Cuối giờ chiều ngày 28/3, phòng họp giao ban của Trung tâm cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai sáng đèn nhộn nhịp hơn thường ngày, ở đó diễn ra lễ khen thưởng 'nóng' của Ban Giám đốc bệnh viện dành cho nữ điều dưỡng đã nhanh chóng ép tim cứu du khách ngừng tuần hoàn ở Đà Nẵng.
Video ghi lại tại một nhà hàng ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng, ngày 24/3. Trong khi đang ăn cùng với vợ tại một nhà hàng, ông Narinder Jean (quốc tịch Ấn Độ) xuất hiện choáng, đi loạng choạng, mất phương hướng, ngã quỵ xuống đất, ngừng tim, mất ý thức, vệ sinh không tự chủ.
Ngay thời điểm nhìn thấy du khách ngã quỵ, nữ điều dưỡng đang ngồi ăn tối cùng bạn ở bàn bên cạnh đã nhanh chóng nhận ra bất thường, đến kiểm tra mạch cảnh, tri hô nhân viên nhà hàng gọi cấp cứu 115 hỗ trợ.
Ngay khi báo đăng nhiều người đã không khỏi xuýt xoa thán phục và dành không ít lời khen, lời cảm ơn cho nữ điều dưỡng.
Đặng Thị Hạ (SN 1995) - điều dưỡng viên, Trung tâm Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai chính là nhân vật chính trong câu chuyện nói trên.
"Đó là phản xạ nghề nghiệp, em đã làm thường quy ở bệnh viện và học trường Cao đẳng Bạch Mai"
Chia sẻ tại buổi lễ tuyên dương và khen thưởng do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức dành cho việc làm rất có ý nghĩa của mình trước đó, nữ điều dưỡng Đặng Thị Hạ cho biết "bây giờ đứng trước các thầy, cô, các anh chị em đồng nghiệp em còn run hơn cả lúc ép tim cấp cứu cho bệnh nhân".
"Lúc đó là phản xạ tự nhiên của nghề nghiệp. Đây cũng là công việc em làm hàng ngày ở Trung tâm Cấp cứu A9 và cũng là những kiến thức em đã học tại trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai"- Hạ nói.
Nữ điều dưỡng Đặng Thị Hạ cho rằng ngày hôm đó là một "cơ duyên" để Hạ cùng nhóm bạn gặp gỡ và giúp đỡ cho người đàn ông nước ngoài không may gặp nạn.
Hạ kể, thứ sáu tuần trước, Hạ cùng 3 người bạn gái (cũng là điều dưỡng, một người cùng làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, một làm ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương và một làm ở Bệnh viện Hữu nghị) có chuyến du lịch đến Đà Nẵng để "kỷ niệm 10 năm tình bạn".
Nhóm bạn lẽ ra sẽ lên máy bay trở về Hà Nội vào tối chủ nhật 24/3, nhưng máy bay delay đến đêm cùng ngày nên họ đã đi ăn tối trước khi ra sân bay và vô tình chứng kiến thời điểm ông Jean bị ngừng tuần hoàn.
"Chúng tôi ngồi cách vợ chồng ông một bàn, bạn tôi đã nhận thấy ông đi loạng choạng, có vẻ lạ nên đã dặn nếu có gì thì chạy đến hỗ trợ.Đột nhiên ông đứng lên và đi theo cách mất phương hướng và gục xuống, vợ ông sang ôm chặt lấy đầu ông và đỡ ông ngồi vào ghế, tôi nhận thấy ông mất ý thức rất nhanh" - điều dưỡng Đặng Thị Hạ nói.
Phản ứng chuyên nghiệp của một điều dưỡng làm việc tại khu vực chuyên cấp cứu bệnh nhân nặng, Hạ bắt mạch ở cổ bệnh nhân, thấy da lạnh, đồng tử giãn, không thấy mạch, tiểu tiện không tự chủ, ngừng tuần hoàn...
Là trung tâm cấp cứu đầu ngành, mỗi ngày A9 nhận khoảng 300 bệnh nhân và nhiều người rất nặng, có ca cũng đã ngừng tuần hoàn ngoại viện. Hạ và các đồng nghiệp ở đây đã từng ép tim nhiều ca tương tự. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên cô sử dụng kỹ thuật này để cấp cứu một trường hợp bị ngừng tim ngoại viện. Hành động của cô đã giúp nam du khách người Ấn Độ thoát khỏi nguy cơ tử vong.
