Hà Nội

Nữ điều dưỡng hơn 30 năm gắn bó với bệnh nhân phong

04-03-2019 08:06 | Y tế
google news

SKĐS - Hỏi chuyện bất kỳ ai ở Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh họ cũng đều trìu mến nhắc đến cái tên “sơ Xuân”, bởi bà chính là hiện thân của sự sống, là người cứu rỗi những mảnh đời bất hạnh từng bị hắt hủi ở Trại phong Quả Cảm.

"Sơ Xuân” chính là điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân, 63 tuổi - người đã đến tuổi nghỉ hưu không chịu nghỉ ngơi, nhất định cùng ăn, cùng sống, gắn bó cả cuộc đời với bệnh nhân phong.

Tôi có dịp đến Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh trong một ngày mùa đông mưa phùn giá rét gần Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Trước đây, nơi này được biết đến với tên gọi là Trại phong Quả Cảm, nằm ở xã Hòa Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, cách thành phố Bắc Ninh chỉ chừng 5km. Không còn là sự tĩnh mịch, âm u, kỳ thị, cuộc sống của người bệnh phong nơi đây đã được bao bọc bởi xóm làng và tình người ấm áp.

Nhìn từ xa đã thoáng thấy bóng dáng “sơ Xuân” đang tất bật với công việc hậu cần chuẩn bị cho buổi thăm và tặng quà Tết 2019 cho bệnh nhân phong của đoàn Bệnh viện Da liễu Trung ương. Thấy đoàn từ thiện, người phụ nữ ngoài 60 tuổi ấy không giấu nổi sự vui mừng vì năm nào cũng được mọi người quan tâm, không quản ngại xa xôi chia sẻ giúp đỡ bệnh nhân phong có một cái Tết ấm no.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân. Ảnh: D.Hải.

Trại phong Quả Cảm giống như một ngôi làng nho nhỏ với 80 “nhân khẩu”, trong đó đa số là các cụ cao tuổi. Họ sống quây quần trong những căn nhà cấp bốn giản dị, nằm thấp thoáng sau những rặng cây cổ thụ thanh bình, yên ả và một điều không thể thiếu đó là bàn tay tần tảo chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ của điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân.

Bệnh nhân Chu Văn Liên (42 tuổi) đang điều trị tại đây kể với tôi rằng, “sơ Xuân” giống như một bà sơ hiền từ, nhân hậu, là món quà vô giá mà ông trời đã ban tặng cho bệnh nhân phong vậy. Chính “sơ Xuân” đã tiếp truyền cho bệnh nhân nghị lực sống để họ có thêm sự lạc quan, yêu đời, sống tích cực, vui vẻ hơn. Nghe thấy thế, “sơ Xuân” chỉ mỉm cười hiền hậu rồi lại tất tả đi chuẩn bị bữa cơm trưa cho các thành viên trong gia đình bệnh nhân phong.

Bỏ nghề giáo viên đến với bệnh nhân phong

Nhớ lại lần đầu tiên đến thăm bệnh nhân phong ở chính Trại phong Quả Cảm này là vào những năm 1987-1988, “sơ Xuân” kể, lúc ấy bệnh nhân phong rất đông, có đến khoảng 300 người. Đa số họ bị những tổn thương rất phức tạp trên cơ thể, chân tay lở loét, mùi thịt thối rữa hôi tanh, có người cụt cả chân rất thương tâm. Cơ sở vật chất chật chội, nhà cửa xuống cấp dột nát nghiêm trọng, có những khi trời mưa ngồi trong nhà mà các cụ vẫn phải mặc áo mưa. Chứng kiến những mảnh đời bất hạnh ấy, cô giáo mầm non trẻ tuổi Nguyễn Thị Xuân không khỏi bị ám ảnh, sợ hãi nhưng sau nhiều lần đến với các cụ ở đây, thấu hiểu những số phận éo le của những người đáng tuổi bố mẹ mình, chính người phụ nữ ấy thừa nhận “cái thương nặng hơn cái sợ”. Và đó cũng là khởi đầu cho một quyết định “điên rồ”: Bỏ nghề giáo viên để đến ở với bệnh nhân phong.

“Lúc bấy giờ, gia đình tôi phản đối dữ dội lắm, bố mẹ thì thương khóc, anh em họ hàng thì gặng hỏi, chất vấn tôi có bị điên hay không mà đang yên đang lành lại đòi cắt khẩu ở Quế Võ lên trại phong ở. Nhiều người ác miệng thì nói gia đình tôi tệ bạc, hắt hủi, bị giời phạt, con cái phải dọn lên ở với hủi... Nhưng sự thật không phải như vậy, tôi đến với bệnh nhân phong chỉ vì một chữ “Thương” mà thôi!” - điều dưỡng Xuân tâm sự.

Điều dưỡng Xuân với công việc chăm sóc bệnh nhân phong hàng ngày.Điều dưỡng Xuân với công việc chăm sóc bệnh nhân phong hàng ngày.

Trong cuộc sống, chắc hẳn có rất nhiều người dấy lên trong lòng sự thương cảm khi gặp những mảnh đời bất hạnh nhưng dũng cảm hy sinh gia đình, hy sinh tuổi trẻ, không chịu lấy chồng sinh con để tình nguyện gắn bó cả cuộc đời với bệnh nhân phong thì có lẽ chỉ có “sơ Xuân”. Hồi mới đến Trại phong Quả Cảm, cô gái Xuân chăm sóc bệnh nhân phong bằng tất cả tình thương và bản năng của mình, Xuân làm bất cứ công việc gì có thể để giúp đỡ bệnh nhân, từ cơm nước, tắm rửa, giặt giũ quần áo, rồi hỗ trợ họ đi lại, sinh hoạt hàng ngày... chẳng hề quản ngại mưa nắng, ngày đêm. Nhưng dường như với Xuân như vậy là chưa đủ, Xuân quyết định xin đi học lớp Điều dưỡng để có thể chăm sóc bài bản và tốt nhất cho người bệnh. Nói là làm, Xuân tích cực học tập, vừa học vừa thực hành chăm sóc cho bệnh nhân ở trại phong và sau đó đã được công nhận là một nữ điều dưỡng thực thụ.

“Thực ra sợ thì có sợ, hồi mới lên đây ở tôi sợ chứ, nhiều lúc đi chăm sóc cho các cụ xong về mình tắm gội rồi vẫn cái mùi nó cứ quanh quẩn đâu đó, nó ám ảnh với tôi cả một tháng trời mới hết được. Nhưng càng nghĩ tôi càng thương họ, thực sự là cái thương nó nặng hơn cái sợ, chăm sóc bệnh nhân bằng tất cả chân thành như đang chăm sóc cho bố mẹ mình thì mình mới làm được. Cũng như người thân trong gia đình, thấy quý nhau thương nhau và tạo điều kiện tốt nhất cho nhau thì tự nhiên tôi cũng cảm thấy là tôi hạnh phúc...” - điều dưỡng Xuân từ tốn nói.

Mong không còn những đám tang không vành khăn trắng, không người tiễn đưa

Hơn 30 năm gắn bó với bệnh nhân phong ở Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh, điều dưỡng Xuân đã thuộc nằm lòng từng thói quen sở thích của mỗi người, bà lại vừa như một chiếc đồng hồ báo thức, một tờ giấy nhớ nhắc lịch cho từng bữa ăn, giờ uống thuốc của bệnh nhân. Để tạo điều kiện chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân, Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh đã thành lập Khoa Phong là khoa chuyên dành chăm sóc cho các bệnh nhân nặng hoặc các bệnh nhân phong bị nhiều bệnh phối hợp. Những người ở Khoa Phong gần như không thể tự làm được việc gì mà mọi sinh hoạt hàng ngày đều phải dựa vào sự chăm sóc tỉ mỉ, ân cần của các cán bộ y tế, trong đó không thể không kể đến vai trò của điều dưỡng Xuân.

“Sơ Xuân” kể, người già - họ nhiều khi cũng thất thường, giận dỗi chẳng khác gì một đứa trẻ nhỏ nên cần vỗ về, an ủi. Bệnh phong lại không giống như những căn bệnh khác, người bệnh phong ngoài gánh chịu nỗi đau bệnh tật còn gánh chịu thêm nỗi cô đơn, xa lánh của người đời nên họ rất khao khát tình cảm gia đình, mong có người tâm sự sẻ chia. Mong ước của họ nhiều khi rất giản dị là được về nhà thắp nén hương cho tổ tiên một lần nhưng nhiều khi cũng không thực hiện được. Bệnh của họ không phải chữa một lần là khỏi mà những di chứng của bệnh phong để lại rất nặng nề, bị xã hội gọi là “ông hủi, bà hủi”...

“Sơ Xuân” vẫn nhớ như in trong tâm trí của mình câu chuyện buồn về một đám tang của một cụ ông 84 tuổi không tiếng khóc than, không vành khăn trắng, không người tiễn đưa. Cuộc sống của bệnh nhân phong đến lúc chết cũng chết trong sự cô đơn, buồn tủi đến nao lòng.

Nghĩa tử là nghĩa tận, từng chứng kiến không ít những đám tang như thế, người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu này đã nảy ra ý định trồng hai hàng thông trên con đường tiễn đưa các cụ lần cuối cùng ra nghĩa trang. “Sơ Xuân” tâm sự: “Chỉ có riêng con đường này là tôi trồng hai hàng thông thôi, bởi vì ở đây đa phần các cụ chết thì chỉ có bệnh nhân đưa nhau đi, chứ không có con cháu. Hai hàng cây thông tượng trưng cho hàng người tiễn đưa các cụ lần cuối khi từ giã cõi đời này...”.

Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương Nguyễn Văn Thành trao quà cho bệnh nhân phong tại Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh dịp Tết Nguyên đán 2019.

“Xơ Xuân” chính là người đã kết nối được nhiều nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ bệnh nhânphong, sửa sang nhà cửa, xây mới những ngôi nhà tình thương để họ có cuộc sống tốthơn. Ảnh: D.Hải

Đẩy lùi kỳ thị

Theo quan niệm xưa, phong là một trong 4 bệnh được gọi là tứ chứng nan y “phong, lao, cổ, lại”. Người mắc bệnh này bị kỳ thị, xa lánh bởi những dị hình tàn tật nặng nề ở tay, chân. Người bệnh phong còn bị coi là do “trời phạt”, bị dân làng xua đuổi vào sâu trong rừng để “tự sinh, tự diệt”. Vì thế, họ tụ họp lại với nhau, đùm bọc nhau để sống qua ngày và gần như hoàn toàn biệt lập với cộng đồng và cả người thân thích. Nỗi ghê sợ ấy cứ đeo đẳng mãi cho đến các đời con, cháu họ, khiến cả gia đình họ cũng không thể nào thoát ra khỏi những làng cùi. Nhiều người giấu bệnh, sống âm thầm trong gia đình, tạo ra nguồn lây nhiễm trong gia đình, trong cộng đồng.

Ngay cả khi Chương trình phòng chống bệnh phong được triển khai tích cực thì việc chuyển biến nhận thức về bệnh phong của xã hội và người dân vẫn vô cùng gian nan. Điều dưỡng Xuân và các cán bộ y tế ở Trại phong Quả Cảm phải kiên trì, nhiều lần đi lại thuyết phục để người bệnh phong chấp nhận điều trị, không bỏ dở việc chữa trị. Không những thế, “sơ Xuân” đã kết nối được nhiều nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ bệnh nhân phong, sửa sang nhà cửa, xây mới những ngôi nhà tình thương để họ có cuộc sống tốt hơn. Hầu hết con cái của bệnh nhân phong đều được “sơ Xuân” giúp đỡ cho đi học và có công việc ổn định. Hàng chục năm gắn bó với bệnh nhân phong cũng là quãng thời gian “sơ Xuân” tìm tòi, lặn lội đi học làm hàng trăm đôi chân giả, làm dép chỉnh hình cho những đôi chân cụt... có thể tự tin đi lại được.

Đến nay, Chương trình chống phong ở Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. 63/63 tỉnh thành trên cả nước đã được công nhận loại trừ bệnh phong cấp tỉnh. Dự kiến đến năm 2020 sẽ loại trừ bệnh phong cấp huyện trên toàn quốc. Việt Nam đã đạt được tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ năm 1995 với tỷ lệ lưu hành là 0,9/10.000 dân số. Đại Hội đồng Liên hợp quốc cũng nêu gương Việt Nam là quốc gia đi đầu trong khu vực Thái Bình Dương về phòng chống bệnh phong.

Xã hội hiện đại có cái nhìn cởi mở hơn rất nhiều đối với người bệnh phong, coi đó là một bệnh cũng giống như những bệnh khác, bệnh nhân phong và con cháu của họ cũng có cơ hội được hòa nhập cộng đồng và học tập phát triển trong cuộc sống. Đó là một sự thay đổi rất lớn trong nhận thức của người dân mà công đầu thuộc về các cán bộ chống phong của ngành y tế.

Một mùa xuân mới với những khởi đầu tốt đẹp đang đến với “sơ Xuân” và những bệnh nhân ở Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh. Nói về ước nguyện năm mới, “sơ Xuân” chỉ tâm niệm duy nhất một điều là có đủ sức khỏe để giúp đỡ bệnh nhân phong, bởi lẽ với bà, thấy họ tự tin hòa nhập cộng đồng là phần thưởng vô giá nhất mà cuộc đời dành cho mình.

Theo BS. Phạm Văn Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh, trong suốt hơn 30 năm qua, điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân đã dành rất nhiều thời gian và công sức, hết lòng, tận tụy chăm sóc cho bệnh nhân phong. Dù đến tuổi nghỉ hưu từ năm 2012, nhưng điều dưỡng Xuân vẫn tình nguyện ở lại để giúp đỡ bệnh nhân, tiếp thêm nghị lực sống cho họ.

Sự hy sinh thầm lặng của nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều Bằng khen, Giấy khen khác.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân cũng là một trong số 70 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được UBND tỉnh Bắc Ninh tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018).

Bài, ảnh: Dương Hải
Ý kiến của bạn