Đã quen với cường độ làm việc căng thẳng, nhưng khi chuyển sang chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19, điều dưỡng Nhâm vẫn cảm thấy dịch bệnh quá tàn khốc.
Ở lại "sát cánh" cùng đồng đội khi biết mình là F0
Nữ điều dưỡng chia sẻ, đa số những bệnh nhân vào Trung tâm Hồi sức tích cực chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 đều trong tình trạng nặng, nguy kịch hoặc có bệnh nền phức tạp.
Nhiều bệnh nhân trong số đó phải thở máy, một số ca thở oxy liều cao, số ít thở oxy qua mặt nạ.
Có thời điểm Trung tâm được bổ sung thêm bao nhiêu giường là từng đấy bệnh nhân nặng được chuyển lên.
"Nhận được tin mình nhiễm COVID-19, tôi buồn lắm, mình chưa cống hiến được nhiều vào chiến trường lại bị thương. Nhưng được động viên của thầy Hiếu (PV: PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu) và các anh, chị đồng nghiệp, giúp tôi vượt qua khó khăn, xin ở lại chăm sóc bệnh nhân tốt hơn" – điều dưỡng Nhâm mở đầu câu chuyện với tôi bằng giọng buồn.
Khi biết nhiễm COVID-19, theo nguyên tắc điều dưỡng Nhâm sẽ được rút ra ngoài để theo dõi và điều trị.
Thế nhưng, lúc này, Nhâm nghĩ bản thân từng dương tính với virus SARS-CoV-2, đã trải qua các bước điều trị nên nắm rõ quy trình chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID-19 hơn.
Chị tình nguyện xin ở lại trong khu điều trị bệnh nhân nặng tiếp tục hỗ trợ đồng nghiệp và được làm công việc phân công ban đầu.
Điều dưỡng Nhâm nói: Tôi xin được ở lại trong vùng đỏ. Dù xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng tôi thấy mình khỏe, có lẽ chỉ ở mức độ nhẹ.
Với kinh nghiệm làm điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân, tôi sẽ hỗ trợ đồng nghiệp được nhiều hơn. Bởi theo chị, nếu mình không chăm sóc bệnh nhân thì đồng nghiệp cũng sẽ tận tình yêu thương, hỗ trợ điều trị, nhưng đồng nghiệp lại thêm phần vất vả hơn.
"Tôi quyết định ở lại hỗ trợ, chăm sóc người bệnh. Với mong muốn việc làm của mình sẽ phần nào làm giảm áp lực, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cho đồng nghiệp", điều dưỡng Nhâm nói.
Công việc hàng ngày của các điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân COVID-19 từ nặng đến nguy kịch rất vất vả.
Bệnh nhân COVID-19 điều trị trong Trung tâm ICU cần chăm sóc toàn diện nên phần việc của những nhân viên điều dưỡng như chị vất vả gấp bội phần.
Với bệnh COVID-19, bệnh nhân không có người thân ở bên cạnh. Mọi công việc chăm sóc bệnh nhân đều dồn vào đôi bàn tay của các điều dưỡng.
Từ việc thực hiện y lệnh của bác sĩ cho đến hướng dẫn bệnh nhân dùng thuốc, trực tiếp thay băng, đóng bỉm tã, hút đờm dãi, hỗ trợ bệnh nhân ăn uống, vệ sinh.
Họ đi lại như con thoi giữa các giường hồi sức tích cực. Theo dõi từng chỉ số sinh tồn bệnh nhân trên máy monitor, kiểm tra từng ống thở, tai ghé sát để nghe rõ lời bệnh nhân muốn nói.
"Âm tính rồi vẫn ở lại chăm sóc bệnh nhân"
Khỏi bệnh, trở về vùng an toàn. Điều dưỡng Nhâm lại trong bộ đồ bảo hộ cấp 4, đi lại như con thoi giữa các giường bệnh, mắt không được rời các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân, cho thuốc theo đúng y lệnh của bác sĩ.
"Những bệnh nhân COVID-19 nặng khi phải thở máy oxy liều cao nhiều ngày, lúc tỉnh lại họ như không phải là chính mình, tay chỉ luôn chờ rút ống thở. Chúng em lại động viên họ yên tâm điều trị." – điều dưỡng Nhâm kể.
Theo Nhâm, công việc chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng rất vất vả, chỉ cần sơ suất nhỏ trong vận hành máy thở, theo dõi nồng độ bão hòa ô xy trong máu…, là ảnh hưởng ngay đến tính mạng bệnh nhân.
Ở phòng ICU, nồng độ vi rút SARS-CoV-2 cao, là môi trường nguy cơ lây nhiễm rất cao.
“Trong ca trực 8 giờ đồng hồ, bác sĩ, điều dưỡng thay nhau được nghỉ một lúc để ăn cơm. Lúc đó mọi người tắm rửa, sát khuẩn, mặc lại bảo hộ rồi trở lại công việc chăm sóc. Nóng thì không sao cả. Nhưng mặc bảo hộ kín suốt nhiều giờ, có chị không quen đã bị ngất, được chuyển qua chăm sóc bệnh nhân nhẹ ở phòng khác. Khi phủ kín bảo hộ, em cũng hay bị khó thở, đau đầu nhưng đã xác định ở lại thì phải quyết tâm đứng vững để làm việc”, Nhâm nói thêm.
Công việc của các điều dưỡng trong phòng hồi sức của Trung tâm Hồi sức tích cực, BV Quốc tế Becamex Thuận An, Bình Dương
Điều dưỡng Nhâm chia sẻ: "Chúng tôi không ngại khó, ngại khổ, chỉ thương bệnh nhân mà cố gắng. Mỗi người cố gắng thêm một chút để tình hình dịch bệnh lắng xuống, mọi người khỏe mạnh, nhà nhà đoàn viên".
Công tác biền biệt ở vùng tâm dịch đến nay tròn 1 tháng, ở trong khu cách ly lâu ngày, chị cũng như các đồng nghiệp nữ khác rất nhớ chồng con, gia đình nội, ngoại.
Nhưng rồi Nhâm tự động viên bản thân, dù sao con cái cũng đã có bố và ông bà chăm sóc. Các bệnh nhân ở đây hoàn cảnh đáng thương hơn nên mình cố gắng ở lại dỗ dành, chăm sóc cho bệnh nhân vượt qua khó khăn.
Nói là vậy, nhưng qua các đồng nghiệp tôi biết sâu thẳm trong Nhâm là nỗi nhớ nhà, nhớ con, nhớ gia đình và tụi nhỏ bởi chưa bao giờ chị xa gia đình lâu như vậy. Hơn nữa cả 2 con của Nhâm năm nay đều học đầu cấp, các cháu lại mới làm quen với học online...
"Ngày Bình Dương trở lại trạng thái bình thường mới sẽ không xa, chúng em cũng sắp được đoàn tụ", Nhâm nói và ánh mắt ánh lên niềm hy vọng.
Hành động tình nguyện ở lại chăm sóc bệnh nhân sau khi nhiễm COVID-19 của Nhâm và các đồng nghiệp khác ở Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng đã phần nào san sẻ gánh nặng cho đồng nghiệp khác. Đó là việc làm rất ý nghĩa giúp lan tỏa những điều tốt đẹp của cuộc sống trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Và tôi tin ngày các đoàn bác sĩ tình nguyện hoàn thành công việc về đoàn tụ với gia đình đang đến rất gần.
Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội