“Vái tứ phương” mà không tìm ra căn nguyên
Bệnh nhân P.T.H. (30 tuổi, quê Đắk Lắk) đến BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM trong tình trạng đau nhiều ở vùng thắt lưng, còng lưng, không thể cúi, ngửa hoặc nghiêng người.
Chị H. kể, tình trạng đau bắt đầu xuất hiện khoảng 7-8 năm trước. Đầu tiên chị bị đau ở phần hông bên phải, sau dần đau lên vùng thắt lưng. Khoảng 2 năm nay chị bị đau ở vùng cánh tay và vùng cổ, toàn thân luôn trong tình trạng ê ẩm. Ban ngày chị H. không cúi, ngửa được, đi lại trong tư thế còng lưng, giao tiếp với rất khó khăn. Về đêm chị không thể ngủ trong tư thế nằm ngửa, phải nằm nghiêng rất khó chịu. Chị đã khám tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội, TP.HCM nhưng không tìm ra căn nguyên của bệnh.
Không chỉ khám tại các bệnh viện lớn, chị H. đã từng thử điều trị bằng thuốc Nam, thuốc Bắc theo mách bảo của nhiều người, nhưng vẫn tình trạng vẫn không cải thiện được.
Phương pháp phẫu thuật mới giúp rút ngắn thời gian phẫu thuật, thời gian hồi phục nhanh hơn
BS. Vũ Tam Trực - Khoa Cột sống B, BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM cho biết, với tình trạng của bệnh nhân khi đến bệnh viện, ngay lập tức bệnh nhân được chỉ định chụp phim X-Quang từ vùng cổ đến thắt lưng. Kết quả hình ảnh chụp chiếu xác định bệnh nhân bị VDCS xảy ra ở nữ giới. Trường hợp này, tình trạng bệnh khá phức tạp, không điển hình.
Bệnh VDCS có hiện tượng cốt hóa dính các khớp từ dưới lên trên, đầu tiên dính ở vùng chậu, sau đó vùng thắt lưng, vùng ngực rồi vùng cổ, khi dính lên vùng cổ sẽ tạo hình ảnh đặc trưng là hình ảnh đốt sống giống hình cây tre.
“Sau nhiều lần hội chẩn đánh giá toàn bộ, chúng tôi xác định đây là trường hợp VDCS có biến dạng còng cột sống phức tạp. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật với phương pháp mới là phương pháp đục xương sửa trục bằng cách lấy bỏ chân cung vùng đốt sống thắt lưng thứ 3, sử dụng 4 thanh nối dọc để tập trung nắn chỉnh vùng thắt lưng. Đây là phương pháp mới từ Úc, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam. Phẫu thuật chỉ diễn ra trong vòng hơn 4 giờ đồng hồ, lượng máu mất chỉ 1,2 lít. Sau phẫu thuật bệnh nhân nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt 1 ngày 1 đêm sau đó trở về khoa. Ở ngày thứ 3 hậu phẫu bệnh nhân đã có thể đi đứng sinh hoạt bình thường, không còn tư thế còng lưng như trước, bệnh nhân có thể giao tiếp với người khác một cách tự tin thoải mái và làm những công việc bình thường mà trước đó đã gặp rất nhiều khó khăn”, BS. Trực chia sẻ.
BS. Vũ Tam Trực cho biết, ở phương pháp kinh điển, một cấu hình cột sống chỉ sử dụng 2 thanh nối dọc, nguy cơ gãy dụng cụ khi xương chưa lành cao hơn, đồng thời trong quá trình nắn chỉnh mất nhiều thời gian (ca mổ theo phương pháp truyền thống có thể kéo dài từ 5-6 tiếng, hoặc 8-9 tiếng), lượng máu mất nhiều hơn. Phương pháp dùng 4 thanh nối dọc vừa rút ngắn cuộc mổ vừa tăng cường độ chỉnh cấu hình, giúp ca mổ diễn tiến nhanh gọn. Không phải thay thanh nối liên tục như trước, tăng độ vững và khả năng lành xương, giảm tỷ lệ biến chứng, gãy dụng cụ, tiên lượng về lâu về dài tốt hơn.
