Nữ hoàng điện ảnh Greta Garbo - Một huyền thoại

03-03-2013 01:16 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nữ diễn viên Thụy Điển (sau vào quốc tịch Mỹ) Greta Garbo mất đã hơn hai chục năm, nhưng vẫn được coi là một nữ hoàng của điện ảnh thế giới. Sự đánh giá này thể hiện rõ qua các từ điển phổ thông trên thế giới.

Nữ diễn viên Thụy Điển (sau vào quốc tịch Mỹ) Greta Garbo mất đã hơn hai chục năm, nhưng vẫn được coi là một nữ hoàng của điện ảnh thế giới. Sự đánh giá này thể hiện rõ qua các từ điển phổ thông trên thế giới. Theo từ điển Đức Brockhaus, Garbo là hiện thân cái đẹp bí hiểm của phụ nữ. Cuốn tân Từ điển bách khoa thế kỷ 20 Hutchinson của Anh cho Garbo là một nhân cách lớn hơn là một nghệ sĩ lớn, Garbo đã thành một huyền thoại. Một từ điển Pháp thì nhận định: “Do đôi mắt mê hồn, thái độ thuần khiết và cao sang, tính chất biểu diễn tinh túy, Garbo đã chiếm được sự ngưỡng mộ của công chúng”.

Garbo đã chinh phục được cả Hitle, kẻ có ý đồ chinh phục thế giới. Garbo đã từng nói muốn tự tay được đâm chết tên trùm phát xít. Vậy mà Hitle lại dành cho Garbo một ưu ái đặc biệt. Y đã từng khóc khi xem đoạn kết phim Tiểu thuyết của Marguerite Gautier. Y căm thù Do Thái mà lại cho phép chiếu ở Đức phim của đạo diễn G.Cuker, người gốc Do Thái. Ở Việt Nam, khán giả điện ảnh hiểu biết những năm 30 thế kỷ trước đều phục tài Garbo. Xin kể lại một kỷ niệm về phim của Garbo.

Tôi nhớ lại hình ảnh Greta Garbo trong bộ phim Mỹ Anna Karenina (dựa theo tiểu thuyết của L.Tolstoi) xem ở rạp chiếu bóng phố Tràng Tiền hồi còn là học sinh trường Bưởi: Tiếng tàu hỏa chạy hết tốc độ, bánh tàu lăn xầm xập như một định mệnh… tương phản với vẻ mặt xa vắng của một thiếu    phụ, nàng đẹp kiêu kỳ và bí ẩn, đôi mắt sâu như vô tận. Còn phim Tiểu thuyết của M. Gautier dựa vào truyện Trà hoa nữ do Garbo đóng vai chính cũng gây một âm hưởng phù hợp với không khí lãng mạn kiểu Nửa chừng xuân, Đời mưa gió hồi đó (tiểu thuyết thời Tự lực văn đoàn).

G. Garbo sinh năm 1905, là con thứ ba một gia đình công nhân nghèo, phải bỏ học để làm nhân viên bán mũ. Nhờ có khuôn mặt đẹp, khuôn mặt mà một đạo diễn Đức cho là “người ta chỉ thấy xuất hiện một lần trong một hay hai       thế kỷ”, cô được thuê làm người mẫu chụp ảnh quảng cáo. Nhờ những bức ảnh đó, năm 17 tuổi, cô được đóng vai phụ trong một phim khôi hài. Cô quyết tâm trở thành diễn viên và theo học một lớp đào tạo nghệ sĩ sân khấu. Một đạo diễn Thụy Điển nổi tiếng M. Stiller để ý đến cô, mạnh dạn giao cho cô thủ vai một tiểu thư đài các yêu một mục sư phá giới. Rồi G. Garbo sang Mỹ, bước vào guồng máy điện ảnh Hollywood với phim Suối chảy xiết (1926) và nhanh chóng được công nhận là “Nữ hoàng điện ảnh”, tượng trưng cho người phụ nữ “tai ương”, nhan sắc huyền ảo, tâm tính khó hiểu, tác động như một định mệnh dẫn người tình đến tội lỗi và hủy hoại. Trong 16 năm làm việc với Hãng MGM, lương của cô tăng từ 400 đô-la mỗi tuần lên 30 vạn đô-la mỗi phim. Garbo đã đóng vai chính trong 24 bộ phim. Cô đã dễ dàng chuyển từ phim câm sang phim nói. Khi thấy tiền lời mà Hãng MGM thu được bằng phim của mình đóng kém đi, Garbo nhận đóng thử một vai phóng túng, dĩ chí khôi hài, trong Ninotchka (1939), lần đầu tiên cô không còn là người phụ nữ lạnh lùng, đài các nữa. Phim được hoan nghênh, nhất là đám khán giả “phái hữu” vì phim có chút hơi hướng chống cộng: kể chuyện một cô chính ủy Liên Xô rất khắt khe bỗng say mê một nhà quý tộc khi đi công tác nước ngoài. Garbo định tiếp tục khuynh hướng hài, nhưng phim Người đàn bà hai mặt thất bại. Từ đó, Garbo rút ra khỏi điện ảnh, khi mới 36 tuổi. Cho đến khi qua đời (1990), không bao giờ bà đóng phim nữa. Trái với các minh tinh đều thích tự quảng cáo, Garbo ngay trong thời kỳ hoạt động nghệ thuật đã tránh gặp những nhà báo, những người hâm mộ.

Trong ba chục năm sau đó, bà ở ẩn ngay giữa New York, không tiếp ai, chỉ giao du với một số người thân. Hễ ra đường là bà đeo kính to, mặc áo rộng bẻ cổ cao lên, như để trá hình. Mặc dầu vậy, hào quang của Garbo vẫn cứ tồn tại. Năm 1950, trong một cuộc thăm dò dư luận, phương Tây đã đánh giá Garbo là diễn viên tài năng xuất sắc nhất nửa đầu thế kỷ 20.

Dư luận nêu ra câu hỏi: Phải chăng Garbo biết chọn lúc rút lui để giữ lại trong tâm trí khán giả huyền thoại đẹp đẽ về mình? Phải chăng Garbo muốn giữ tự do, về  mặt nghề nghiệp cũng như gia đình? Bà đã từng tâm sự: “Tôi không muốn lấy chồng, bởi không muốn phụ thuộc  sự có mặt thường xuyên  của một người khác”.

Đây là lý do cơ bản! Tôi từng ở Thụy Điển một thời gian, được chứng kiến tính độc lập và tự chủ cá nhân của người Thụy Điển, một truyền thống lâu đời. Dù sao, với sắc đẹp lạ lùng, tài năng độc đáo, cuộc sống ngoài vòng dư luận, Greta Garbo sẽ mãi là một huyền thoại có một không hai trong lịch sử điện ảnh thế giới, một hiện tượng xã hội học lý thú. 

  Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn