Nữ danh họa hỏng khớp từ tuổi ấu thơ

06-04-2018 13:22 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Những sáng tác của bà giống tranh vẽ trẻ thơ - hồn nhiên, sống động, không duy trì những tỷ lệ hợp lý, chỉ phô diễn mặt sáng của cuộc sống.

Từ những đám mây trong tranh bà Maud Lewis không bao giờ rơi xuống hạt mưa, mặt hồ nước bao giờ cũng phẳng lặng. Thiếu bóng râm hoặc đêm tối trong tranh vẽ của bà. Mặc dù, đời tư nữ danh họa Canada rất hiếm giây phút hạnh phúc.

45 nghìn USD

Hiện Maud Lewis được tôn vinh là thần tượng hội họa dân gian Canada. Một bức tranh của bà được tìm thấy tình cờ trong cửa hàng đồ cũ gần đây vừa được bán với giá 45 nghìn USD. Hãy tưởng tượng, thời bà còn sống, chủ nhân chỉ rao bán sáng tác của mình lấy 2 hoặc tối đa 5USD.

Suốt nhiều năm, đông đảo giới yêu hội họa và phê bình hội họa đều nghĩ rằng, Lewis là người phụ nữ vui vẻ và tràn đầy sức sống, giống như những bức tranh của bà. Và cho dù sự thật nữ họa sĩ không đòi hỏi nhiều để có cảm giác hạnh phúc, song số phận không hề nương tay đối với bà. Bộ phim tiểu sử Maudie (đạo diễn Aisling Walsh) trình chiếu năm 2017, cho dù được khen về nghệ thuật và chủ đề đã chọn, song thực tế chỉ giới thiệu một phần câu chuyện thật.

Như nhà văn Lance Woolaver, tác giả cuốn tiểu sử Maud Lewis nhấn mạnh trong một bài trả lời phỏng vấn: “Những người làm phim đã tưởng tượng Lewis như người phụ nữ hạnh phúc, suốt ngày vẽ tranh trong căn nhà ấm cúng, đẹp đẽ của mình. Trong khi sự thật, cuộc sống danh họa là sự tồn tại leo lắt, tệ hại”.

Maud Lewis (1903-1970) - nữ danh họa tàn tật thụ hưởng niềm vui từ lao động sáng tạo.

Maud Lewis (1903-1970) - nữ danh họa tàn tật thụ hưởng niềm vui từ lao động sáng tạo.

Vẽ tranh quên đau

Sinh năm 1903, ở Nova Scotia, thị trấn nhỏ ven biển Canada, tuổi mẫu giáo lắm khi bé Maud khóc nhè cả ngày, cạn nước mắt vì các khớp ngón tay, cổ tay, cổ chân... sưng tấy. Các bác sĩ thăm khám, kết luận, bé gái bị bệnh viêm khớp dạng thấp. Và Maud lớn lên cùng thói quen liên tục cắn răng, chống lại những cơn đau buốt óc, dai dẳng. Tệ hơn, bé gái rất khó hoạt động bình thường - cả bàn tay, cũng như hai bàn chân, đều “không chịu nghe” sự sai khiến của Maud. Mặc dù vậy, bé vẫn rất mê vẽ tranh. Chủ yếu do mẹ dạy và tự mày mò, khám phá. Nhiều hôm bé vẽ quên ăn. Từ năm 6-7 tuổi, đã thành thông lệ, hàng năm trước dịp Lễ Giáng sinh bé lại hăm hở giúp mẹ cầm bút dạ vẽ những bức tranh ngộ nghĩnh bằng bột màu lên hàng trăm tờ giấy cứng khổ bưu thiếp, để mẹ bán lấy tiền.

Tai họa từ tuổi mới lớn

Đến những năm 1920, khi cả bố, rồi mẹ qua đời vì bệnh hiểm, trong thời gian ngắn Maud sống cùng anh trai, sau đó sống với bà dì (em gái mẹ).

