Hà Nội

Nữ lãnh đạo đầu tiên của đất nước chùa Vàng

07-07-2011 08:07 | Quốc tế
google news

Trong xã hội mà người dân chán ngán với các cuộc biểu tình, mệt mỏi với các vụ tranh cãi giữa các đảng phái, người phụ nữ tương lai sẽ trở thành Thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra như mang lại một luồng gió mới, luồng gió của sự “đổi thay”.

Trong xã hội mà người dân chán ngán với các cuộc biểu tình, mệt mỏi với các vụ tranh cãi giữa các đảng phái, người phụ nữ tương lai sẽ trở thành Thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra như mang lại một luồng gió mới, luồng gió của sự “đổi thay”. Đúng như những tuyên bố vận động tranh cử của bà: “Tôi sẽ tận dụng những phẩm chất phụ nữ của mình để làm việc hết sức cho đất nước của chúng ta”.

Từ người phụ nữ kinh doanh
 
Bà Yingluck là con út trong gia đình có 9 người con của ông bà Lert và Yindee Shinawatra. Bà tốt nghiệp khoa học chính trị tại Đại học Chiang Mai năm 1988 và lấy bằng thạc sĩ cùng ngành tại Đại học bang Kentucky (Mỹ) hai năm sau đó. Nữ doanh nhân 44 tuổi này có một cuộc sống riêng tư xa lánh chính trường, dù là em gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Bà Yingluck kết hôn với ông Anusorn Amornchat - Giám đốc điều hành của M Link Asia, một công ty phân phối điện thoại di động. Hai người có một con trai.
 
Vốn chưa một lần chạm tay vào chính trị, ngay từ khi còn trẻ, bà cũng không có ýđịnh tham gia chính trường mà chỉ chuyên tâm vào công việc kinh doanh của công ty gia đình và đã trở thành chủ tịch của Công ty bất động sản SC Assets có trụ sở tại Bangkok. Dù không có kinh nghiệm hay tham vọng về chính trị song có lẽ “số phận” đã chấm bà tham gia vào chính trường. Chính nhờ sự tự tin, sắc sảo trong từng cuộc vận động tranh cử mà bà Yingluck đã đem đến một niềm tin cho người Thái về một sự ổn định lâu dài, một sự hòa hợp dân tộc.
 Bà Yingluck Shinawatra là nhân vật đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông Thái Lan.

Đến tham gia chính trường

Kể từ thời điểm ngày 16/5, người dân Thái Lan cũng như các phương tiện truyền thông đâu đâu cũng nhắc đến tên người phụ nữ này bởi lúc đó bà chính thức được đảng Vì nước Thái cử làm người lãnh đạo đứng ra vận động tranh cử cho đảng của mình. Và cuộc đời người phụ nữ này đã bắt đầu một bước ngoặt mới.

Chỉ trong vòng vài tuần, người dân đã biết tới một chính trị gia khôn ngoan, bản lĩnh, biết sử dụng lợi thế phụ nữ cũng như “mối quan hệ” anh em với cựu Thủ tướng Thaksintrong các chiến dịch tranh cử kêu gọi tầng lớp bình dân và những người trung thành với ông Thaksin ủng hộ. Bà đã đánh thức tâm lý bất ổn trong nhân dân, khát vọng về một cuộc sống ổn định, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, từ “lời hứa” tới việc làm phải còn chờ thời gian kiểm nghiệm bởi kinh tế, xã hội Thái Lan hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Những thách thức đang chờ đợi

Ngay sau chiến thắng vang dội của đảng Vì nước Thái, bà Yingluck đã đứng ra lập Chính phủ liên minh với 4 đảng nhỏ bao gồm Chartthaipattana, Chart Pattana Puea Pandin, Palangchon và Mahachon. Liên minh này chiếm 299 trong số 500 ghế tại Hạ viện. Một con số chắc chắn hơn cho vị trí của bà Yingluck.

Nhiệm vụ đầu tiên và nặng nề nhất của tân Thủ tướng Thái Lan sẽ là hòa giải dân tộc, hàn gắn lại những rạn nứt giữa các đảng phái, các lực lượng từ quân đội tới Chính phủ - Điểm mấu chốt mà người anh trai của bà là cựu Thủ tướng Thaksin đã thất bại và ông đã phải ra đi vì một cuộc đảo chính của quân đội hồi năm 2006. Nhưng bài toán đặt ra cho bà Yingluck có lẽ chính là việc cân nhắc xây dựng một thành phần nội các hài hòa và “hòa giải thực sự” trên cơ sở những đối thủ chính trị trước đây của đảng Vì nước Thái. Điều này sẽ mang lại sự ổn định thực sự cho quốc gia này.

Bên cạnh đó, bà Yingluck cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chính sách dân túy của anh trai, đó là cam kết sẽ tăng lương tối thiểu lên 30%, lên 300 bath (khoảng 10USD/ ngày), tăng cường chăm sóc y tế, cung cấp vốn cho các làng xã phát triển nông thôn, xây dựng mạng lưới tàu cao tốc… Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, việc hiện thực hóa các cam kết này cũng là một bài toán hóc búa kể cả với một người làm kinh doanh như bà Yingluck.

Tờ Bangkok Post cho biết, nếu bà Yingluck làm không tốt vấn đề anh trai mình, đưa cựu Thủ tướng Thaksin trở về nước tại thời điểm này thì rất có thể những bất ổn chính trị sẽ lại trở về. Theo các nhà phân tích chính trị, một kịch bản khác được đưa ra là nếu những kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế không như mong muốn tất cũng sẽ dẫn đến một sự rối ren chính trị trên đất nước chùa Vàng.

BÙI KIỀU (Theo Bangkok Post)


Ý kiến của bạn