ sợi, sắn tàu thay cơm, vật lộn với cuộc sống khó khăn, bà phải tạm ngừng sáng tác thơ văn. Sơ tán lần hai tại An Lão cách trung tâm Hải Phòng gần 30km, bà lại mang bụng bầu lần nữa. Tuy khó khăn nhưng thời gian đó xã hội còn trong trẻo lắm, không có trộm cắp. Đi sơ tán, cắt cơm bơm xe, bà đèo con thứ nhất đằng sau, bụng bầu con thứ hai, dắt theo người cái rút dép cao su bằng cật tre phòng khi tuột quai dép, lốp xe bó dây cao su những chỗ bị phình, cứ nảy trên đường như nhảy lăm-ba-đa. May mà đạp xe như thế gần ba chục cây, tưng tưng nảy nhưng bà không bị động thai. Khi gần sinh con thứ hai, bà Kim mới được về trung tâm Hải Phòng.
Hết chiến tranh, con cái đã lớn, nữ sĩ Nguyễn Thị Kim có thể tập trung sáng tác thơ văn. Bà đã xuất bản 7 tập thơ, được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Năm 2018, bà tiếp tục tái bản có bổ sung một tập thơ song ngữ haiku “Hương vương chiều tà” - thể thơ đặc trưng độc đáo của Nhật Bản. Hoạt động văn thơ cho bà trẻ lại, sống vui hơn, hạnh phúc hơn.
Tuy nhiên, về hưu và khi đến tuổi xưa nay hiếm, bà Kim cũng bị những căn bệnh về xương khớp. Khi đi lên, đi xuống cầu thang, bà thường bị đau đầu gối, rất khó khăn. Nhiều lúc bà phải quấn băng y tế hai đầu gối mới lê đi được trong đau đớn. Có người bạn khuyên bà nên đi khiêu vũ để tăng cường sức khỏe. Nói đến khiêu vũ cũng khá nhạy cảm nếu người tiếp nhận không đủ thông tin nên nữ sĩ đã hỏi ý kiến chồng. Chồng bà suy nghĩ một hồi rồi phân tích, rằng nếu Kim thích khiêu vũ thì cứ đi bởi đó là một môn thể thao giúp tiêu hao năng lượng, vận động hầu như tất cả các cơ bắp, các khớp... trong cơ thể. Bên cạnh đó, âm nhạc cũng là món ăn tinh thần giúp đầu óc được thoải mái, hưng phấn, giúp ích cho sáng tác của bà.
Thế là từ đó, cứ 5 giờ sáng là hai vợ chồng bà gọi nhau dậy, sửa soạn ra khỏi nhà, tới công viên cách nhà gần 1km, nhập Câu lạc bộ Khiêu vũ Bình Minh. Ông thì đi bộ quanh công viên, bà thì khiêu vũ tại câu lạc bộ. Tính đến nay, qua 5 năm liền khiêu vũ đều đặn hàng ngày, sức khỏe của nữ sĩ Nguyễn Thị Kim tốt lên trông thấy, lớp mỡ dưới da không còn, xương khớp tự bôi trơn, chẳng còn nữa sự trì trệ, chậm chạp. Bà không chỉ nhanh nhẹn hơn, lên xuống cầu thang thoải mái, dáng người gọn lại, bệnh đau xương khớp cũng bay mất. Tinh thần sung mãn. Chân tay mềm dẻo. Mùa đông, dù trời lạnh tới đâu bà vẫn đi khiêu vũ, chỉ có điều sẽ chuyển vào sân khiêu vũ trong nhà.
Gặp nữ sĩ bây giờ, nhìn gương mặt, dáng người nhanh nhẹn của bà, nhất là nụ cười tươi vui luôn nở trên môi, không ai nghĩ rằng bà đã 79 tuổi. Bà kể, bây giờ, dù ở bất cứ đâu, mỗi khi nghe tiếng nhạc là chân tay đã muốn hoạt động, muốn khiêu vũ theo tiếng nhạc, muốn mặc những bộ cánh đẹp, lịch lãm. Những bản nhạc nhảy và vũ điệu đẹp đã trở thành một nguồn năng lượng giúp bà sống khỏe, sáng tác đều đặn, giữ được ngọn lửa đam mê văn chương.