Bạn cùng lứa thường nhạo báng Maud khuyết tật. Bản thân người trong cuộc cũng nghĩ, “suốt đời mình là đồ phế thải”, nhưng sau thời gian nhất định, thiếu nữ tuổi dậy thì gắn bó với Emery, chàng trai hàng xóm. Đó là tình yêu say đắm của Maud. Mối quan hệ lãng mạn kết thúc, khi thiếu nữ mang thai, chàng trai bỏ nhà ra đi và vĩnh viễn không bao giờ gặp lại. Đứa trẻ sinh ra được cho làm con nuôi.

Sau sự cố với mối tình đầu, bà dì kiểm soát Maud từng bước đi và ứng xử với cháu gái không khác gì với đứa trẻ sơ sinh, không thể sống qua ngày thiếu sự hỗ trợ của người khác. Với bản tính liên tục vận động, Lewis dần chán ngấy sự chu đáo thái quá của bà dì, thế nên ngay khi nhìn thấy tờ rơi quảng cáo tìm nhân công trông nom nhà cửa của chủ cửa hàng bán cá địa phương, nữ danh họa tương lai lập tức đầu quân. Vài tuần sau Lewis đã trở thành vợ ông chủ.

Thế giới nhìn qua ô cửa sổ

Everett, chủ cửa hàng bán cá, con người tự cách ly xã hội sống trong ngôi nhà gỗ nhỏ, không nước máy, không điện lưới. Ông ta không hề yêu Maud - đơn giản, với Everett, mối quan hệ hôn nhân này mang lại cho ông lợi nhuận. Khi sức khỏe Lewis suy giảm, việc đi lại cũng khó khăn, Everett vẫn đòi hỏi vợ thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ vệ sinh nhà cửa. Hành động chồng mắng chửi và cãi vã xảy ra như cơm bữa.

Trong bối cảnh ngột ngạt như vậy, vẽ tranh trở thành nỗ lực trốn chạy khả dĩ nhất với Lewis.

Tất cả bắt đầu bằng việc gom nhặt bột màu còn sót lại từ những ngày Everett sơn phủ tường nhà gỗ. Không có vải toan làm nền vẽ tranh - vật liệu đắt tiền và khan hiếm ở thị trấn nhỏ thời ấy, người phụ nữ yêu hội họa vẽ lên tất cả những gì trong tầm tay với.

Thời gian ngắn sau đó trên những ô kính cửa sổ dần xuất hiện những bông hoa tulip, những cánh chim và cánh bướm dập dìu bay lượn. Hơn thế, mấy xô đựng rác cũng được “khoác áo” hàng loạt bông hoa dại. Trong phim Maudie đã kể có đơn cảnh tuyệt vời, theo đó Everett hỏi vợ, tại sao cô làm việc này. Lewis đáp, ngắn gọn: “Ông từng nói, ngôi nhà của chúng ta phải có diện mạo đàng hoàng. Tôi nghĩ, bây giờ nó đúng như vậy”.

Lewis đã vẽ những gì, bà nhìn thấy qua ô cửa sổ - bởi bà rất hiếm khi ra khỏi nhà. Thế giới nhìn được từ viễn cảnh này theo nữ họa sĩ, không khác gì bức tranh trong khung gỗ. Chưa bao giờ bà nhìn thấy tác phẩm của họa sĩ khác. Lewis đã sáng tạo trên nền tảng những gì bản thân sở hữu, là khung cảnh thiên nhiên thị trấn Nova Scotia, nhưng thiếu hiện thực. Vẽ tranh mang lại cho bà cảm giác tự do và không phụ thuộc. Cuối cùng Lewis cảm thấy hạnh phúc và điều này hiển hiện trên những tác phẩm của danh họa.

Bán chạy như tôm tươi

Thời gian ngắn sau đó, trong nhà không còn diện tích để Maud vẽ tranh. Khi ấy Everett nghĩ ra cách kiếm cho vợ những tấm ván gỗ nhỏ. Một ngày nọ, có người bạn chủ cửa hàng cá tình cờ ghé thăm nhà và quả quyết, có thể bán những tranh vẽ của Maud Lewis. Maud và chồng treo trước nhà tấm biển “Bán tranh”.

