Được tôn vinh là nữ hoàng graffiti(tranh tường), họa sĩ 28 tuổi Shamsia Hassani mong muốn chứng tỏ, ngày nay phụ nữ Afghanistan đã có diện mạo mới, mạnh mẽ hơn hẳn quá khứ. Họ đã chấm dứt thân phận “người giúp việc gia đình”.
Shamsia Hassani là giảng viên Khoa Hội họa, Đại học Kabul. Sau giờ lên lớp, nữ giảng viên đại học nỗ lực hiện thực hóa lý thuyết, biến những bức tường đổ nát của thành phố sau chiến tranh trở thành những bức tranh nghệ thuật, thể hiện sáng tác của mình. Tranh tường nhiều màu sắc bắt mắt, gây ấn tượng cực mạnh của Hassani giới thiệu chân dung người phụ nữ mạnh mẽ đồng thời giàu tình cảm. Đó là những hình tượng phần lớn đơn côi, buồn, nhưng tự tin và can đảm, để có thể làm chủ cuộc sống đương đại. Những bức tranh kích thước cả bức tường khổng lồ giới thiệu người phụ nữ xinh đẹp đang biểu diễn trên nhạc cụ dân tộc can đảm đối diện với cuộc sống thực tế từ góc độ và khoảng cách hợp lý. Nhân vật bao giờ cũng xuất hiện với khăn trùm mặt hoặc áo dài dân tộc truyền thống.
Nữ hoàng graffiti Shamsia Hassani thực hiện tác phẩm trên đường phố Kabul.
“Tôi khao khát thể hiện thực tế, ngày nay phụ nữ Afghanistan đã có diện mạo mới, mạnh mẽ hơn hẳn quá khứ. Họ đã chấm dứt thân phận “người giúp việc gia đình”. Đó là người phụ nữ mới, tràn đầy năng lượng, khao khát bắt đầu cuộc sống mới. Nội dung thấy rõ qua nỗ lực sáng tác của tôi. Tôi hy vọng, những tác phẩm của mình hỗ trợ có hiệu quả quá trình biến đổi quan trọng này. Vì thế tôi vẽ chúng trên những bức tường rộng lớn - để mọi người có cái nhìn khác với phụ nữ Afghanistan ngày nay” - Hassani thổ lộ trong bài trả lời phỏng vấn dành cho tạp chí “Art. Radar”.
Những nhân vật do Hassani vẽ gây ấn tượng độc đáo đặc sắc cũng vì lý do: bất chấp hình thức thể hiện thông điệp hiện đại với sức mạnh và tính chính xác cực cao, tất cả người đẹp đều xuất hiện với khăn trùm đầu hoặc trang phục phụ nữ theo đạo Hồi truyền thống. Đơn giản, nữ nghệ sĩ cho rằng, tiến bộ không bắt buộc phủ nhận truyền thống. Hassani tin tưởng, trang phục không phải là vấn đề lớn nhất cũng như quan trọng nhất đối với phụ nữ bộ phận này của thế giới. “Mọi người cho rằng, khi rũ bỏ chiếc khăn trùm mặt, người phụ nữ theo đạo Hồi sẽ được giải phóng, sẽ loại bỏ tất cả phiền toái. Vả lại sự thật không phải như vậy. Phụ nữ ở Afghanistan hiện thời đối mặt nhiều thách thức. Một trong số đó là thiếu khả năng tiếp cận giáo dục - đó là vấn đề quan trọng hơn nhiều so với mảnh khăn trùm mặt”.
Khác châu Âu và châu Mỹ, vẽ tranh tường ở Afghanistan không phải hành vi phạm luật. Có thể cho đến nay, với đất nước nam Á này, graffiti vẫn là loại hình nghệ thuật xa lạ. Năm 2010, khi còn là sinh viên đồ họa, Shamsia Hassani tham gia trại sáng tác tranh tường do chương trình ComBat Commucations tổ chức. Đó là lần đầu nữ nghệ sĩ trẻ biết đến sự tồn tại của loại hình nghệ thuật này. Trại sáng tác được nghệ sĩ graffiti nổi tiếng thế giới người Anh mang biệt danh “Chu” trực tiếp giảng bài và hướng dẫn thực tập. Chính “Chu” đã giúp Hassani làm quen với nghệ thuật sử dụng chất liệu sơn màu bình xịt và làm chủ kỹ thuật vẽ tranh khổ lớn trên diện tích mặt tường.
(Nguồn: Graffiti ma nową królową. Shamsia Hassani ma 28 lat i mieszka w Kabulu)