Giải thưởng cao quý
Chị là một cán bộ hộ sinh làm việc tại Phòng khám đa khoa Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, người phụ nữ Việt Nam duy nhất được vinh dự nhận giải thưởng cao quý Cán bộ hộ sinh xuất sắc quốc tế năm 2016 do Hội đồng Cán bộ hộ sinh Quốc tế (COINN) và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) thực hiện nhằm tôn vinh và khuyến khích nỗ lực của cán bộ hộ sinh tại các nước thu nhập thấp hoặc trung bình. Giải thưởng này ghi nhận sự cam kết và cống hiến của cán bộ hộ sinh làm việc trong những điều kiện khó khăn, đặc biệt tại các nước có tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và bà mẹ cao.
Bà Karen New, Chủ tịch Hội đồng Cán bộ hộ sinh Quốc tế (COINN) (trái) và bà Mary Kinney, đại diện Save the Children, trao giải thưởng cho nữ hộ sinh Nguyễn Thị Minh Hồng (phải). Ảnh: COINN
Năm nay, giải thưởng được trao cho chị Hồng và cán bộ hộ sinh Adeyemo Abass Kola của Nigeria. Chị và ông Kola được lựa chọn từ nhiều ứng viên của 14 nước trên thế giới. “Với niềm đam mê công việc của mình, bà Hồng và ông Kola đã truyền cảm hứng cho chúng tôi. Nếu các cán bộ hộ sinh được hỗ trợ, đào tạo và được cung cấp các loại thiết bị tốt hơn, chúng ta có thể giúp cho nhiều trẻ sơ sinh có cơ hội sống và có một khởi đầu khỏe mạnh hơn, dù sinh ra ở đâu” bà Carole Kenner, Tổng Giám đốc Hội đồng Cán bộ hộ sinh Quốc tế, phát biểu.
Trước mặt tôi là người phụ nữ nhỏ bé và xinh xắn Nguyễn Thị Minh Hồng. Chị vừa từ Canada trở về. Niềm vui, niềm tự hào vẫn còn trào dâng trong chị. Chị khoe sau khi nhận giải thưởng mọi người biết được đều nhắn tin, gọi điện chúc mừng. Mấy ngày qua chị cứ trả lời và phúc đáp các tin nhắn, điện thoại từ người hâm mộ suốt. Điều chị ấn tượng nhất trong chuyến đi này chính là lúc ông đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF bước lên sân khấu chúc mừng chị. Ông đã quỳ xuống đặt hai ngón tay trỏ và ngón giữa lên mũi giày chị đang đi rồi đưa lên môi của mình. Hành động của ông đã khiến chị tuôn trào lệ vì xúc động. Ông đã biểu lộ niềm khâm phục của mình trước chị, một người phụ nữ Việt Nam bé nhỏ, xinh đẹp, tràn đầy nghị lực.
Chị kể lại không hiểu vì sao mà ngay từ lúc lên 5, 6 tuổi, chị đã mơ ước sau này được theo đuổi nghề y. Lớn lên chị quyết tâm thi vào Trường đại học Y nhưng vì không đủ điểm nên chị học trung cấp. Năm 1982, ra trường, theo sự phân công, chị nhận công tác tại Trạm Tấu, Yên Bái. Khi mới nhận công tác, suốt một tháng đầu tiên chị toàn khóc vì trạm nằm giữa bản cheo leo, người dân toàn nói tiếng dân tộc khiến chị không thể giao tiếp được với họ. Sau đó chị Hồng quyết tâm học tiếng dân tộc. Chị tìm đến ở cùng nhà của thư ký Ủy ban xã là người Mông nhưng biết tiếng Kinh, cùng ăn, cùng ở, cùng lên nương, cùng chăm lợn, gà... Vì thế chỉ sau một tháng chị đã có thể trao đổi với người Mông bằng tiếng của họ. Nhờ giao tiếp được với người dân, chị có thể hiểu được họ, hiểu được phong tục tập quán nơi đây. Chị nhớ lại khi mới làm ở Trạm Tấu, người dân lúc bị ốm toàn cúng ma chứ không tìm đến nhân viên y tế, đến trạm xá để chữa bệnh. Họ thường đến trạm vào sáng sớm hoặc tối muộn vì ban ngày họ lên nương, mang theo cả cơm trưa đến tối mới về. Vì vậy chị chỉ có thể gặp gỡ, tiếp xúc với họ vào sáng sớm hoặc tối muộn. Vì trạm ít người, nhiều khi bác sĩ, y tá không có ở trạm nên cho đến tận bây giờ công việc của chị không chỉ chăm sóc sức khỏe sinh sản mà chị còn phải làm tất các công việc thay thế họ khi họ đi vắng. Đó là đặc thù công việc ở những trạm y tế vùng cao như Trạm Tấu.
Tại Việt Nam, chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh đã cải thiện đáng kể trong những năm qua. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh giữa các vùng miền và giữa các nhóm dân tộc có sự chênh lệch đáng kể. Năm 2014, tỷ lệ tử vong của nhóm trẻ dưới 1 tháng tuổi trong cộng đồng dân tộc thiểu số cao gấp hơn 3 lần so với tỷ lệ tử vong ở trẻ em người Kinh cùng nhóm tuổi, theo báo cáo Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ năm 2014.