Đẩy mạnh cấp cứu ngoại viện để cứu sống nhiều hơn nữa bệnh nhân trong cộng đồng
Chia sẻ tại buổi lễ, PGS.TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ, chưa bao giờ ông có cảm giác xúc động, tự hào như vậy, khi nghe tin cán bộ của mình làm việc hết sức ý nghĩa, hiệu quả và thành công cấp cứu du khách nước ngoài ở bên ngoài bệnh viện.
"Tôi đã xem video này nhiều lần, cả nhanh và chậm, tôi thấy điều dưỡng Hạ làm rất chuẩn về kỹ thuật. Điều này đã không chỉ cứu sống bệnh nhân kịp thời mà còn giúp bệnh nhân không để lại di chứng về tâm thần kinh.
Việc làm của điều dưỡng Hạ không chỉ lay động tâm trí, trái tim của tập thể hàng nghìn y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai mà tôi tin rằng hàng triệu người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế khi xem video đó đều có cảm giác như tôi. Một việc làm có ý nghĩa lớn, thể hiện tinh thần rất trách nhiệm của điều dưỡng Hạ, cũng như của cán bộ y bác sĩ Trung tâm Cấp cứu A9, của Bệnh viện Bạch Mai và rộng ra là của ngành y tế Việt Nam"- ông Cơ nói.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng hình ảnh này góp phần làm đẹp hơn hình ảnh của người thầy thuốc Việt Nam, cũng như đất nước con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Ôn lại truyền thống của Trung tâm Cấp cứu A9 – đơn vị hai lần được phong anh hùng, Giám đốc Đào Xuân Cơ không giấu nổi xúc động nói: Hành động của điều dưỡng Hạ đã khẳng định trong bất cứ hoàn cảnh nào người thầy thuốc nói chung, thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai nói riêng đều nhiệt tâm, nhiệt huyết và sẵn sàng cứu chữa người bệnh.
"Tôi rất tự hào khi nghe những câu nói cứ vào A9 là được cứu sống. Tự hào nhưng cũng là trách nhiệm, chúng tôi mong muốn các y bác sĩ trẻ phải không ngừng nỗ lực, không chỉ tiếp bước các thầy làm rạng danh truyền thông của thầy thuốc A9, thầy thuốc Bạch Mai"- PGS.TS Đào Xuân Cơ nói đồng thời yêu cầu tập thể A9 phối hợp với các đơn vị liên quan trong bệnh viện để truyền thông, thực hành tốt hơn cấp cứu trong cộng đồng về ngừng tuần hoàn, chấn thương… để không chỉ cấp cứu nhanh chóng, thành công người bệnh ngay thời điểm vàng mà còn nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
PGS.TS Đào Xuân Cơ cho hay, tới đây, trong trung tâm cấp cứu A9 sẽ hình thành bộ phận cấp cứu ngoại viện, để cùng với hệ thống cấp cứu ngoại viện của Hà Nội hình thành nên một hệ thống cấp cứu cộng đồng hoàn chỉnh. Cùng đó, bệnh viện cũng đang lên kế hoạch đào tạo, cập nhật về chuyên môn cấp cứu ngoại viện cho toàn bộ cán bộ làm công tác cấp cứu trong hệ thống Bệnh viện phụ trách chỉ đạo tuyến, hướng dẫn về chuyên môn.
Ông Cơ cũng nói thêm đến việc Bệnh viện Bạch Mai tới đây sẽ phôi hợp với các đơn vị liên quan để đào tạo về cấp cứu ngừng tuần hoàn.
"Tôi đã yêu cầu Trung tâm cấp cứu A9 và các khoa, phòng… thường xuyên cập nhật chuyên môn về cấp cứu trên thế giới để giảng dạy, trao đổi về chuyên môn không chỉ cho y bác sĩ của bệnh viện mà còn cho các đơn vị khác"- ông Cơ nói và cho biết tới đây cấp cứu ngoại viện sẽ được đưa vào giảng dạy tại Trường Cao đẳng y tế Bạch Mai.