Bác sĩ vừa đỡ đẻ cho sản phụ vừa lo ... mưa
Vừa nói, chị Lương Thị Bảo- nữ hộ sinh của Trạm Y tế xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An chỉ ngay xuống dãy nhà chức năng mà mái ngói đã bị oằn xuống, chắp vá nhiều nơi. Dãy nhà có 7 phòng đã hoen ố, rêu mốc đầy tường.
Anh Hoa Văn Dương (bác sĩ ở trạm) nói thêm, tất cả các phòng ở dưới đó đều xuống cấp trầm trọng. Tường bong tróc, nền gạch bong rộp, mái nhà thì thấm dột. Ngoài ra, hệ thống điện các phòng đã hư hỏng đứt ngầm, các cửa sổ, cửa chính khung cửa bị mục và kính bị nứt thành nhiều mảnh.
"Dù đã xuống cấp nhưng chúng tôi vẫn phải sử dụng làm nơi khám, chữa bệnh cho người dân ở vùng biên ải này. Vì ngoài dãy nhà này các nhà khác cũng rơi vào cảnh tương tự" – bác sĩ Dương cho biết.
Đi vào phòng sản, chị Bảo chỉ lên trần nhà nói vui: "Ở trong phòng này có thể nhìn thấy sao ngoài trời đấy". Rồi chị kể về trường hợp sản phụ Moong Y Hương (21 tuổi) đến trạm y tế để sinh con. Đó là khoảng thời gian tháng 9/2018. Lúc đó, chị Hương đến sớm để chờ sinh. Đến 16h cùng ngày thì sản phụ bắt đầu chuyển dạ.
Nhìn trời mưa, chị Bảo nói người nhà chuyển sản phụ lên nhà trên kiên cố hơn vì cứ mưa là phòng đẻ này sẽ dột nhưng không kịp. Sản phụ vừa đau đẻ, vừa lo lắng vì mới mưa mà đã dột xuống cả bàn đẻ.
Mưa dột không lo lắm nhưng khi em bé vừa lọt lòng thì phòng bỗng mất điện. "Tôi lường trước được việc này rồi và đã chuẩn bị sẵn chiếc đèn pin. Chiếc đèn này tôi cố đinh vào cổ rồi tiếp tục xử lý cho sản phụ. Giờ gặp lại sản phụ, chị ấy cứ ôm lấy tôi nhắc đến chuyện này" – chị Bảo vui kể.
Nhắc đến chiếc đèn pin, bác sĩ Dương cười nói: "Chiếc đèn pin cầm tay giờ chúng tôi thay mới bằng đèn pin đội đầu rồi. Ngày trước cố định trên cổ vất vả lắm, đôi khi đang khâu vá cho bệnh nhân giữa chừng lại bị rớt ra. Đèn pin mới đeo vào đầu vừa tiện lại vừa chắc chắn".
Ông Cụt Bá Nhâm – Chủ tịch UBND xã Mường Ải (Kỳ Sơn) cho biết, Trạm y tế của xã đã quá xuống cấp và buộc phải xây mới. Việc này chúng tôi đã có đề xuất với các cơ quan chức năng. Trước mắt, xã cũng chi hỗ trợ phần nào để gia cố, sửa chữa duy trì hoạt động của trạm.
"Chạy mưa"
Nhà ở gần Trạm y tế nên chị Bảo còn phải gánh thêm việc "chạy mưa". Chị giải thích, vì mỗi khi mưa xuống tôi lại phải chạy để thu dọn đồ đạc trong trạm nên anh em ở đây gọi vui như thế. "Khổ nhất là những cơn mưa bất chợt vào tối khuya. Không thu dọn kịp thì các trang thiết bị, chăn gối cho bệnh nhân ẩm mốc, hỏng hết. Ở vùng biên ải này nếu thay cái gì mới cũng phải mất hàng tuần trời. Bởi vậy, cứ mưa là tôi lại phải chạy" – chị Bảo kể.
Nhắc đến chuyện "chạy mưa", anh Ngô Xuân Hoàng (bác sĩ quân y vừa được tăng cường về trạm) tâm sự, chúng tôi về đây thì chị Bảo cũng đỡ phải "chạy mưa" rồi. Nhưng chúng tôi trực ở trạm vào những đêm mưa cũng không ngon giấc được. "Mưa khiến chúng tôi phải quay giường để để tránh mưa dột liên tục. Quay hướng này được ít phút lại phải quay hướng khác" – anh Hoàng nói.
Cũng tình cảnh tương tự, các y, bác sĩ ở Trạm y tế xã Đỉnh Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) cũng phải vất vả khi mưa xuống. Bởi Trạm y tế ở đây cũng xuống cấp trầm trọng. Trước đây, trạm là phòng khám đa khoa khu vực Tây Anh Sơn, phục vụ cho nhân dân 6 xã ở phía tây của huyện. Năm 2015, phòng khám này được chuyển thành Trạm y tế xã Đỉnh Sơn.
Bác sĩ Hoàng Văn Lý (Phó trưởng Trạm y tế xã Đỉnh Sơn) cho biết, trạm được xây dựng hơn 30 năm trước nên giờ đã xuống cấp. Rõ nhất là dãy nhà dành cho bệnh nhân, vì quá xập xệ nên trạm đã không sử dụng dãy nhà này hơn 1 tháng nay.
Dẫn chúng tôi vào từng phòng của dãy nhà , anh Lý chỉ tay lên trần nhà nói: "Mái ngói đã hỏng, chúng tôi đã làm thêm các tấm trần bằng nhựa để tránh mưa dột nhưng cũng không ăn thua. Hơn nữa, các dầm chính đỡ mái ngói dọc theo chiều dài nhà đã mục rất nguy hiểm vì không biết đổ sập lúc nào. Chúng tôi buộc phải dành 2 phòng ở khu hành chính, kê 6 giường cho bệnh nhân. Có chật hẹp nhưng phòng ở trên này chắc chắn, an toàn hơn cho bà con".
Chị Lê Thị Ánh Tuyết – Trưởng Trạm y tế Đỉnh Sơn cho biết thêm, không chỉ dãy nhà cho bệnh nhân xuống cấp mà dãy nhà cho các bác sĩ xa nhà giờ ở cũng không an toàn. "Chúng tôi đã gia cố sửa chữa mấy lần nhưng chỉ ở tạm được một thời gian. Bởi kết cấu của dãy nhà này phần lớn đã hư hỏng. Ở thì sợ nhưng không ở thì chẳng biết tá túc vào đâu.
Để đảm bảo an toàn cho người dân khi đến khám bệnh, cũng như để nhân viên y tế yên tâm công tác không phải lo lắng chuyện nhà bị sập, đề nghị các cấp chính quyền, các ngành cần sửa chữa, xây dựng lại nhà trạm" – chị Tuyết nói và kiến nghị.
Nhiều trung tâm y tế xuống cấp nghiêm trọng.