Chị Hồng hướng dẫn bà mẹ cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Ảnh: Bùi Việt Hưng
Trạm Tấu là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, trong đó trên 90% dân số là người dân tộc thiểu số. Khảo sát do Save the Children thực hiện vào năm 2014 tại 6 xã trên địa bàn huyện Trạm Tấu cho thấy có tới 91% trường hợp bà mẹ sinh con tại nhà mà không có sự trợ giúp của người đỡ đẻ có kỹ năng. Trong khi đó, trung bình trong cả nước, 94% bà mẹ sinh con tại nhà có sự trợ giúp của người đỡ đẻ có kỹ năng.
Trong 34 năm làm nữ hộ sinh, chị cũng gặp rất nhiều ca làm chị nhớ mãi, những ca đặc biệt như ngôi ngược, ngôi mặt, thai đôi... Nhưng có lẽ ca mà chị ấn tượng nhất đó là một ngày rét mướt, trời đã tối muộn khi chị đang chuẩn bị về thì có một người đàn ông dân tộc đến tìm chị và nhờ chị đỡ đẻ cho vợ anh tại nhà. Chị và người đàn ông đã đi bộ hơn 4 cây số về đến nhà anh. Sau khi thăm khám, chị nói vợ anh sẽ đẻ cho anh hai đứa con. Anh đã không tin lời chị. Chị dặn anh chuẩn bị cho chị hai bộ quần áo sơ sinh (khi đó nhà anh nghèo lắm, chẳng có quần áo sơ sinh mà lấy khăn đội đầu để quấn cho trẻ). Chị còn dặn thêm anh chuẩn bị kéo và panh luộc chín kỹ, lấy 2 sợi chỉ luộc lên để buộc rốn. Chị Hồng đỡ một cháu ra đưa cho anh rồi nói với anh chuẩn bị đón một em bé nữa chào đời. Người đàn ông đã không tin vào mắt mình khi thấy chị đỡ một em bé nữa và đưa cho anh. Anh kêu lên vừa sung sướng, vừa ngỡ ngàng vừa thán phục “cô Hồng giỏi quá, cô Hồng giỏi quá”. Sau này một trong hai em bé mà chị đỡ năm nào là đồng nghiệp của chị. Đến nay hai vợ chồng gặp chị ở trạm vẫn nói: “Cô Hồng làm y tế lâu rồi, cô Hồng giỏi lắm”...
Không chỉ vượt qua khó khăn về ngôn ngữ, phong tục tập quán mà ngay cả đường xá đi lại hàng ngày ở một huyện nghèo nhất nước cũng là thử thách đối với chị. Mỗi ngày chị vượt qua 23km đường núi quanh co để đi làm. Trạm Tấu là vùng có khí hậu khá khắc nghiệt - mùa hè nóng, mưa nhiều gây sạt đường và lũ ống. Mùa đông rét đậm, có khi rét hại, sương muối và mù. Công việc nữ hộ sinh tại vùng núi gặp nhiều khó khăn. Địa hình tại đây phức tạp, nên bệnh nhân rất vất vả mới đến được phòng khám và cán bộ cũng vậy khi thăm khám cho các bệnh nhân, dù đi xe máy hay đi bộ. Trước đây khi chưa có xe máy, chị và các đồng nghiệp đi bộ 10km đường núi đến các bản để khám cho trẻ sơ sinh và tiêm phòng cho các cháu.
Vì làm việc ở đây nên khi các con chị còn nhỏ chị phải gửi nhờ mẹ và em ruột ở thị trấn Nghĩa Lộ trông giúp. Có những lúc con ốm chị đã lặn lội hơn chục cây số đường núi quanh co để về với con. Chồng chị là bộ đội giải ngũ nhưng vì lý do sức khỏe yếu nên anh cũng không làm được mấy. Cả nhà trông chờ vào đồng lương của chị. Chính vì vậy dù khó khăn, thiếu thốn, vất vả đến đâu chị cũng cố gắng làm tròn công việc của mình. Cộng thêm bản tính là một người có trách nhiệm cao nên khi đã nhận làm việc gì là chị cố gắng hoàn thành đến cùng bằng mọi giá. Khi các con đến tuổi đi học vì mong cho các con được học hành tốt, chị lại tiếp tục gửi các con cho mẹ và em gái ruột, chấp nhận sự xa cách mẹ con vì tương lai của các cháu. Giờ đây cháu lớn của chị đang học tiếp Đại học Dược, cháu nhỏ đã tốt nghiệp đại học và đi làm.
Mong ước nhỏ nhoi
Chị Hồng chia sẻ, chị chỉ còn làm việc một năm nữa là nghỉ hưu. Cả đời chị chỉ có một mong ước là làm được lan can cầu thang cho ngôi nhà cấp 4 của mình...
“Công việc thực sự có nhiều khó khăn, nhưng tôi yêu công việc này. Mỗi khi một ca sinh diễn ra thành công, tôi rất hạnh phúc khi chào đón một em bé mới ra đời. Nếu em bé có vấn đề về sức khỏe, chúng tôi chăm sóc cho bé và khi bé khỏe mạnh trở lại, tôi cảm thấy rất tự hào. Tôi muốn nói với các đồng nghiệp của mình rằng: Sau tất cả những nỗ lực trong công việc, chúng ta có được món quà to lớn là sự tin tưởng và tình cảm của người dân và gia đình họ” - chị nói.