Hà Nội

Nữ nhân viên kế toán ngồi nhiều, ít vận động, không ngờ phải chống nạng từ khi còn trẻ

02-12-2019 16:03 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bệnh nhân là nhân viên kế toán thường ngồi nhiều để làm việc, ít vận động, có tình trạng đau nhức, mỏi chân nhiều. Bệnh nhân đã đi khám và sử dụng thuốc nhưng tình trạng không thuyên giảm mà đau nhức hơn.

Bệnh nhân Đỗ Thị Đ. (sinh năm 1974, trú tại Long Biên, Hà Nội) cho biết, hai năm trở lại đây, chân chị bắt đầu có dấu hiệu mỏi, khi di chuyển nhiều thì thấy chùn chân, nhức mỏi chân, bước đi nặng nhọc, đặc biệt là hai khớp gối đã có lúc phải mua nạng để di chuyển, khi cử động thấy tiếng kêu rắc rắc ở khớp gối hai bên.

Tại đơn nguyên Cơ xương khớp, BVĐK Đức Giang, ThS.BS Nguyễn Đình Hiện đã khám và chẩn đoán chị bị thoái hóa khớp gối hai bên giai đoạn 2 và sử dụng phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân 2 khớp gối. Sau 2 ngày điều trị hiện tại tình trạng bệnh nhân đã ổn định và được ra viện.

Bệnh nhân Đ. chia sẻ chị là nhân viên kế toán, công việc hay phải ngồi làm việc lâu, ít vận động nên thường hay mỏi chân, đau vai gáy. Mặc dù đã đi khám và uống thuốc nhưng tình trạng không khá hơn, mà cơn đau nhức vẫn còn. Trước đây mẹ ruột của chị đã từng tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang 2 năm nay có tình trạng ổn định rất tốt, chị quyết định đến bệnh viện để khám và điều trị.

Bác sĩ điều trị thoái hoá khớp cho bệnh nhân.

ThS.BS Nguyễn Đình Hiện cho biết, huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP) là huyết tương sau khi tách chiết từ một lượng máu của chính bệnh nhân có nồng độ tiểu cầu cao gấp 10 lần so với trong máu bình thường. Sở dĩ cần một nồng độ lớn tiểu cầu trong liệu pháp PRP vì khi tiểu cầu được hoạt hóa sẽ dẫn đến quá trình ly giải các hạt α chứa bên trong tiểu cầu, từ đó giải phóng ra nhiều loại protein là các cytokine chống viêm và hàng chục các yếu tố tăng trưởng có vai trò quan trọng đối với quá trình làm lành vết thương.

Các protein trên sẽ gắn vào các thụ thể của các tế bào đích tương ứng như tế bào nguồn gốc trung mô, nguyên bào xương, nguyên bào sợi, tế bào biểu mô, tế bào nội mô… Sự gắn kết này sẽ hoạt hóa một loại protein dẫn truyền tín hiệu nội bào để truyền thông tin tới gen đặc hiệu tương ứng, kết quả là tạo nên sự tăng sinh tế bào, hình thành chất căn bản, các sản phẩm dạng xương, sụn, tổng hợp collagen… tham gia vào quá trình sửa chữa, tái tạo tổ chức tổn thương sụn, xương, phần mềm.

Tiêm huyết tương giầu tiểu cầu tự thân trong điều trị thoái hoá khớp gối có liệu trình điều trị tối đa là tiêm 3 lần, tối thiểu là tiêm 2 lần mỗi lần cách nhau 1 tháng.

Đơn nguyên Cơ xương khớp - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã triển khai tiêm huyết tương giầu tiểu cầu tự thân từ năm 2017. Kết quả điều trị cho thấy có hiệu quả cao trong điều trị thoái hóa khớp gối đặc biệt là thoái hóa khớp gối giai đoạn I, giai đoạn II.

Thoái hóa khớp là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tái tạo và phá hủy sụn khớp và tổ chức xương ở dưới sụn. Giai đoạn đầu xương bị mất nước, dần phá hủy sụn, hậu quả là gây ra đau đớn, cứng khớp, hạn chế đi lại.
Các bệnh liên quan đến xương khớp cũng như cột sống là 1 trong 10 nguyên nhân gây tàn phế. Tại Việt Nam, thống kê chưa đầy đủ thì tỷ lệ người mắc bệnh xương khớp hiện nay vào khoảng 80%.
Các bác sĩ khuyến cáo, với các bệnh nhân thoái hóa khớp nên đi khám và điều trị sớm để đạt kết quả tốt. Bệnh nhân nên tập các môn thể thao như bơi, đạp xe và tập các động tác hạn chế dồn trọng lượng cơ thể lên các khớp. Nếu muốn đi bộ, người bệnh nên đeo băng chun, và cứ mỗi từ 5-10 phút thì nên nghỉ ngơi.


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn