Đi vào “tuyến lửa”
So với những đợt dịch trước, đợt dịch thứ 4 bùng phát tại TP.HCM phức tạp hơn. Số ca bệnh mới được phát hiện tại thành phố đã… “vượt mặt” cả nước. Đỉnh điểm có những ngày thành phố có hơn 70, 80 ca bệnh được công bố. Liên quan đến số ca bệnh được “chỉ điểm”, hàng trăm địa chỉ phải phong tỏa để dập dịch.
Toàn xã hội nói chung và ngành y tế nói riêng được huy động lao vào tâm bão, với quyết tâm chặn đứng làn sóng dịch. Đồng hành trong cuộc này, những phóng viên cũng đã vào cuộc, bám” sát những điểm nóng từng ngày, từng giờ.
Trong cuộc chiến chống dịch, những nữ phóng viên cũng đã vào cuộc, bám” sát những điểm nóng từng ngày, từng giờ.
Từ sáng sớm, Thu Hiến phóng viên Báo Tuổi Trẻ vội vã chạy đến một điểm lấy mẫu tại trường mầm non tại TP. Thủ Đức, nơi phát hiện trường hợp F1 của một ca bệnh COVID-19. Cô đeo hai cái khẩu trang, đứng cách nơi các nhân viên y tế lấy mẫu khoảng 2 mét để tác nghiệp, vừa chụp hình vừa ghi nhận thông tin. Khi đã đủ tư liệu, cô đến chiếc ghế đá cách đó khoảng 5 mét, mở máy tính và sản xuất tin, bài ngay hiện trường. Hoàn tất gửi tin, cô lại xếp máy tính vào balo, thay chiếc khẩu trang mới và vội vã đi đến một khu phong tỏa khác.
Thu Hiến nói: “Việc tác nghiệp ở những khu vực lấy mẫu tập trung, khu cách ly, phong tỏa nguy cơ nhiễm bệnh và mang mầm bệnh về lây nhiễm cho người thân rất cao. Để đảm bảo tin tức thời sự, giúp bạn đọc nắm được thông tin kịp thời, đồng thời hỗ trợ những anh chị đã lập gia đình, tôi và nhiều phóng viên trẻ khác chia nhau tỏa đi các điểm nóng”.
Những ngày qua, tại khu cách ly trung tâm phường Cát Lái, TP Thủ Đức, khu cách ly tập trung Học viện Chính trị khu vực 2, khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM,… hay những bệnh viện có ca dương tính như BV Bệnh nhiệt đới, BV Hoàn Mỹ Sài Gòn, khu khám bệnh số 2, khu chạy thận cho người thuộc đối tượng nguy cơ tại khu vực phong tỏa ở BV Lê Văn Thịnh, BV Điều trị COVID-19 huyện Cần Giờ,… đến từng ngõ hẻm, khu vực bị phong tỏa… đều có bóng dáng của nữ phóng viên Phạm An - Báo Phụ nữ TP.HCM.
Phóng viên Phạm An (Báo Phụ nữ TP.HCM) người đã có kinh nghiệm tác nghiệp dịch COVID-19 trong gần 2 năm qua.
Chị Phạm An cho hay: “Tuy có kinh nghiệm tác nghiệp dịch COVID-19 từ những đợt trước, nhưng hiện tại tình hình dịch bệnh phức tạp hơn nhiều khiến tôi có chút lo lắng, căng thẳng, bởi nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây. Để đảm bảo được tin bài thời sự, ngoài đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, sự cẩn trọng rất cần thiết khi ra hiện trường. May mắn lãnh đạo tại tòa soạn tâm lý. Khi tôi báo đang chạy lấy tin gấp, các anh chị nhắc đi nhắc lại “khi tác nghiệp phải đảm bảo an toàn, giữ giới hạn nhất định”. Điều đó giúp tâm lý của tôi cũng được giải tỏa phần nào”.
