Hà Nội

Nữ hoàng chân đất và trái tim “vàng mười”

24-02-2015 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Khi một mình cán đích đường chạy marathon tại giải điền kinh Ðại hội TDTT toàn quốc 2014, cô gái nhỏ bé quê Quảng Ngãi run lên bần bật, muốn khóc mà không nổi.

Khi một mình cán đích đường chạy marathon tại giải điền kinh Ðại hội TDTT toàn quốc 2014, cô gái nhỏ bé quê Quảng Ngãi run lên bần bật, muốn khóc mà không nổi. Tấm huy chương quý hơn vàng ròng cuối cùng trong sự nghiệp này cũng đã khép lại hành trình vượt khó kỳ diệu của ngôi sao có biệt danh “Nữ hoàng chân đất”.

Ðủ sức chạy thêm.... hàng tiếng nữa

Cuộc đấu của Bình trên đường chạy marathon giải điền kinh Đại hội TDTT  2014 vào buổi sáng ngày 13/12 thuộc diện  li kỳ  bậc nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam bởi nhận được sự quan tâm vô cùng đặc biệt. Các lãnh đạo ngành thể thao, rồi tất cả các thành viên Ban tổ chức, giám sát, trọng tài đều dõi theo sát sao từng bước chạy của chị để sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra. Có tới 2 xe y tế với đội ngũ bác sĩ và trang thiết bị dụng cụ, thuốc men đầy đủ được huy động, tiếng là phục vụ cả giải, song thực tế là để dành riêng cho Bình. Trong đó, có một chiếc liên tục di chuyển theo Bình suốt hành trình dài. Và khi Bình về đích hoàn toàn bình thường, tất cả mới có thể thở phào.

Với sự tự tin cùng quyết tâm cao độ, quan trọng hơn là với một tình trạng thể lực đầy sung mãn, chị đã lập tức vượt lên dẫn đầu đoàn đua.

Vị trí số 1 được “Nữ hoàng chân đất” này duy trì từ đầu đến cuối trên đường đua 42,195km khốc liệt nhất ở môn điền kinh với khoảng cách ngày một xa so với các đối thủ. Chính xác, chưa cần bung hết sức, chị cũng đã có thể cho người về nhì “ngửi khói” tới gần 4 phút.

Thậm chí, lúc Bình về đích sau 2 giờ 48 phút tranh tài, sắc mặt của chị vẫn lạnh băng, hơi thở giống như của một người vừa đi bộ nhẹ nhàng, không có bất cứ dấu hiệu nào của sự mệt mỏi. Và dĩ nhiên, trái tim từng trải qua một lần phẫu thuật vẫn xứng danh trái tim việt dã. Thậm chí, có cảm giác chị còn có thể chạy “khuyến mại” thêm cả tiếng nữa cũng chẳng hề hấn gì.

Qua 8 chữ ký mới được vào sân

Để có thể vào sân, Bình đã phải trải qua một hành trình thủ tục với 8 chữ ký cam đoan và đảm bảo: của bản thân, chồng, HLV trực tiếp, lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Quảng Ngãi, lãnh đạo Sở VH,TT&DL Quảng Ngãi, Bệnh viện Bạch Mai, BTC giải điền kinh, Ban Tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc 2014. Đặc biệt là cuộc kiểm tra chuyên biệt tại Bệnh viện Bạch Mai, do các chuyên gia đầu ngành thực hiện đã khẳng định Bình đủ sức khoẻ để luyện tập, thi đấu.

Suốt 2 tuần Bình lo lắng gần như không tập luyện được gì. Cũng may, nữ tuyển thủ con nhà nghèo ở vùng quê gian khó đã trải qua quá nhiều thử thách nên có thể trụ vững. Và quan trọng hơn, chị đã luôn có thầy Nhân và ông xã Đại quá hiểu và tin tưởng, động viên, khích lệ. Bình bảo, chỉ cần một trong hai người can một câu, chị sẽ lập tức rời giải về quê ngay.

Cô gái mang trái tim dị tật bẩm sinh làm điều không tưởng

Sinh năm 1990 ở một vùng quê nghèo xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, Bình đến với thể thao hết sức ngẫu nhiên, được phát hiện khi dự giải Phù Đổng cấp huyện. Sự nhanh nhẹn và dẻo dai trên đường chạy có gì đó rất tiềm năng và khác biệt của Bình đã may mắn lọt vào mắt xanh của các thầy đang đi tuyển quân. Cô học trò cấp 2 được đặc cách tuyển vào lớp năng khiếu của tỉnh.

