Hà Nội

Nữ họa sĩ Quỳnh Mây: Bình yên từ trong tâm hồn

20-12-2015 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Wake up call (tiếng gọi thức tỉnh) là tên tiếng Anh mà triển lãm tranh “Những khoảnh khắc bình yên” nữ họa sĩ Quỳnh Mây (Nguyễn Như Quỳnh) vừa giới thiệu tới công chúng cuối tháng 11.

Wake up call (tiếng gọi thức tỉnh) là tên tiếng Anh mà triển lãm tranh “Những khoảnh khắc bình yên” nữ họa sĩ Quỳnh Mây (Nguyễn Như Quỳnh) vừa giới thiệu tới công chúng cuối tháng 11. 18 bức tranh là 18 khoảnh khắc thiên nhiên được chị vẽ bằng tất cả sự rung động và ngập tràn xúc cảm bởi thiên nhiên bao dung đã mang lại cho chị sự bình yên từ chính tâm hồn.

Họa sĩ Quỳnh Mây.

“5 giờ sáng chủ nhật” là câu chuyện kể giản dị và xúc động của họa sĩ Quỳnh Mây khi chị đi tìm những khoảnh khắc thiên nhiên trong lòng thành phố. “5 giờ sáng chủ nhật, khi con còn đang ngủ, không phải lo đưa chúng đi học, không phải lo chúng thức giấc một mình bởi có ông bà chăm sóc, tôi bắt đầu tìm đến những nơi đem lại cảm giác bình yên cho mình. Chẳng hạn vào công viên ngồi ngắm hoa, nhìn hai con ếch ngủ trong một hốc cây, hoặc có những hôm đi xe xuống tận vườn hoa Tây Tựu, lặng lẽ ngồi giữa những luống hoa ấy”. Hà Nội mùa đông cây bàng rụng lá “tôi đi dạo trên những con đường, thành phố thức dậy mờ sương, những tiếng rao nho nhỏ, những tiếng động xếp hàng, đi chợ của một ngày bắt đầu...”. Chị đã đến với thiên nhiên như thế, khi trong lòng chưa hết nỗi buồn từ sâu thẳm, chưa hết những lo nghĩ, mệt mỏi băn khoăn.

Thiên nhiên diệu kỳ như một người mẹ ân cần, lặng lẽ đã an ủi được tâm hồn chị khiến chị nhận ra rằng những hạnh phúc giản dị vẫn luôn có xung quanh ta, và rằng “cuộc đời này ngắn lắm, thời gian để vui còn không đủ cho nên đừng mất thời gian để buồn” như bạn chị từng nói. Và rồi chính thiên nhiên truyền cảm hứng cho chị, để từ đó chị truyền được cảm hứng, truyền tư tưởng cho học trò trong lớp dạy vẽ của mình. Có lần một bạn học sinh lớp 5 đứng lên thuyết trình về bức tranh em vẽ, bạn nói rằng: Thưa các bạn tôi vẽ về cuộc sống, cái nền tranh của bạn đen thui, bạn bảo rằng, cái nền đen là vì cuộc sống đen tối. Trên cái nền đấy bạn vẽ những đường tím loằng ngoằng, bạn nói rằng cuộc sống thì rắc rối. Và trên cùng bức tranh, bạn búng những đốm đỏ, bạn ấy nói cuộc sống thì nhiều tội ác. Một cuộc sống đầy áp lực với một đứa trẻ 10 tuổi, khi hàng ngày em được nghe những câu chuyện nhức đầu của người lớn, liên tục được cha mẹ dặn dò: đừng ăn đồ linh tinh vì dễ ngộ độc, đừng quá tin người vì sẽ bị lừa gạt, ra đường phải cẩn thận không sẽ bị bắt cóc...

Vậy thì cuộc sống có thực sự quá đen tối như bức vẽ của em không? Cô giáo Mây đã trả lời cho em, cho chính mình bằng việc cầm lại bút vẽ sau nhiều năm bỏ dở. 18 bức tranh chủ đề thiên nhiên được vẽ trong 3 năm trở lại đây đã làm thành triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của chị - khi đã ở ngưỡng tuổi 40.

Thiên nhiên của chị giản dị như chính tên gọi của những bức vẽ, là Bình yên, Được mùa, là Đông, Chớm xuân, Xuân, là Mùa lá rụng, Hửng nắng, là Thu, là Vươn lên... với cánh đồng lúa, với cây nấm, lá phượng và lá sấu, với hoa súng, hoa xấu hổ, với ngọn dây leo xanh vươn lên...