Một nữ du khách mở hàng, sau bà là những người khác. Ban đầu mọi người mua với giá 2USD, sau đó 5 USD/tranh. Sản phẩm bán chạy như tôm tươi, Everett buộc vợ phải vẽ nhiều tranh hơn - tối thiểu 2 tranh/ngày. Hắn cho rằng, cần tranh thủ khai thác “con gà đẻ trứng vàng”.

Maud Lewis nổi tiếng ra ngoài thị trấn sau bài viết đăng trên tạp chí Chatelaine. Tác giả, nhà văn trẻ nhớ đến Lewis, khi được tạp chí đặt hàng bài viết về chủ đề phụ nữ. Nhà văn trẻ sống cùng thị trấn và từ lâu đã quan tâm đến vợ Everett dị thường, người phụ nữ tàn phế suốt ngày cầm bút vẽ. “Câu chuyện của Maud Lewis là biểu tượng sự sống đẹp nhất tôi đã gặp” - tác giả bài viết bình luận.

Sau bài viết trên, phóng viên Đài Truyền hình Canada tìm đến nhà Maud Lewis và phát sóng phóng sự. Nhu cầu mua tranh của nữ danh họa tăng đột biến - người ta nói rằng, Everett bán chúng, khi bột màu còn ướt. Không chỉ có khách trong nước, nhiều khách nước ngoài cũng xếp hàng đăng ký. Thậm chí, Richard Nixon, khi ấy là Phó Tổng thống Mỹ, cũng đặt mua 2 tác phẩm.

Một tác phẩm của Lewis.

Một tác phẩm của Lewis.

Vẽ bằng cả hai tay

Bệnh viêm khớp dạng thấp tiến triển giai đoạn cuối khiến Lewis ngày càng khó vận động. Khi vẽ bà phải dùng cả hai tay - một cầm bút lông, tay còn lại điều khiển tay cầm bút. Những cơn đau quặn ruột ngày càng tấn công dữ dội, đến mức bà nghiện thuốc aspirin. Cho dù cùng với thời gian Maud Lewis đã là nhân vật nổi tiếng ở địa phương, song trong những năm cuối đời, bà bị ông chồng tàn ác cách ly khỏi cộng đồng. Lewis chỉ có một nhiệm vụ - vẽ tranh.

“Theo tôi, Everett là con người ích kỷ, vô nhân đạo. Khi qua đời, ông ta vẫn còn dự trữ 22 nghìn USD, một khoản tiền khổng lồ thời đó, trong khi trong nhà thậm chí không có một cái cửa nghiêm túc, chưa nói đến những tiện nghi khác” - người viết tiểu sử Lewis nhận xét.

Niềm vui từ lao động sáng tạo

Nữ danh họa qua đời năm 67 tuổi (1970). Bà vẽ tranh đến những ngày cuối cùng và dường như chính nhờ điều đó, người phụ nữ tàn phế vẫn có thể tươi cười. “Mỗi bức tranh của Maud Lewis đều được “mua bằng” những đau đớn thể xác. Đổi lại, nữ danh họa thụ hưởng niềm vui từ nỗ lực sáng tạo thế giới tưởng tượng giàu màu sắc, cho dù chắc chắn nó không phải là thế giới, bà từng sống” - nhà văn Woolaver, tác giả cuốn tiểu sử Lewis khẳng định.

Sau ngày Maud Lewis qua đời, Everett bán tất cả những gì, người vợ khốn khổ từng vẽ. Tuy nhiên vẫn còn lại tác phẩm quan trọng nhất của danh họa - căn nhà gỗ nhỏ xíu đầy ắp tranh vẽ. Căn nhà không chỉ sắm vai galery mini những tác phẩm của Lewis, studio của danh họa, mà trước hết là một dạng vải toan độc nhất vô nhị. Sau ngày chủ ngôi nhà qua đời, Galery Nghệ thuật thị trấn Nova Scotia đã mua lại công trình. Ngày nay căn nhà nhỏ được di dời đến khuôn viên Galery Nghệ thuật Nova Scotia và trở thành bộ phận của triển lãm.


Ngọc Báu
Ý kiến của bạn