Từng khoảnh khắc nghẹn lòng
Nghề phóng viên vốn cực nhọc, nữ phóng viên càng vất vả hơn từ chủ quan lẫn khách quan. Thế nhưng trong bối cảnh dịch bệnh “nóng” lên từng ngày thì cuộc chiến chống dịch trên mặt trận truyền thông không hề phân biệt về giới.
Nghề phóng viên vốn cực nhọc, nữ phóng viên càng vất vả hơn từ chủ quan lẫn khách quan.
Chị An chia sẻ: “Trong tác nghiệp, tôi không quá phân định phóng viên nam hay nữ. Bởi một khi ra hiện trường, chúng tôi đều máu lửa như nhau. Bằng mọi cách luôn phải có thông tin nhanh nhất có thể để sớm truyền tải cho độc giả cập nhật, phòng, chống dịch. Nhất là giải tỏa tâm lý người dân, không được hoang mang trước những ca bệnh tăng nhanh trong thời gian qua”.
Khó khăn của tôi chắc là hơi lùn (cười). Dịch bệnh phức tạp như hiện tại, nhân viên y tế không cho phép phóng viên vào bên trong khu phong tỏa, cách ly tạm thời, nhất là phong tỏa ở hẻm. Có những hẻm quá nhỏ, tôi không có nhiều góc máy, phóng viên lại đông, các anh quay phim của đài truyền hình khá cao và đậm người. Để có hình ảnh nhanh nhất, buộc lòng tôi phải cố gắng chen vào để có những hình ảnh, thông tin kịp thời”.
Chị An kể: “Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, tôi cảm nhận rất rõ nỗ lực, tâm đức của các y, bác sĩ. Để biết “trận đánh” này khắc nghiệt như thế nào, bạn có thể thử nhắm mắt lại và bước thẳng về phía trước. Bạn biết nguy hiểm, vẫn phải bước đi bằng tất cả giác quan của mình. Bác sĩ cũng vậy, là những chiến sĩ tuyến đầu, họ đã hi sinh tình riêng, để lao vào cuộc chiến bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng”.
Tôi từng chứng kiến một em bé gọi cho mẹ là bác sĩ vì quá thèm chị hát ru ngủ. Tôi cũng từng đọc qua những trang nhật ký của một chị điều dưỡng. Lúc dịch chưa quá phức tạp, mỗi sáng chị chăm các bé tại khu cách ly, chiều về đóng cửa tự “nhốt” mình trong phòng để giảm nguy cơ. Chị và con gái tựa lưng vào cánh cửa phòng thủ thỉ đủ thứ chuyện. Day dứt hơn là khi chứng kiến những y, bác sĩ, sau khi chăm sóc bệnh nhân, thì tô bún đã nguội ngắt, ổ bánh mì khô ráp trong bữa ăn muộn…
Tôi viết về những câu chuyện, chỉ muốn độc giả của mình hiểu hơn về ngành y tế nước nhà. Các y, bác sĩ đã cố gắng hơn 200% sức mình, họ lao vào điều trị, phòng, chống dịch ngày đêm để giữ từng phút giây bình yên cho chúng ta.
Tôi mong rằng mỗi người dân chúng ta sẽ là một chiến hào, là hậu phương thật vững để cùng các chiến sĩ tuyến đầu sớm đẩy lùi dịch bệnh. Mỗi người chỉ cần làm tốt phương pháp 5K, hạn chế tối đa đi lại, khai báo cụ thể nhất có thể,... để chiến thắng dịch bệnh. Các chiến sĩ của chúng ta sẽ được sớm trở về với con cái họ. Những người yêu thương của họ đã chờ họ đoàn tụ quá lâu rồi”- Chị Phạm An bày tỏ với niềm tin và hy vọng.
Đại dịch được ví như kẻ thù vô hình. Giữa trận chiến khắc nghiệt này, chỉ có những ai dấn thân, vào cuộc mới có thể thấu hiểu. Với tất cả những phóng viên hiện trường, đằng sau những bản tin, bài viết thời sự là những khoảnh khắc nghẹn lòng. |