Lên tỉnh tập huấn xa nhà, vất vả thiếu thốn đủ thứ, nhất là với một nơi điều kiện muôn vàn khó khăn như thể thao Quảng Ngãi song Bình đam mê lắm, luôn nỗ lực vượt qua tất cả để có thể tập luyện thật tốt. Bước ngoặt đối với Bình chính là khi chuyên sâu với cự ly dài. Dường như chạm đúng vào sở trường bền bỉ, Bình liên tục tiến bộ, rõ rệt qua từng tháng, khiến cho ngay cả các thầy cũng ngạc nhiên với niềm tự hào và kỳ vọng lớn, đơn giản vì biết chắc rằng đây chính là một “viên ngọc thô” thực sự.

Qua nhiều năm chinh phục các cuộc đấu trẻ toàn quốc, đến 2009, chị đã dự tranh giải VĐQG đầu tiên của mình, rồi lập tức xuất sắc đoạt ngay tấm Huy chương Bạc làm sửng sốt giới chuyên môn. Sự nghiệp của Bình đã sang trang mới, chỉ có điều sau đó, một biến cố cuộc đời đã xảy đến trong một lần kiểm tra sức khỏe, chị có những biểu hiện của bệnh tim.

Mọi thứ tưởng như sụp đổ, bởi 2 lẽ: thứ nhất, nhà quá nghèo, lấy đâu ra mấy chục triệu đồng để phẫu thuật  tim; thứ 2, kể cả thành công rồi khả năng chơi thể thao đỉnh cao gần như không có.

Vậy mà chẳng thể tưởng tượng nổi, nhờ cơ địa, ý chí và cả may mắn, Phạm Thị Bình đã vượt qua được những khe cửa tưởng như quá hẹp ấy.

Trong lúc cả nhà đang chạy vạy đủ kiểu mà không nổi thì một tổ chức từ thiện của Quảng Ngãi đã nhận tài trợ toàn bộ kinh phí để đưa chị ra Hà Nội phẫu thuật tim. Ca can thiệp tim đặc biệt do bác sĩ đầu ngành Nguyễn Lân Hiếu thực hiện đã có kết quả mỹ mãn. Còn phi thường hơn vì chỉ sau một thời gian ngắn, Bình đã hoàn toàn hồi phục, qua mấy lần kiểm tra thì tim mạch và sức khỏe chung của cô gái đất Quảng còn tốt hơn trước nhiều. Kết luận cuối cùng, Bình vẫn đảm bảo tập luyện thi đấu thể thao.

Tưởng như một “cú sốc” đầy bi kịch mà hóa ra đó lại trở thành một “cú hích” ngoạn mục, Bình mừng như vừa được tái sinh, lại lao vào tập và tập miệt mài. Để rồi phần thưởng xứng đáng cho chị là một ngôi vị cao tại Giải vô địch Quốc gia cùng 1 suất  tuyển thủ QG. Và cho đến khi giải nghệ, chỉ trong đúng 3 năm, tài năng có trái tim đặc biệt ấy đã có một bộ sưu tập thành tích “khủng” với gần 50 huy chương các loại, trong đó nổi bật nhất là 1 tấm HCB châu Á và 1 HCV SEA Games đều mang tính lịch sử với thể thao Việt Nam.    

Chuyên gia chạy... chân đất

Tại SEA Games 2013, khi Phạm Thị Bình xuất sắc đoạt HCV, nhiều người đã bày tỏ sự kinh ngạc, thậm chí bất bình vì sao ngành thể thao lại để tuyển thủ hàng đầu của mình “khổ” đến mức phải chạy… chân trần. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác. Chẳng phải Bình thiếu giày, mà còn có giày chạy chuyên dụng hẳn hoi, song chị không dùng. Theo chị, cũng như đàn chị Phạm Thị Hiên, tuyển thủ này đã quá quen như vậy khi tập luyện và cảm thấy thoải mái nhất, cũng không chịu ảnh hưởng gì. Còn bây giờ, ngược lại, nếu như đeo đôi giày chuyên dụng vào, chắc hẳn khả năng tranh tài và thành tích của Bình sẽ bị giảm đáng kể, đơn giản bởi rất mất… tự nhiên.

Chuyện chạy… chân đất của Bình một phần nữa còn xuất phát từ đặc điểm đôi bàn chân việt dã hiếm có này rất mỏng da, rất khó chịu và bất lợi khi đeo giày. Vì vậy, Bình đã sớm quen và tìm cách thích nghi tối đa với thực tế chạy không giày. Chưa kể, do là con nhà nông nên từ bé, Bình cũng đã quá quen thuộc với việc đi lại bằng chân trần.

Xuyến Chi

 

 


Ý kiến của bạn