Dễ bị chẩn đoán nhầm
Theo BS. Vũ Tam Trực, bệnh VDCS tương đối hiếm, trung bình mỗi tháng tại Khoa Cột sống B, BV Chấn thương Chỉnh hình phát hiện một bệnh nhân mới. Bệnh thường xảy ra ở nam giới (khoảng 10 nam giới mắc thì có 1 nữ mắc bệnh). Tỷ lệ nữ giới mắc hiếm gặp hơn, đây có thể là lý do khi bệnh nhân đến các phòng khám và cơ sở y tế khác các BS ít nghĩ đến khả năng VDCS.
BS. Trực lý giải, bên cạnh tỷ lệ mắc ở nữ hiếm hơn nam giới, ở nữ giới khi mắc bệnh các triệu chứng cũng không điển hình. Đây là nguyên nhân thứ 2 dẫn đến bệnh dễ bị bỏ qua và chẩn đoán bệnh chưa chính xác. Cụ thể, ở bệnh nhân H. không thể cúi, ngửa do cột sống cổ đã bị dính cứng, khác với các các trường hợp bệnh cảnh điển hình bệnh nhân vẫn có thể cúi hoặc ngửa cổ.
Tư thế đứng thẳng của bệnh nhân thay đổi trước và sau phẫu thuật
Trên hình ảnh lâm sàng, bệnh VDCS có hiện tượng cốt hóa dính các khớp từ dưới lên trên. Đầu tiên dính ở vùng chậu, sau đó vùng thắt lưng, vùng ngực, vùng cổ. Khi dính lên vùng cổ sẽ tạo hình ảnh đặc trưng là hình ảnh đốt sống giống hình cây tre. Ở bệnh nhân H. khung chậu của bệnh nhân bị dính trước, ở vùng thắt lưng chưa bị dính hoàn toàn, vùng cột sống ngực bị dính từng chút, cột sống cổ bị dính hoàn toàn. Do đó, khi thăm khám nếu bỏ sót không chụp khung chậu chỉ giải quyết đúng phần bệnh nhân than đau vùng thắt lưng thì chỉ phát hiện đây là bệnh bình thường không phải là VDCS. Để xác định chính xác bệnh, các BS cần một hình ảnh toàn thể chụp từ xương cổ xuống vùng thắt lưng nhận diện được dạng không điển hình của VDCS.
BS. Trực khuyến cáo: Bệnh chủ yếu xảy ra ở nam giới tuy nhiên ở nữ giới cũng có thể gặp phải. Theo ghi nhận ở các trường hợp mắc bệnh, ở độ tuổi lao động từ 30-40 tuổi, bệnh gây nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe do đã diễn tiến nặng, ảnh hưởng đến vận động và chất lượng cuộc sống.
Một số hiếm trường hợp rất nặng gây cốt hóa hết các khung xương sườn, lồng ngực, khiến bệnh nhân bị giới hạn hô hấp, không thể sinh hoạt, vận động mạnh, có thể bị nhiễm trùng phổi nếu bệnh nhân lớn tuổi sau này. Trước đó từ 20-30 tuổi bệnh bắt đầu có những biểu hiện. Giai đoạn này nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân sẽ tránh được việc thực hiện phẫu thuật tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Thay vào đó chỉ điều trị bằng thuốc, vật lý trị liệu, chế độ ăn uống và vận động phù hợp.
Do đó, khi nhận thấy các dấu hiệu: đau lưng về đêm, cứng cột sống, cứng khớp vào mỗi buổi sáng (bao gồm khớp cổ tay, ngón tay), các tình trạng đau không tự giới hạn trong vòng 6 tuần, với những phương pháp điều trị kinh điển, thì người bệnh cần phải đến cơ sở y tế chuyên về chấn thương chỉnh hình để được khám và chẩn đoán chính xác bệnh. Với những dấu hiệu trên, các BS cũng cần nghĩ đến khả năng VDCS để thực hiện chụp chiếu toàn diện cho bệnh nhân để xác định chính xác và điều trị đúng bệnh.