Lấy cảm hứng từ chính thực tại, nhưng thiên nhiên trong tranh của Quỳnh Mây không phải là sự sao chép y nguyên cuộc sống, nó hiện lên đủ đầy sức sống và giới tính qua lăng kính cảm xúc và ấn tượng đọng lại trong chị. Đó là sự hân hoan của một hồ súng với làn nước hồng ngập đầy nắng, sự nở xòe của một bông xấu hổ, cái đậu lại đầy thú vị của chú chuồn ớt trên hai quả bằng lăng, cái bay đến của chú bướm nơi một nụ hoa mướp đang lớn lên chờ thành quả, sự vươn lên đầy kiêu hãnh của một ngọn dây leo giữa bầu trời sau cơn bão. Kế đó là những khoảnh khắc thực sự yên bình: màu của nắng sớm trên đồng lúa - những cánh đồng lúa chín rạo rực êm đềm. Thậm chí cây bàng mùa đông trong tranh hay những cây nấm trắng mọc lên từ đá xám cũng tiềm tàng đầy sự sống của sự chuyển mình thức giấc...

Tranh của Quỳnh Mây.

Tùy từng sắc thái cảm xúc khác nhau mà Quỳnh Mây vẽ nhanh hay chậm, có bức chị chỉ vẽ với 30 phút như bức Được mùa 1 nhưng có những bức hoàn thành được phải mất đến 3 năm như bức Đông. Chớm xuân và Chuồn chuồn ớt vẽ chú chuồn ớt đậu trên quả bằng lăng là hai trong số những bức vẽ được chị đầu tư kỹ lưỡng từ lúc lên ý tưởng, lựa chọn phác thảo, chọn loại quả thể hiện, đến khi hoàn chỉnh phải mất 1 năm; trong khi đó bức Hửng nắng với hình ảnh hồ súng rực rỡ sau một trận mưa chị hoàn tất sau 24 giờ đồng hồ đứng vẽ liền không ngừng nghỉ... Dù nhanh hay chậm, ào ạt hay âm thầm, dù lựa chọn chất liệu acrylic hay sơn dầu, dù bút pháp mỗi bức vẽ có sự khác nhau thì tất cả đều là những cảm xúc thực của chị, là con người, là sức sống, là một góc tâm hồn mà chị gửi gắm.

Quỳnh Mây thiên vẽ những bức tranh có kích thước lớn, ngoài hai bức Được mùa 1, Bình yên kích thước vừa phải 40x 60 (cm), các bức còn lại chị chọn cỡ lớn 80x80 (cm), 80x160 (cm) hoặc 100x100 (cm), 150x150 (cm) để thể hiện. Chị chia sẻ rằng, những tranh lớn cho chị cảm giác thỏa sức vẽ và dễ bay bổng hơn. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là những bức tranh lớn không yêu cầu sự tỉ mỉ, chẳng hạn bức Chuồn chuồn ớt thì cần phải vẽ kỹ để gợi được ánh mắt hân hoan của nó, hay phải chăm chút nét vẽ trên từng bông hoa súng để cùng gợi lên màu nắng rạng rỡ của hoa và màu của mặt nước. Lời khuyên của chị dành cho những người xem tranh: hãy đứng đủ xa để bao quát bức tranh, khi đó những nét bút tưởng thô ráp ở một điểm nhìn quá gần lại chứa đựng một sức sống đầy duyên dáng và mãnh liệt.

Trở về với thiên nhiên, có lẽ đó cũng là cách để Quỳnh Mây tìm lại giấc mơ màu sắc dang dở thời thơ ấu và tìm về những khoảnh khắc bình yên cũng là để đánh thức những khao khát trong trái tim, mở mắt những khát vọng, cất lên tiếng nói sâu thẳm của chính lòng mình. Chúng ta không nhìn thấy bầu trời, hồ súng và màu bùn đất ảm đạm trước một cơn mưa, chúng ta không nhìn thấy những cỏ cây đổ rạp giập nát sau một cơn bão, nhưng có lẽ chị đã nhìn thấy chúng trước khi vẽ, để cuối cùng dâng lên một hồ súng hồng rực rỡ cùng một ngọn dây leo xanh kiên cường vươn vút lên bầu trời. Chúng ta không biết khi nào thì hồ súng úa tàn, lúc nào ngọn dây leo sẽ ngã xuống khi không còn chỗ để leo lên nữa, cũng như không đoán được nàng bướm có mang tới phấn hoa khi nụ mướp nở ra để đậu thành quả, chú chuồn ớt có còn hoan hỉ khi đã chạm xong vào những quả bằng lăng khô... nhưng chúng ta cảm nhận được những khoảnh khắc đẹp đẽ hiện hữu trong tranh. Những khoảnh khắc bình yên đã chữa lành vết thương, cho chị yêu lại cuộc sống, chị đã vẽ cho tình yêu ấy và “mong muốn những người xem tranh cũng có thêm được những niềm vui, hạnh phúc cho mình”.

Họa sĩ Quỳnh Mây

Tên thật: Nguyễn Như Quỳnh

Sinh năm: 1974

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp, năm 1997

Bắt đầu vẽ tranh từ năm 3 tuổi

5 tuổi có tranh trưng bày ở triển lãm tranh thiếu nhi Thủ đô

Giành nhiều giải và huy chương (Vàng, Bạc) trong các cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi trong nước và quốc tế: Giải Shanka Ấn Độ, giải Lidixe Tiệp Khắc, giải Fao, giải “Để mãi mãi màu xanh”...

Hòa An
Ý kiến của bạn